Đoàn công tác của UBND tỉnh đã đi kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Trường Thịnh tại xã Quỳnh Văn; tại mỏ lèn Trụ Hải của Công ty cổ phần xây dựng Văn Sơn; mỏ khai thác của Công ty cổ phần xây lắp Giang Sơn tại xã Ngọc Sơn...

1-1687479866.jpg
Kiểm tra hoạt động khai thác mỏ tại xã Quỳnh Văn của Công ty Cổ phần Trường Thịnh, phía công ty đề nghị cho phép được tận thu khoáng sản khác ngoài đá xây dựng trong phạm vi diện tích được cấp phép khai thác
2-1687479884.jpg
Hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ lèn Trụ Hải của Công ty cổ phần xây dựng Văn Sơn. Phía công ty đề nghị được tận thu khoáng sản khác ngoài đá xây dựng trong phạm vi diện tích được cấp phép khai thác
3-1687479903.jpg
Kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại Công ty cổ phần xây lắp Giang Sơn tại xã Ngọc Sơn, doanh nghiệp đề nghị cho phép được đóng một phần diện tích mỏ được cấp phép do hiện nay nguồn cung nhiều hơn cầu về đất san lấp

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳnh Lưu, hiện nay, trên địa bàn huyện có 08 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, bao gồm 05 mỏ đá xây dựng và 3 mỏ đất san lấp. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Cùng với đó, UBND huyện cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra và chủ động phối hợp với các đoàn kiểm tra của tỉnh, đoàn kiểm tra của từng Sở, ngành tiến hành kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ, ban hành quyết định xử phạt và trình UBND tỉnh xử lý vi phạm với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.

Song, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nhỏ lẻ mà chủ yếu là đất san lấp vẫn còn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn huyện như: Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Châu.Việc chấp hành pháp luật trong khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường trong khai thác thực hiện chưa nghiêm, nhiều đơn vị còn vi phạm và tái phạm nhiều lần. Một số doanh nghiệp chưa thuê hết phần diện tích đã được cấp phép khai thác mỏ, khai thác vượt ra ngoài phạm vi thuê đất...

Qua thực tế kiểm tra, đoàn công tác cũng đã nghe ý kiến của các doanh nghiệp về những bất cập trong khai thác khoáng sản. Trong đó, bất cập nhất là việc một số mỏ được cấp phép khai thác đá xây dựng nhưng trong quá trình khai thác lượng đất lẫn trong đá nhiều, đá kém chất lượng… do đó việc cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

4-1687479925.jpg
Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Lưu
5-1687479945.jpg
Đ/c Hoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu báo cáo

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Lưu đề nghị UBND tỉnh, Sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các đơn vị được cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm của đơn vị nếu có, nhất là việc kiểm tra, kiểm soát việc cung ứng, sử dụng vật liệu nổ, bảo vệ môi trường, an toàn lao động... Mặt khác huyện cũng đề nghị tăng số tiền ký quỹ phục hồi môi trường hàng năm nhằm đảm bảo thực hiện đóng cửa mỏ phục hồi môi trường, đất đai của các doanh nghiệp khi Giấy phép khai thác hết thời hạn. Ngoài ra, tại cuộc làm việc này, UBND huyện Quỳnh Lưu cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp với UBND huyện để xử lý dứt điểm việc đóng cửa mỏ đối với Công ty Cổ phân thương mại và xây dựng Bình An và Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu.

Về phía các doanh nghiệp khai thác khoáng sản: Công ty cổ phần xây dựng Văn Sơn và Công ty Cổ phần Trường Thịnh đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho phép tận thu các loại khoáng sản nằm ngoài giấy phép nhưng lại nằm trong phạm vi cấp mỏ. Riêng Công ty cổ phần Xây lắp Giang Sơn, có mỏ đất san lấp tại xã Ngọc Sơn kiến nghị xin được đóng cửa 1 phần diện tích mỏ được cấp phép...

Đối với đề nghị liên quan đến việc tận thu khoáng sản và đóng cửa mỏ, lãnh đạo Sở TN&MT đề nghị các đơn vị có Văn bản cụ thể gửi UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, xem xét giải quyết.

6-1687479971.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ kết luận

Qua kiểm tra thực tế và ý kiến của các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho rằng đề xuất được tận thu khoáng sản trong phạm vi được cấp phép của các doanh nghiệp là chính đáng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT nghiên cứu các quy định của pháp luật, trình UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời lưu ý quá trình tham mưu cấp Giấy phép khai thác mỏ vật liệu cần nghiên cứu các loại khoáng sản để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận thu, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên.

Đối với kiến nghị xử lý đóng cửa mỏ của một số doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với địa phương kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật.

«Huyện Quỳnh Lưu xem xét lại quy hoạch mỏ khoáng sản, tránh trường hợp đưa các mỏ vào quy hoạch ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội sau này. Trong cấp phép khai thác cần phải tính toán để không cấp phép tràn lan, phải cân đối nhu cầu để tránh thất thoát cũng như lãng phí tài nguyên. Đồng thời, tránh trường hợp các doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép nhưng không tiến hành khai thác, thậm chí có trường hợp mỏ đã được cấp phép không khai thác nhưng lại tiếp tục xin cấp phép khai thác mỏ mới» - Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành cần tăng cường phối hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu trong việc giám sát khai thác khoáng sản. Việc khai thác khoáng sản phải đảm bảo tuân thủ theo phương án đã được phê duyệt. Tuyệt đối không được để vi phạm trong việc khai thác quá cốt cho phép, tạo ra những hố sâu, gây nguy hiểm cho người dân.

Theo Phan Quỳnh - nghean.gov.vn