Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh FIFA World Cup 2022 đã chính thức bắt đầu, thu hút sự quan tâm đông đảo của người hâm mộ bóng đá trong đó có không ít các nhà đầu tư. Đây là kỳ World Cup đặc biệt nhất từ trước đến nay khi diễn ra vào mùa đông (từ ngày 20/11-18/12).
Trong quá khứ, các mùa World Cup thường diễn ra vào tháng 6-7, khoảng thời gian nhạy cảm sau giai đoạn “Sell in May” và trước mùa báo cáo tài chính quý 2 hàng năm. Theo thống kê, chứng khoán Việt Nam thường có diễn biến không mấy khả quan trong khoảng thời gian diễn ra World Cup.
Từ khi đi vào hoạt động tháng 7/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua tổng cộng 5 mùa World Cup với 4/5 lần VN-Index giảm điểm và chỉ tăng duy nhất trong thời gian diễn ra World Cup 2014 tại Brazil.
Không chỉ thua nhiều mà còn hay thua đậm, VN-Index thậm chí còn mất hơn 11% trong kỳ World Cup gần nhất tại Nga năm 2018. Trước đó, chỉ số cũng đã giảm hơn 7% trong một tháng với mùa World Cup 2006 tại Đức.
Còn trên thế giới, chỉ số Down Jones Industrial Average giảm trung bình 2% trong hai tuần cuối tháng 6 trong những năm diễn ra World Cup và đến giữa tháng 7 hồi phục lại gần như nguyên trạng; khối lượng giao dịch cổ phiếu trên thế giới giảm xuống trong thời gian diễn ra các trận đấu; độ dao động của thị trường tăng lên; và nhìn chung các chỉ số tham chiếu giảm xuống trong nửa đầu mùa giải và tăng lên trong nửa cuối mùa giải.
World Cup vì sao lại có thể khiến chứng khoán ở Mỹ giảm? Lý do trực tiếp có thể là người ta tập trung chú ý nhiều hơn đến bóng đá, đặc biệt là khi mà các trận đấu quan trọng lại thường diễn ra cùng thời điểm mở cửa sàn giao dịch Mỹ.
Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, World Cup chẳng có lỗi gì cả. Vì vốn dĩ khoảng thời gian cuối tháng 6 là khoảng thời gian nhạy cảm khi các công ty đưa ra kết quả quý 2 và cũng là thời gian diễn ra nhiều phiên họp Chính phủ. Và thực tế tại cả Việt Nam lẫn thế giới, những mức giảm đều khá nhỏ.
World Cup 2022 diễn ra đúng vào giai đoạn khoảng trống thông tin của chứng khoán Việt Nam sau khi mùa báo cáo tài chính quý 3 đã khép lại và kỳ họp Quốc hội cũng đã bế mạc. Các chứng sỹ vẫn kỳ vọng, với sự thay đổi về thời gian tổ chức năm nay, thị trường cũng sẽ có màn "phá dớp" mang lại tín hiệu tích cực cho tài khoản của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, khá trùng hợp là World Cup 2022 lại diễn ra đúng vào giai đoạn tương đối dễ thở của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong 22 năm qua, VN-Index có 12 lần tăng điểm trong tháng cuối cùng của năm với nhiều lần tăng mạnh trên 10%. 2 năm gần nhất, chỉ số quan trọng này đều tăng trong tháng 12.
Ông Hoàng Thanh Tùng – Chuyên gia tài chính từ Singapore chia sẻ tại Bí mật đồng tiền trưa 23/11 rằng: “Năm nay World Cup diễn ra vào tháng 11-12, những năm tốt VN-Index có kết quả thuận lợi và tăng trưởng do nhiều quỹ lớn chốt NAV. Năm nay chỉ số VN-Index đã hạ nhiều và các quỹ cũng thấy định giá khá thấp, hy vọng chỉ số hồi phục trong kỳ World Cup.”
Hiện tại, chứng khoán Việt Nam cũng đang đón nhận những tín hiệu lạc quan sau chuỗi ngày dò đáy. Từ vùng đáy 2 năm quanh 900 điểm, VN-Index đã đảo chiều tăng 3 phiên liên tiếp cùng thanh khoản được cải thiện đáng kể. Khối ngoại cũng trở lại mạnh mẽ khi liên tục mua ròng. Định giá hấp dẫn với P/E của VN-Index thấp lịch sử (tương đương vùng đáy Covid và giai đoạn khủng hoảng 2011-2012) cũng kích thích dòng tiền dài hạn trở lại thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, Bộ Tài Chính cũng tổ chức cuộc họp bàn về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp vào sáng ngày 23/11 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Trước đó, ngày 14/11 vừa qua, Bộ Tài chính cũng đưa ra thông báo về hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo Bộ Tài Chính, trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu./.
Theo Anh Nhi - vietnamdaily.trithuccuocsong.vn