Thông tin tại họp báo định kỳ của TP.HCM vào chiều 9/3, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho hay, những ngày qua, công an TP đã tiếp nhận nhiều tin báo, tố giác của người dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện điện thoại đến phụ huynh thông báo con họ bị tai nạn đang nhập viện cấp cứu rồi yêu cầu chuyển khoản để tạm ứng thanh toán viện phí.
Theo ông Hà, thông tin học sinh có thể lọt qua nhiều hình thức khác nhau như lổ hổng bảo mật, dữ liệu do các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng. Ví dụ làm thẻ khách hàng tại khu vui chơi, cửa hàng ăn uống, trung tâm ngoại ngữ.
“Ban giám đốc Công an thành phố khi nhận được tin tố giác đã xác minh. Kết quả cụ thể sau quá trình điều tra, công an thành phố sẽ có cung cấp thêm”, ông Hà nói.
Theo Thượng tá Hà, để chủ động trong công tác phòng ngừa, Công an TP đã phối hợp các cơ quan báo chí tuyên truyền, khuyến cáo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo đến với người dân; đồng thời tham mưu Ban chỉ đạo 138/TP ban hành công văn gửi các sở, ban, ngành tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo đến nhân dân.
"Đặc biệt yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh bình tĩnh, thận trọng trong tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến thủ đoạn lừa đảo mới", Thượng tá Hà nói.
Ông Hà thông tin thêm, ngày 8/3, Công an huyện Củ Chi đã tiếp nhận thông tin từ 2 phụ huynh phản ánh nhận được cuộc gọi lừa đảo với thủ đoạn như trên và yêu cầu chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản.
Tuy nhiên, do được tiếp cận thông tin tuyên truyền từ công an địa phương, báo đài nên đã không chuyển tiền cho những kẻ lừa đảo. Hiện Công an huyện Củ Chi đang thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác minh thông tin, truy xét.
Theo Hoàng Thọ - vtc.vn