Say thì đánh vợ, tỉnh lại nói yêu thương

Gặp chị Nguyễn Thị Lành (Quỳnh Lưu, Nghệ An), ít ai nghĩ chị năm nay mới gần 50 tuổi. Vẻ ngoài khắc khổ, làn da đen sạm nắng gió khiến chị già hơn nhiều. 

Kể về hoàn cảnh gia đình, chị Lành liên tục lau nước mắt: “Tôi có 7 con gái và một người chồng nghiện rượu. Nhiều năm qua tôi phải gồng gánh, trồng trọt chăn nuôi để có tiền cho các con ăn học. Thế nhưng sức một mình tôi không thể nào gánh nổi. Chồng liên tục say rượu rồi về nhà đánh đập vợ con. Cả gia đình trông chờ vào mẫu ruộng nhưng cứ làm ra đồng nào thì ông ấy lại mang đi uống rượu hết. Một tuần có 7 ngày thì ông ấy say 6 ngày, rồi lại giáng lên đầu tôi những trận đòn roi”.

baohanh-479-1658106743.jpg
Người đàn bà tần tảo, hết lòng vì gia đình vẫn không thoát được cảnh bạo lực.

Ngày chưa nghiện rượu, chồng chị Lành khá tu chí làm ăn. Đến năm 1993, khi gia đình dọn ra ngoài ở riêng, anh bắt đầu sinh thói bạo lực. 

“Không biết con ma men xâm nhập vào người lúc nào mà gần 30 năm nay ông ấy liên tục say xỉn, chửi bới, đánh đập vợ. Mỗi lần tôi giấu rượu đi, ông ấy lại đi tìm rồi đập tung hết cả nhà khiến con cái hoảng sợ. Nhưng lúc tỉnh rượu ông ấy lại nói yêu thương vợ con. Nhiều người nói vì ông ấy buồn chuyện không có con trai nên sinh ra rượu chè rồi trở thành người như vậy. Tôi cũng không biết phải làm thế nào”, chị Lành chia sẻ.

Biết vậy nên những lúc chồng say, chị thường tìm cách né tránh để bảo vệ mình. Chị hiểu nếu không có chị, các con không biết bấu víu vào đâu. Trong số 7 người con của chị, có 3 cháu lập gia đình, có cháu phải nghỉ học vì mẹ không đủ điều kiện, có cháu may mắn có được công việc tạm ổn. 

Điều khiến chị đau đớn nhất là cách đây 3 năm, chồng và con gái 13 tuổi đều bị chẩn đoán ung thư. Nỗi đau chồng chất khiến chị Lành suy sụp tinh thần. Nuôi các con đã vất vả giờ lại thêm gánh nặng bệnh tật của chồng và con gái, chị thực sự không biết ra sao. Chị gồng mình làm, chỉ cần ai thuê mướn là chị nhận hết để kiếm thêm tiền lo cho con.

“Bệnh của con nặng không biết ngày mai ra sao nhưng mình làm mẹ chỉ biết cố gắng hết sức, giúp con được ngần nào hay ngần ấy. Chồng tôi bị ung thư gan, cắt hơn 1/3 lá gan và cả mật, bây giờ cũng thuốc thang điều trị. Nhưng dù biết bệnh thì ông ấy vẫn không bỏ rượu, vẫn tiếp tục uống, tôi cũng chẳng còn cách nào để cấm, cấm thì lại bị ông ấy cho ăn đòn”, chị Lành kể. 

Được sự hỗ trợ của chính quyền xã cũng như tổ chức Hagar, chị Lành nhận được khoản chu cấp gần 3 triệu đồng/tháng. Đối với chị đây không chỉ là món quà vật chất, nó còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao giúp chị vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chồng chị cũng nhiều lần được xã cho đi cai rượu thậm chí triệu tập để điều chỉnh về hành vi bạo lực của mình và bước đầu có những thay đổi tích cực về nhận thức. 

“Giờ đây, tôi không mong gì hơn là các con được khỏe mạnh, chồng không bạo lực vợ con. Mỗi lần chồng tỉnh, tôi lại khuyên ông ấy bỏ rượu để gia đình được bình yên. Ông ấy có vẻ cũng dần nghe ra…”, chị Lành xúc động. 

