Tuy nhiên, trong quá trình khai thác đã có nhiều tồn tại, vi phạm. Trong đó, có những vi phạm nghiêm trọng nhưng không bị xử lý một cách quyết liệt dẫn đến sai phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Nhiều tồn tại, vi phạm
Từ khi 2 mỏ đất của Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng và Công ty TNHH Hoàng Phúc đi vào hoạt động tại xã Diễn Lợi (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, vi phạm…khiến người dân và chính quyền địa phương bức xúc và đã nhiều lần kiểm tra, kiến nghị các biện pháp khắc phục, xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chấp hành của 2 chủ mỏ nói trên là không tích cực.
Trước tình hình đó, mới đây, ngày 30/7/2024, UBND huyện Diễn Châu đã tổ chức đoàn kiểm tra, làm việc về hoạt động khai thác khoáng sản, quản lý đất đai, xây dựng và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan đến 2 mỏ đất tại xã Diễn Lợi. Đoàn kiểm tra do ông Lê Mạnh Hiên, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng đoàn.
Sau khi kiểm tra thực tế và làm việc với các bên liên quan. Ngày 01/8/2024, UBND huyện Diễn Châu đã ra Thông báo số 171/TB-UBND kết luận của ông Lê Mạnh Hiên, Trưởng đoàn kiểm tra.
Theo nội dung Thông báo số 171/TB-UBND thì tại cuộc làm việc, đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị cung cấp các hồ sơ pháp lý liên quan. Tuy nhiên, qua kiểm tra, các đơn vị chưa cung cấp hồ sơ thiết kế mỏ cũng như hồ sơ thiết kế tuyến đường vào mỏ được người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Xây dựng; đồng thời chưa có các hồ sơ nghiệm thu, nhật ký thi công, hồ sơ quản lý chất lượng các hạng mục, hồ sơ nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, hoàn thành công trình để đưa công trình vào sử dụng theo quy định; không có hồ sơ quản lý, kiểm soát việc khai thác hàng ngày, hồ sơ quản lý các phương tiện ra, vào mỏ; không có hồ sơ phương án giải phóng mặt bằng liên quan…
Kết quả kiểm tra tại hiện trường, đoàn kiểm tra còn phát hiện một số tồn tại khác ở 2 mỏ đất này. Cụ thể, trong quá trình khai thác, Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng đã làm mất mốc giới hạn ranh giới được phép khai thác trên mỏ đất. Tại 2 mỏ đất, Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng và Công ty TNHH Hoàng Phúc đều đang khai thác vượt ra ngoài phạm vi mốc giới mỏ được cấp phép. Đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, UBND xã Diễn Lợi báo cáo đã kiểm tra, yêu cầu dừng khai thác ngoài phạm vi mốc giới mỏ nhưng các đơn vị vẫn cố tình vi phạm.
Mặt khác, việc vận chuyển đất khai thác chưa tuân thủ quy định về việc giám sát, quản lý trữ lượng, chưa có trạm cân kiểm tra tải trọng, chưa vệ sinh phương tiện trước khi ra khỏi mỏ, một số phương tiện không có che đậy trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh.
Thêm vào đó, việc thi công hạ tầng mỏ và đường giao thông kết nối đường N2 vào mỏ chưa đúng quy trình, quy định hiện hành: Chưa xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng khai thác mỏ như nhà vận hành, trạm cân, khu vực rửa xe, biện pháp khai thác chưa đảm bảo quy định; chưa hoàn thành thi công đường các tuyến vào mỏ được cơ quan chuyên môn về xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng theo quy định; trên thực tế các tuyến đường hư hỏng, mặt đường nứt gãy, lún sụt nền đường, lề đường tại nhiều vị trí, hệ thống an toàn giao thông chưa đảm bảo, bùn đất trên mặt đường nhiều gây khó khăn đi lại, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống nhân dân hai bên tuyến.
Theo báo cáo của UBND xã Diễn Lợi và các ý kiến của Bí thư Đảng ủy xã, Bí thư các chi bộ xóm 5 và xóm 6 thì các đơn vị khai thác vận chuyển với nhiều phương tiện tải trọng nặng gây hư hỏng đường, gây bụi mù mịt, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân (kể cả trên tuyến đường nhựa ĐH.256 qua trung tâm xã Diễn Lợi).
Liên quan các nội dung trên, đại diện lãnh đạo UBND xã Diễn Lợi cho biết, xã đã nhiều lần làm việc với Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng và Công ty TNHH Hoàng Phúc, tuy nhiên các đơn vị vẫn không chấp hành việc xử lý ô nhiễm môi trường. Gần nhất là ngày 21/6/2024, UBND xã Diễn Lợi có văn bản số 319 CV/UBND về việc tạm dừng, không cho xe chở đất chạy trên tuyến đường số 4 nối từ N2 đi qua khu dân cư xóm 6 vào mỏ vật liệu phục vụ san lấp và cứu hộ PCCCR tại xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu. Tuy nhiên, sau đó các chủ mỏ cũng không chấp hành.
