Theo ông Thượng, hơn một năm trước khi dịch bùng phát, trong bối cảnh cộng đồng chưa được chích vắc xin ngừa COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành quy định 5K nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc và tăng cường các biện pháp bảo vệ đối với từng cá nhân để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Thực tế, quy định 5K khi áp dụng đối với toàn xã hội đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần quan trọng vào việc truy vết ca bệnh bảo vệ sự an toàn cho những người tuân thủ nghiêm các tiêu chí.
Đến nay, mọi hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn TPHCM đã trở lại giai đoạn bình thường. Tất cả các nhà máy xí nghiệp người lao động đã tập trung làm việc, ăn uống, sinh hoạt chung; học sinh các cấp học cơ bản đã được học tập bình thường, người dân đang nỗ lực để tái sản xuất phục hồi kinh tế, bù đắp cho giai đoạn suy thoái do dịch COVID-19 gây ra.
Tuy nhiên, hiện nay quy định 5K chưa được thay đổi đang trở thành rào cản đối với các hoạt động xã hội. Ông Thượng cho biết, hiện địa phương đang chờ Bộ Y tế điều chỉnh quy định 5K.
“Bối cảnh hiện nay đã khác hẳn một năm trước bởi tỷ lệ tiêm vắc xin của người dân trên cả nước đã rất cao, ai cũng có miễn dịch. Chứng minh trên thực tế cho thấy số ca mắc có giai đoạn rất lớn nhưng số ca bệnh nặng, tử vong thì rất thấp”, ông Thượng nói.
Ông cũng cho rằng, việc giữ khoảng cách 2m theo quy định 5K hay không tụ tập đã không còn phù hợp hoặc việc khai báo y tế có thể điều chỉnh thu hẹp, tập trung những trường hợp có yếu tố nguy cơ cao. “Trong 5K đã thực hiện thì sắp tới có thể sẽ được điều chỉnh còn 2K hoặc 3K. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM: “Quy định 5K đã không còn phù hợp kể từ khi TPHCM quyết định mở cửa phát triển kinh tế và học sinh trở lại trường. Theo tôi nên rút ngắn quy định 5K xuống còn 2K gồm khẩu trang và khử khuẩn để phù hợp với tình hình hiện nay”.