Song song với việc đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế cũng không ngừng khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K để hạn chế tối thiểu khả năng lây lan của dịch bệnh. Vì hiệu quả phòng bệnh của vaccine không phải là tuyệt đối.
Dư luận hiện này đang có luồng ý kiến cho rằng nên để những người tiêm đủ 2 liều vaccine được ưu tiên đi lại bình thường và trở lại làm việc. Nhiều ý kiến cũng cho rằng đã đến lúc Việt Nam nếu tính đến và áp dụng "hộ chiếu vaccine". Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế, y tế, doanh nghiệp cũng đề cập câu chuyện tiêm đủ 2 mũi vaccine, cho rằng cần sớm mở lại hoạt động kinh tế một cách có kiểm soát, quy định khoa học trong việc quản lý bệnh tật, để những người đã được tiêm đủ vaccine có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế-xã hội, sản xuất, kinh doanh…
Việc đẩy mạnh độ phủ của vaccine tiến tới đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới đang là mục tiêu mà Việt Nam đặt ra. Tuy nhiên với thực tế hiện này khi vaccine vẫn đang khan hiếm, đi đôi với việc tiêm đủ 2 mũi vaccine, việc tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng chống dịch vẫn là điều kiện tiên quyết để chúng ta nhanh chóng khống chế và đẩy lùi dịch Covid-19.
Trao đổi với phóng viên VOV về vaccine và khuyến cáo người dân phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, nhất là không hiểu nhầm vaccine là tuyệt đối và không chủ quan sau khi tiêm đủ liều vaccine, BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, với các loại vaccine, kể cả tiêm đủ liều vẫn có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các mầm bệnh, cụ thể là tiếp xúc với virus. Không có vaccine nào hiệu quả tuyệt đối 100%.
Theo BS Phúc, trong cuộc đời mỗi người sẽ phải tiêm phòng nhiều loại vaccine, ít nhất trong thời kỳ thơ ấu có 6-12 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, ở tuổi trưởng thành vẫn có những loại vaccine khác. Trong các loại vaccine này, rất hiếm vaccine giúp con người có được miễn dịch theo suốt cuộc đời và khả năng miễn nhiễm tuyệt đối với dịch bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc người dân phải tiêm nhắc lại để đảm bảo khả năng phòng bệnh.
Có thể nhắc đến vaccine Sởi - là một số trong số rất ít vaccine sau khi tiêm đủ liều là có được miễn dịch cả cuộc đời, tuy nhiên, vẫn có khả năng nhiễm lại nhưng tỷ lệ rất thấp.
BS Phúc nhấn mạnh, nhiệm vụ của vaccine là giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho con người. Trong trường hợp bị nhiễm bệnh nhưng đã tiêm vaccine đủ liều và đã sinh kháng thể, người nhiễm bệnh sẽ giảm khả năng chuyển nặng, ngăn chặn ca bệnh nặng tới 90%. Với trường hợp chuyển nặng, sẽ giảm nguy cơ tử vong 90%.
“Đây là 3 ý nghĩa lớn của vaccine mà chúng ta phải hiểu và nắm rõ, để tránh hiểu lầm về việc tiêm đủ liều vaccine là miễn nhiễm với dịch bệnh. Bằng chứng rõ ràng trong đại dịch COVID-19 trên thế giới là các nước đã tổ chức tiêm vaccine đạt được miễn dịch cộng đồng (như Israel, Anh, Mỹ…), nhưng khi biến thể Delta xuất hiện, thì nước Mỹ vẫn có hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày, tại Anh và châu Âu cũng ghi nhận ca lây nhiễm ở người đã tiêm đủ liều vaccine. Nhìn vào thực tế tại các nước đã tiêm vaccine đạt tới độ phủ 70-80% để có miễn dịch cộng đồng, thì số lượng bệnh nhân nặng và tử vong rất thấp. Nhưng chúng ta phải tránh tâm lý chủ quan sau khi tiêm vaccine và hiểu nhầm vaccine là “thần dược” giúp miễn nhiễm hoàn toàn và không bị lây nhiễm nữa. Đây là quan điểm hoàn toàn sai”, BS nói.
Theo BS Phúc, các nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao tới mức 70-80% dân số, với số lượng bệnh nhân nặng và tử vong rất thấp, đã có thể mở cửa được. Trong đó, Đan Mạch tuần trước tuyên bố đã tiêm vaccine cho đa số người dân và đến bây giờ đã có thể mở cửa. Đây cũng là 1 ý nghĩa lớn nữa của vaccine. Tại Việt Nam, theo thống kê mới nhất đến hết ngày 2/9, cả nước đã thực hiện tiêm tổng số 20.831.478 liều vaccine, trong đó, khoảng 2.900.000 người đã được tiêm mũi 2.
BS Phúc cũng cho rằng, mỗi người cần 2 loại vaccine để ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19. Thứ nhất là vaccine để tiêm chủng - đây là vũ khí để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và gây ra đại dịch trong cộng đồng.
Vaccine thứ 2 theo “nghĩa bóng” chính là sự hiểu biết của mỗi người dân. Hiện tại, Bộ Y tế có khuyến cáo “5K+Vaccine” và khi đi vào chi tiết thực hiện thì mỗi người dân phải hiểu rõ để tự phòng bệnh được cho mình, cho người thân và những người xung quanh.
“Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 vẫn cần trang bị thêm loại vaccine thứ 2. Bởi, những người tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm bệnh và có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng dẫn đến chủ quan và vô tình trở thành người mang mầm bệnh lây nhiễm cho người thân, bạn bè và những người xung quanh”, BS Phúc nói thêm.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng nhiều lần cảnh báo về tình trạng lơ là, không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Trong 5K có “Khoảng cách”, nhưng thực tế quan sát tại các chốt kiểm soát dịch hay trong các siêu thị… khoảng cách lại không được đảm bảo. Đây là một ví dụ cho thấy người dân chưa hiểu về 5K. Đây là khẩu hiệu quen thuộc được nhắc tới mỗi ngày, song thực sự 5K có được hiểu đúng và thực hiện đúng? Do vậy, cần cụ thể từng chữ “K” trong những câu chuyện hằng ngày để người dân hiểu và rút ra bài học chống dịch hiệu quả.
Thế giới đang hướng tới mục tiêu bao phủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng, tạo ra môi trường an toàn để mở cửa và có cuộc sống bình thường “mới”. Giới khoa học cho rằng, virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại lâu dài trên toàn thế giới và trở thành bệnh đặc hữu. Theo đó, “bình thường mới” có nghĩa là Chính phủ các nước và các cơ quan chức năng sẽ ban hành những quy tắc mới như đeo khẩu trang khi tới nơi đông người. Đây là những quy định mà tất cả người dân phải tuân thủ để tự bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng./.
“5K+Vaccine” - Lá chắn an toàn, giúp phòng bệnh tối ưu
Trước diễn biến phức tạp của “làn sóng” COVID-19 thứ tư, Bộ Y tế đã phát động Chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 toàn quốc với mục tiêu đề ra là tiêm đủ 2 mũi vaccine cho hơn 70% dân số Việt Nam, tiến tới thiết lập hệ miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Theo dự đoán của các chuyên gia, virus SARS-CoV-2 sẽ còn tiếp tục biến đổi và tạo ra những biến chủng mới nguy hiểm hơn trong tương lai. Do vậy, bất kể tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp hay tạm thời được kiểm soát, người dân vẫn nhất định không được chủ quan mà bỏ qua “5K+vaccine”.