Kết luận điều tra vụ thâu tóm các gói thầu thiết bị giáo dục tại Quảng Ninh vừa được Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an ban hành cho thấy: bộ quy trình do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bà Hoàng Thị Thúy Nga lập ra có nhiều điểm chung.
Cả hai bộ quy trình này đều có những thủ đoạn "làm xiếc" đấu thầu như: thông đồng, câu kết với quan chức địa phương, lập "quân xanh quân đỏ", nâng khống giá thiết bị, hưởng lợi rồi trích hoa hồng "lại quả" cho những quan chức...
Thực hiện quy trình 93 bước
Trong vụ án này, hai nữ bị can bị xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu là Vũ Liên Oanh - cựu giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Hoàng Thị Thúy Nga - chủ tịch hội đồng sáng lập NSJ Group.
Trước khi thành lập và phát triển "đế chế" NSJ, Nga là phó tổng giám đốc của AIC và từng là "cánh tay phải" đắc lực của Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Những năm gần đây, NSJ của bà Nga trúng thầu ở khắp các tỉnh thành nên bà từng được mệnh danh là "bà trùm" thiết bị y tế, giáo dục...
Hoàng Thị Thúy Nga đã đặt vấn đề với cựu giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh về việc thực hiện dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục mầm non năm 2016, cả hai trao đổi, thống nhất về việc giao cho cấp dưới lập dự án.
Sau đó Nga chỉ đạo toàn bộ phòng, ban nhân viên cấp dưới thực hiện các thủ đoạn thông thầu theo "quy trình 93 bước".
Nga cũng giao cho Trần Thị Thanh Xuân, Trần Ngọc Thắng, giám đốc Công ty MQF, phụ trách khối giáo dục, thực hiện và chỉ đạo toàn bộ mảng công việc liên quan đến thiết bị giáo dục từ khâu lập dự án, tính toán giá sản phẩm, lập hồ sơ dự thầu, làm hồ sơ "quân xanh", "quân chính" để đấu và trúng thầu.
Cụ thể, theo "quy trình 93 bước", ban quan hệ khách hàng Công ty NSJ có nhiệm vụ gặp gỡ, tiếp xúc và là đầu mối liên hệ với chủ đầu tư để tìm hiểu các thông tin về nhu cầu, kế hoạch, chủ trương cũng như nguồn vốn ngân sách của tỉnh đối với lĩnh vực giáo dục trong từng năm.
Ban này sau đó báo cáo cho Nga biết để Nga liên hệ, thống nhất với giám đốc sở trong việc lập dự án, phê duyệt dự án và thực hiện các thủ tục đấu thầu để NSJ trúng thầu.
Theo kết quả điều tra, để chiếm đoạt tiền của Nhà nước và che giấu lợi nhuận thực tế, Nga đã dùng thủ đoạn nâng giá thiết bị từ nước ngoài trước khi nhập khẩu, bằng việc ký hợp đồng với các công ty trung gian thay vì ký trực tiếp với hãng sản xuất.
Việc này nhằm "thổi giá" thiết bị sẽ cung cấp cho địa phương. Tiếp đến, khi hàng hóa về nước, Nga lại chỉ đạo, điều hành thực hiện việc mua, bán qua lại giữa các công ty do "bà trùm" này chi phối, để tiếp tục nâng giá thêm một lần nữa trước khi đưa vào các gói thầu.
Theo các quy trình trên, giá thiết bị khi đưa vào các gói thầu sẽ bị "thổi giá" lên gấp 1,4 - 3 lần so với giá nhập, tùy thuộc hàng nội địa hay quốc tế. Riêng mặt hàng máy tính, máy tính bảng thì cao không quá 20% giá tham khảo của nhà cung cấp trong nước.
Công ty của Hoàng Thị Thúy Nga đã trúng sáu gói thầu cung cấp thiết bị giáo dục tại Quảng Ninh, trị giá hơn 636 tỉ đồng, chỉ tính riêng hai gói thầu của năm 2019 gây thiệt hại hơn 80 tỉ đồng.
14 lần "lại quả" hơn 30 tỉ đồng
Cũng theo kết luận điều tra, trước khi đấu thầu, Hoàng Thị Thúy Nga yêu cầu các thuộc cấp tính toán để sau khi trừ các chi phí hợp lý, giá vốn thì lợi nhuận phải đạt từ 46-48%. Không những thế, hồ sơ sổ sách, chứng từ của các gói thiết bị trong dự án còn được "phù phép" đưa vào những chi phí "không hợp lệ" chiếm khoảng 30% giá trị hợp đồng.
Các chi phí này được ghi trong sổ sách là tư vấn, xử lý tư vấn, tư vấn dự án hủy... Tuy nhiên kết quả xác minh cho thấy đây chỉ là "tiền chi lại quả cho các quan chức Sở GD&ĐT Quảng Ninh". Mỗi gói thầu, sau khi trừ đi các chi phí "hợp lệ và không hợp lệ" phải đạt lợi nhuận từ 8-12%, kết luận nêu.
Cựu giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh khai sau khi thực hiện xong dự án, Nga có đến gặp nhiều lần và mỗi lần đều mang tiền tỉ đến "cảm ơn". Tổng cộng có bốn lần Nga đến gặp bà Oanh để "lại quả" đều vào dịp sau 23 tháng chạp của bốn năm liên tiếp từ 2016-2019.
Việc đưa tiền ba lần diễn ra tại Sở GD&ĐT, lần ít nhất bà Oanh nhận 1 tỉ, nhiều nhất là 5 tỉ. Lần thứ tư bà Oanh nhận tại nhà riêng là 4,5 tỉ. Tổng số tiền "bà trùm" đã lại quả cho cựu giám đốc sở là 14 tỉ đồng.
Bị can Ngô Vui - cựu trưởng phòng kế hoạch tài chính của Sở GD&ĐT Quảng Ninh - cũng khai đã năm lần được Nga đưa tiền "cảm ơn". Trong đó có ba lần Vui nhận tiền trực tiếp từ Nga ngay tại Sở GD&ĐT.
Hai lần còn lại Vui nhờ con gái mình đến Công ty NSJ nhận tiền từ nhân viên của Nga và mang về. Tổng số tiền Vui được "lại quả" là 14,8 tỉ. Cấp phó của Vui là ông Hà Huy Long cũng có năm lần được nhận tiền "cảm ơn" từ Nga và nhân viên với tổng số tiền hơn 1,8 tỉ đồng.
Theo Thân Hoàng - Báo Tuổi Trẻ