Do đó, ngày 25/6 và 26/6/2024, nhân dân địa phương và UBND xã Diễn Lợi đã tổ chức lập chốt kiểm tra, yêu cầu các đơn vị khai thác và phương tiện vận chuyển chấp hành các quy định, tổ chức sửa chữa đường, tưới nước, che đậy thùng xe tránh gây ảnh hưởng đời sống nhân dân. Tuy vậy, trên thực tế, tuyến đường vận chuyển vật liệu từ 2 mỏ đất đi ra chân công trình vẫn đầy bụi và ô nhiễm nghiêm trọng.
Liên quan đến việc 2 đơn vị nói trên khai thác vượt phạm vi cho phép với diện tích lớn thì sau khi phát hiện xã yêu cầu dừng khai thác ngoài phạm vi và đã báo cáo cho huyện để kiểm tra xử lý. Thế nhưng, các đơn vị vẫn tiếp tục vi phạm.
Cần xử lý nghiêm!
Liên quan đến khai thác vượt phạm vi mỏ. Sau khi phát hiện 2 mỏ đất nêu trên khai thác vượt mốc giới được cấp phép, ngày 05/6/2024, UBND xã Diễn Lợi đã báo cáo về việc khai thác vượt phạm vi gửi UBND huyện Diễn Châu để kiểm tra và có hướng xử lý. Tiếp đó, vào ngày 7/8/2024, UBND xã Diễn Lợi đã ban hành Thông báo số 370/TB-UBND yêu cầu Công ty TNHH Hoàng Phúc dừng ngay việc khai thác đất ngoài phạm vi quy hoạch mỏ; và Công ty TNHH Thiết bị Thiên Hoàng dừng ngay việc khai thác ngoài phạm vi mỏ và ngoài phạm vi cấp phép mỏ giai đoạn 1.
UBND xã Diễn Lợi cũng yêu cầu 2 công ty này hợp tác, phối hợp với địa phương để đo khối lượng diện tích đất đã khai thác ngoài phạm vi cấp phép, quy hoạch mỏ để có số liệu cụ thể, chính xác phục vụ cho việc xử lý vi phạm hành chính.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trước đó vào ngày 28/11/2022 cả 2 đơn vị này cũng đã bị UBND huyện Diễn Châu xử phạt vi phạm hành chính cùng một hành vi là "chiếm đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn từ ngày 20/7/2022 để sử dụng vào mục đích khai thác khoáng sản tại xã Diễn Lợi". Trong đó, diện tích vi phạm của Công ty TNHH Hoàng Phúc là 5.063,5 m2; còn Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng vi phạm trên diện tích 9.857,9 m2. Số tiền mà 2 đơn vị này bị xử phạt là hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, UBND huyện Diễn Châu còn yêu cầu 2 đơn vị nói trên dừng ngay các hành vi vi phạm này và khôi phục hiện trạng…
Tuy nhiên, sau đó các chủ mỏ vẫn tiếp tục vi phạm. Vì thế, ngày 05/6/2024, UBND xã Diễn Lợi đã có Báo cáo số 271/UBND về thực trạng khai thác mỏ đất của Liên danh Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng và Công ty TNHH Hoàng Phúc gửi cho UBND huyện Diễn Châu. Báo cáo này nêu rõ, vào ngày 19/5/2024 UBND xã Diễn Lợi phối hợp với liên danh 2 đơn vị nói trên đi kiểm tra thực địa vị trí các điểm mốc từng mỏ. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện các đơn vị đã khai thác ra ngoài phạm vi được cấp phép.
Theo đó, mỏ đất của Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng khai thác ra ngoài phạm vi mỏ gồm 3 vị trí, diện tích vi phạm khoảng 19.589 m2 (gần 2ha). Mỏ của Công ty TNHH Hoàng Phúc khai thác ra ngoài phạm vi mỏ cấp phép 1 vị trí, có diện tích vi phạm 1.454 m2.
Ngoài ra, trong quá trình khai thác, Công ty TNHH Hoàng Phúc đã tự ý mở rộng một số điểm ngoài phạm vi mốc của đường cũ từ 3-5 m, có những điểm khúc cua từ 7-8 m. UBND xã đã phát hiện và làm việc với Công ty TNHH Hoàng Phúc, đồng thời gửi báo cáo đến UBND huyện Diễn Châu và Phòng TN&MT huyện Diễn Châu (năm 2022, 2023), đề nghị kiểm tra và xử lý.
Có thể nói rằng, những tồn tại, bất cập, vi phạm từ mỏ đất của Công ty TNHH Hoàng Phúc và Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng là đã rõ. Trong đó, nghiêm trọng nhất là việc khai thác đất vượt ra ngoài phạm vi mỏ. Vì thế, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cần phải chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, làm rõ để có chế tài xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe đơn vị vi phạm theo quy định của pháp luật.
Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng (có trụ sở tại TX. Cửa Lò) và Công ty TNHH Hoàng Phúc (có trụ sở tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu), được cấp phép 2 mỏ đất tại xã Diễn Lợi (Diễn Châu). Trong đó, mỏ đất của phía Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng có diện tích quy hoạch hơn 22ha, giai đoạn 1 mới cấp phép 15ha, 7ha chưa được cấp phép, với trữ lượng mỏ gần 3,4 triệu m3. Còn mỏ đất của Công ty TNHH Hoàng Phúc, với diện tích khai thác được cấp phép là hơn 10ha, trữ lượng hơn 1,3 triệu m3.