Quyết định này được đưa ra sau khi con gái của Đại sứ Afghanistan tại Pakistan bị bắt cóc ở thủ đô Islamabad, cộng thêm những căng thẳng phát sinh giữa 2 nước liên quan đến cáo buộc Pakistan đang hỗ trợ lực lượng Taliban tại Afghanistan.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Afghanistan, sau vụ con gái Đại sứ nước này tại Pakistan bị bắt cóc, Bộ này quyết định triệu hồi Đại sứ cùng các quan chức ngoại giao cấp cao từ Pakistan về nước, cho tới khi tất cả những mối đe dọa an ninh tại Pakistan được giải quyết.
Ngoài ra, thông báo cũng đề nghị phía Pakistan bắt giữ và truy tố những kẻ liên quan đến vụ bắt cóc và tra tấn cô con gái của Đại sứ Afghanistan Silsila Alikhil. Theo dự kiến, một phái đoàn của Afghanistan sẽ tới Pakistan để đánh giá tình hình trong những ngày tới.
Phản ứng trước quyết định từ Afghanistan, Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết, đây là một quyết định “đáng tiếc”, đồng thời khẳng định các cơ quan chức năng của nước này đang điều tra vụ bắt cóc ở cấp độ cao nhất. Đích thân Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã chỉ định vụ việc là vấn đề được ưu tiên hàng đầu và yêu cầu lực lượng an ninh nước này bắt giữ những kẻ bắt cóc trong vòng 48 giờ. Ngoại trưởng Pakistan cũng đã gặp Đại sứ Afghanistan và khẳng định hợp tác đầy đủ, cũng như bày tỏ hy vọng chính phủ Afghanistan cân nhắc lại quyết định.
Hồi tuần trước, truyền thông địa phương đưa tin, hàng nghìn thành viên Taliban đã bỏ chạy sang Pakistan khi các lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan mở chiến dịch tập kích nhằm khôi phục quyền kiểm soát khu vực biên giới tiếp giáp với Pakistan – mới bị Taliban kiểm soát. Các hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, những tay súng Taliban bị thương đang được chữa trị tại một bệnh viện ở Pakistan.
Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh cũng tố cáo Không quân Pakistan đã cảnh báo các lực lượng nước này rằng “bất kỳ động thái nào nhằm đánh bật Taliban khỏi khu vực biên giới sẽ phải đối mặt với Không quân Pakistan”. Phía Pakistan hối thúc lực lượng chính phủ Afghanistan ngừng tấn công Taliban và phải bắt đầu đối thoại với lực lượng này.
Tuy nhiên, phía Pakistan đã bác bỏ cáo buộc hỗ trợ trên không cho Taliban, nhấn mạnh rằng lực lượng không quân Pakistan chỉ có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền bên trong phần lãnh thổ nước này. Chính phủ Pakistan khẳng định “không ủng hộ bất kỳ phe phái nào” trong cuộc xung đột Afghanistan và muốn chứng kiến một “Afghanistan hòa bình và ổn định”. Quốc gia láng giềng này trước đó còn chuẩn bị các kịch bản để tiếp nhận dòng người tị nạn từ Afghanistan.
Tình hình an ninh tại Afghanistan đang xấu đi nghiêm trọng những tháng gần đây, đặc biệt là tại các tỉnh biên giới, khi Taliban đẩy mạnh các cuộc tấn công chiếm cứ các quận huyện. Mọi quốc gia láng giềng của Afghanistan, từ Pakistan ở phía nam, Iran ở phía tây, Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan ở phía bắc và Trung Quốc ở phía đông đều đã tăng cường an ninh ở các khu vực biên giới với hy vọng ngăn chặn bất ổn tràn sang đất nước của họ.
Trong khi đó, tại Doha, Qatar, đại diện của chính phủ Afghanistan và Taliban đã nối lại hòa đàm trong 2 ngày qua và hôm qua đã ra được tuyên bố chung – cho biết đã ban hành hướng dẫn để xúc tiến các cuộc đàm phán hòa bình và khẳng định sẽ nhóm họp lại. Hai bên cũng cam kết sẽ cung cấp các hỗ trợ nhân đạo trên khắp đất nước.
Phía Taliban cũng đã khẳng định, tiến trình đàm phán là “một cơ hội tốt để đưa các quan điểm xích lại gần nhau hơn”. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, tình hình chiến sự lại đang diễn biến theo chiều hướng ngược lại./.