“Bạo lực kinh tế” đau không kém bạo lực thể xác

Chị Nguyễn Thị Lương, 42 tuổi, (Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm nghề buôn bán nhiều năm để kiếm thêm thu nhập nuôi 3 con nhỏ. Số phận không may mắn khi 2 trong số 3 con của chị mắc chứng tự kỉ. Vốn là giáo viên nhưng chị phải từ bỏ công việc của mình ở nhà dành thời gian cho con. Cũng từ đó, chị phụ thuộc kinh tế vào chồng.

baohanh1-480-1658106809.jpg
Chị Lương đau đớn vì bị "bạo lực kinh tế", chồng không chu cấp tiền nuôi con.

Những tưởng khi hi sinh sự nghiệp, chọn theo chồng về quê, làm hậu phương cho anh thăng tiến chị sẽ có được tình yêu thương, nhưng năm 2014, tin chồng ngoại tình như “sét đánh ngang tai”. Điều khiến chị đau đớn hơn cả là anh qua lại với chính người em gái kết nghĩa của chị. 

Không đánh ghen ồn ào như những người phụ nữ khác, chị chọn cách nói chuyện nhẹ nhàng với kẻ thứ ba nhưng họ không thừa nhận mối quan hệ ngoài luồng. Anh chồng cho rằng chị đặt điều, vu oan cho mình. Cay đắng nhưng không biết làm sao, chị chấp nhận nuôi dưỡng niềm tin, cố gắng sống vì các con.

Kinh tế không dư dả cộng thêm việc chăm nuôi con tốn kém trong khi chồng chỉ tơ tưởng các mối quan hệ bên ngoài khiến tình cảm vợ chồng ngày một nhạt đi. Chị Lương chỉ biết sống trong tủi hổ, chấp nhận nhìn chồng đi với hết người đàn bà này đến người đàn bà khác. 

Đã vậy, căn bệnh tiểu đường đeo bám nhiều năm khiến chị yếu dần. “Nếu không vì các con, tôi đã không thể gắng gượng được cho đến bây giờ. Mỗi ngày phải tiêm 4 lần nhưng cũng may tôi thuộc hộ nghèo nên không tốn kém chi phí. Nhìn chồng đi với người ta, tôi chua xót lắm, nhưng có làm được gì đâu”, chị Lương tâm sự. 

“Chồng nhiều lần ép ly hôn nhưng tôi không chấp nhận. Căn nhà hiện tại không phải tài sản chung sau hôn nhân, ly hôn thì các con tôi sẽ ở đâu? Tôi chỉ chấp nhận ly hôn với điều kiện anh ta phải nuôi các con nhưng anh không đồng ý. Dù tôi giữ lại được ngôi nhà cho các con ở nhưng lại không được chu cấp về kinh tế, phải tự kiếm tiền nuôi cả 3 đứa. Anh ta không hỗ trợ mẹ con tôi bất cứ đồng nào. Sống chung nhà nhưng vợ chồng chẳng khác gì người dưng, tôi phải một mình gánh vác tất cả. Thực sự tôi đang chưa biết nên làm thế nào lúc này”, chị Lương nói. 

Không phải chịu những trận đòn roi như bao người phụ nữ khác nhưng đối với chị, “bạo lực kinh tế” và tinh thần như lúc này còn đau khổ hơn nhiều. Cũng may, nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền xã cùng với việc hỗ trợ vốn kinh doanh của tổ chức Hagar, chị Lương có được công ăn việc làm, thêm thu nhập lo cho các con.

mainha-607-1658106845.jpg
Tổ chức Hagar và chính quyền xã thường xuyên tổ chức các cuộc thi truyền thông chống bạo lực. 

Chia sẻ về những trường hợp trên, đại diện cán bộ xã, ông Hồ Nguyên Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho hay, Đội phản ứng nhanh (đội tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình) đã có những chính sách truyền thông, ngăn chặn tình trạng bạo lực. Đồng thời xã và tổ chức Hagar cũng hỗ trợ sinh kế giúp người khó khăn có thêm thu nhập. Nhiều người có những thay đổi tích cực về nhận thức dần kéo theo sự thay đổi về hành vi.

Tuy nhiên, việc làm sao để khiến những người gây bạo lực nhận ra sai lầm và thay đổi không phải là chuyện một sớm một chiều mà là cả một quá trình “mưa dầm thấm lâu”. 

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi