Theo báo cáo, địa bàn huyện Quỳ Hợp hiện có 82 mỏ được cấp phép còn hạn, 158 xưởng chế biến khoáng sản, 78 mỏ hết hạn. Trong đó, có 50 giấy phép đã có quyết định đóng cửa mỏ của UBND tỉnh, 28 mỏ đã cấp lại giấy phép hoặc chưa khai thác nhưng đã hết hạn; 01 tổ chức (01 mỏ) đang thực hiện thăm dò khoáng sản theo giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp. Mặc dù pháp luật đã có quy định cụ thể, nhưng ngay từ khi bắt đầu làm thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản một số doanh nghiệp đã không chú trọng việc đánh giá tác động môi trường thuê đất dùng làm bãi tập kết sản phẩm và các công trình phụ trợ.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An ban hành Văn bản 7454 gửi UBND huyện Quỳ Hợp yêu cầu kiểm tra thông tin phản ánh một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp sử dụng bãi thải, bãi tập kết sản phẩm và các công trình khác trên diện tích chưa được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất nhưng chưa được chính quyền địa phương kiểm tra xử lý dứt điểm.
Trên thực tế, hành vi lấn, chiếm đất khi bị phát hiện các cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Đơn cử, Công ty TNHH Hợp Thịnh (Khu tiểu thủ công nghiệp, thị trấn Quỳ hợp, huyện Quỳ Hợp) đã sử dụng 1,7ha đất rừng sản xuất tại khu vực Thung Xụ, xã Liên Hợp để làm bãi thải, xây dựng lán trại chưa được cơ quan nhà nước cho thuê đất, thời gian vi phạm từ năm 2019 đến ngày kiểm tra. Ngoài bị phạt tiền, Công ty Hợp Thịnh còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm.
Tại khu vực Thương Xán 2, xã Liên Hợp đã bị Công ty TNHH Thương mại Kiều Phát, (xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp) lấn chiếm 32.000m2 đất làm văn phòng mỏ, làm bãi tập kết sản phẩm và bãi thải khi chưa được cơ quan nhà nước cho thuê đất, thời gian vi phạm từ năm 2019 đến thời điểm kiểm tra; Công ty TNHH Kiều Phát bị xử phạt và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm.
Tương tự, Công ty TNHH khai thác khoáng sản Quang Thắng (xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ hợp) lấn 0,066ha đất rừng sản xuất tại khu vực Thung Cồn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp để đổ đất đá thải (thời gian đổ thải từ năm 2020) bị UBND huyện xử phạt, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm.
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn cho biết, nếu đưa vào diện kiểm tra thì hầu như đều có tình trạng lấn, chiếm đất làm bãi thải, bãi tập kết sản phẩm… Đây có thể xem tình thế bắt buộc của một số doanh nghiệp, sẽ không khai thác được vì không biết đổ thải vào đâu, còn vận chuyển dùng san lấp mặt bằng cho người dân hay đơn vị khác sẽ vi phạm. Thực tế có doanh nghiệp lấn, chiếm đất rừng sản xuất nhưng cũng có doanh nghiệp phải mua, thuê lại đất của dân bởi lúc khi thác chẳng may vương ra vài cục đá sang phần đất này sẽ bị xử phạt theo quy định. Do trước đây việc cấp phép xây dựng khai thác mỏ không đồng bộ cùng với thuê đất. Đến nay vướng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, đồng thời phải thực hiện như bắt đầu một dự án mới. Vi phạm lấn, chiếm đất làm bãi thải (chủ yếu đất đá nhỏ đổ vào) buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu nhưng sau khi thuê được đất doanh nghiệp cũng phải dùng đất đá thải vào vùng đất đã lấn, chiếm mới có mặt bằng xây nhà xưởng, các công trình phụ trợ, làm bãi tập kết sản phẩm là điều các cơ quan chức năng nên xem xét.
Về vấn đề đổ thải vào bãi thải, giả sử doanh nghiệp không tự nguyện khắc phục tình trạng ban đầu theo quyết định xử phạt. Nếu áp dụng khoản 1 Điều 87 và khoản 2, Điều 88 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012, Chủ tịch UBND các cấp có quyền ra quyết định cưỡng chế, lúc này doanh nghiệp chịu mọi chi phí về tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế thì ngay cả lúc đó cũng không thể vận chuyển đất đá từ bãi thải mang đi đổ nơi khác. Nguyên nhân chính vì bãi thải khu công nghiệp tập trung chưa được xây dựng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Nếu được xây dựng thì diện tích từng khu bãi thải công nghiệp phải lớn và thời gian dài mới bốc dỡ vận chuyển hết lượng đất đá từ bãi thải đổ vào đây.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Địa bàn Quỳ hợp có rất nhiều điểm mỏ và cấp phép trên đỉnh núi cao, dưới thung lũng. Hiện lượng đất đá thải rắn đổ ra rất lớn, cũng có doanh nghiệp xây dựng các công trình phụ trợ với mặt bằng từ bãi thải. Khi phát hiện hành vi lấn, chiếm đất, UBND huyện Quỳ hợp đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc khôi phục lại tình trạng ban đầu, nếu có bãi thải khu công nghiệp tập trung thì chi phí bốc dỡ vận chuyển cũng quá cao. Chính vì điều kiện thực tế tại địa phương, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét các vấn đề liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiến hành thủ tục thuê đất".
Theo quy định tại khoản 1 Điều 205 Luật Đất đai 2024: Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản bao gồm đất để thăm dò, khai thác khoáng sản và khu vực các công trình phụ trợ cho hoạt động khoáng sản. Trước đó, Luật Đất đai 2003, 2013 cũng không quy định doanh nghiệp khai thác khoáng sản được thuê đất dùng làm bãi thải tại chính khu vực khai thác. Nguyên nhân xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất làm bãi thải, bãi tập kết sản phẩm phần nào có trách nhiệm của doanh nghiệp. Cũng phải kể đến trách nhiệm của chính quyền không nỗ lực trong việc xây dựng bãi thải công nghiệp tập trung.
Việc nhiều doanh nghiệp vi phạm nhiều thời điểm, nhiều khu vực trên địa bàn nhưng cơ quan chức năng cũng không giám sát phát hiện kịp thời, có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu khi có hành vi vi phạm lấn, chiếm đất. Chính vì điều kiện thực tế tại huyện Quỳ Hợp hành vi lấn, chiếm đất của doanh nghiệp làm bãi thải buộc phải khôi phục tình trạng đất ban đầu là khó khả thi. Để giải quyết vấn đề các doanh nghiệp có nhu cầu làm bãi tập kết sản phẩm, các công trình phụ trợ từ mặt bằng bãi thải mà không ảnh hưởng môi trường như gây sạt lở, ngập úng… cho khu vực xung quanh.