nguoinghe.vn

 

nguoinghe.vn

 

Theo quyết định, phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Nghệ An bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Nghệ An và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

GRDP đạt khoảng 11,0%/năm

Về kinh tế, Quy hoạch đưa ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10,5 - 11,0%/năm. Trong cơ cấu GRDP tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 42,0 - 42,5%; dịch vụ chiếm 39,0 - 39,5%; nông, lâm, thủy sản chiếm 13,5 - 14,0%. GRDP bình quân đầu người năm 2030 khoảng 7.500 - 8.000 USD.

Về xã hội, phấn đấu tỷ lệ làng, bản khối phố văn hóa đạt 78%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong giai đoạn 2021 - 2030 ở mức 0,98%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 37,8%; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm trên 45 nghìn lao động.

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 0,5 - 1,5%/năm, vùng miền núi giảm bình quân 1,5 - 2,0%/năm.

Phấn đấu tỉnh Nghệ An có 70% đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 90%; phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%...

Về môi trường, phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 58%. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%.

Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 60%...

Nghệ An là tỉnh phát triển toàn diện

Tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại của cả nước và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống, hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn và phát huy; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Các đột phá phát triển Nghệ An

Quy hoạch đưa ra các đột phá phát triển tỉnh Nghệ An như phát triển 02 khu vực động lực tăng trưởng, gồm thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng.

Thực hiện ba đột phá chiến lược gồm:

1- Hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với cải cách hành chính. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

2- Tập trung đầu tư, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển; trong đó, phát triển mạnh hạ tầng giao thông chiến lược, tạo sự kết nối, lan tỏa phát triển.

3- Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người xứ Nghệ. Tập trung giáo dục và đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hình thành 4 hành lang kinh tế

Hình thành và phát triển 04 hành lang kinh tế, gồm: (1) Hành lang kinh tế ven biển gắn với trục Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển; (2) Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; (3) Hành lang kinh tế Quốc lộ 7A; (4) Hành lang kinh tế Quốc lộ 48A; trong đó, phát triển hành lang kinh tế ven biển là trọng tâm.

Phát triển 05 ngành, lĩnh vực trụ cột gồm: (1) Phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; (2) Phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao; (3) Phát triển du lịch dựa trên 3 loại hình chính gồm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và thể thao biển và du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng; (4) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (5) Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

Cùng với đó là tập trung đầu tư 06 trung tâm đô thị: đô thị Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), đô thị Diễn Châu, đô thị Đô Lương, đô thị Con Cuông.

Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại

Theo định hướng, ngành công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiện đại, phát triển nhanh, bền vững, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng. Phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, gồm: Công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo và lắp ráp; công nghiệp số; năng lượng tái tạo; công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các ngành có tiềm năng, lợi thế như: Chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, dược liệu, sản xuất vật liệu xây dựng. Phân bố hợp lý một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân (may mặc, da giày).

Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp; hạn chế và giảm dần các lĩnh vực gia công, khai khoáng, sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.