Ngày 13/4, UBND huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thành Trung. Công ty này do ông Nguyễn Văn Trung làm giám đốc, có trụ sở chính ở xóm Cầu Đá, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, với lĩnh vực hoạt động là khai thác và chế biến khoáng sản.
Cũng theo quyết định này, TNHH Thành Trung bị xử phạt do lấn chiếm đất trong quá trình khai thác khoáng sản. Theo đó, trong suốt 3 năm qua công ty này đã đổ đất, đá thải, làm bãi tập kết đá trên khu vực chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định trên diện tích 1,97 ha tại khu vực giáp ranh với mỏ của công ty tại bản Kèn, xã Châu Lộc.
Với hành vi này, Công ty TNHH Thành Trung bị xử phạt 100 triệu đồng và buộc phải thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với diện tích 1,97 ha, trong thời hạn 180 ngày. Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính với số tiền hơn 47 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực đất đai công ty còn có hành vi lấn chiếm gần 1 ha đất rừng sản xuất. Theo kết quả của cơ quan chức năng, công ty này đã đổ đất, đá thải, làm bãi tập kết sản phẩm, xây dựng lán trại tạm cho công nhân trên khu vực chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định. Với hành vi này, Công ty TNHH Thành Trung cũng bị xử phạt 100 triệu đồng và 22 triệu đồng khoản lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Như vậy, tổng số tiền Công ty TNHH Thành Trung bị phạt là gần 270 triệu đồng.
Đối với Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Quang Sơn (Quỳ Hợp), cũng bị UBND huyện Quỳ Hợp xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 220 triệu đồng vì những vi phạm tương tự. Công ty này do ông Trần Quý Minh Thắng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, có trụ sở tại Khu Công nghiệp thị trấn Quỳ Hợp.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Quang Sơn đã có hành vi lấn chiếm 1,5835 ha đất chưa sử dụng. Cụ thể, công ty đã đổ đất, đá thải, đào ao chứa nước phục vụ sản xuất, dựng lán tạm cho công nhân ở trên khu vực hơn 1,5 ha đất chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Thung Sa Nhân, xã Châu Lộc.
Ngoài ra, công ty này còn có hành vi lấn chiếm 0,62 ha đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn. Cụ thể, công ty đã đổ đất, đá thải trên diện tích là 0,62 ha tại Thung Sa Nhân, mà chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định. Ngoài bị phạt tiền, công ty này bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các diện tích đã lấn chiếm.
Được biết, những vi phạm này không phải là hiếm tại các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Đơn cử, chỉ trong năm 2022, địa phương này đã xử phạt hơn 20 trường hợp trong lĩnh vực hoạt động khai thác khoáng sản với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Trong đó, ngoài các vi phạm về bảo vệ môi trường thì việc lấn chiếm đất tại các mỏ cũng xảy ra phổ biến.
Trước đó, Công ty TNHH Phú Thắng bị xử phạt gần 55 triệu đồng vì lấn chiếm đất đồi núi chưa sử dụng tại xã Châu Hồng; Công ty CP Khoáng sản Nghệ An bị phạt 158 triệu đồng vì lấn chiếm đất đồi núi chưa sử dụng tại xã Châu Tiến; Công ty TNHH Hà Quang bị phạt 140 triệu đồng vi phạm khai thác khoáng sản vượt ra ngoài giới hạn phạm vi được cấp phép; Công ty CP Khoáng sản Thành Châu Nghệ An bị phạt hơn 150 triệu đồng vì 4 vi phạm, trong đó có hành vi chiếm đất rừng sản xuất.
Ngoài ra, còn có Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc bị phạt gần 153 triệu đồng do có 3 vi phạm, trong đó có hành vi chiếm đất đồi núi chưa sử dụng; Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh bị phạt gần 32 triệu đồng vì chiếm đất đồi núi chưa sử dụng; Công ty CP An Sơn bị phạt gần 445 triệu đồng vì hành vi chiếm đất, khai thác ngoài ranh giới, không lắp đặt trạm cân; lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ; Công ty CP Khoáng sản RICOH-MDC 4 bị phạt 56 triệu đồng vì hành vi khai thác ra ngoài phạm vi ranh giới mỏ được cấp phép.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) có 80 mỏ được cấp phép còn hạn, trong đó, 14 mỏ được cấp giấy phép khai thác quặng thiếc, 34 mỏ được cấp giấy phép khai thác đá hoa trắng, 30 mỏ được cấp giấy phép khai thác đá xây dựng, 1 giấy phép khai thác nước khoáng, 1 mỏ cát sỏi.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 5 mỏ đang thực hiện thăm dò khoáng sản, 78 mỏ hết hạn, trong đó, 50 giấy phép đã có quyết định đóng của mỏ của UBND tỉnh. 50 điểm, vị trí khai thác khoáng sản trái phép đã bị xử lý từ trước đến nay….
Theo Trần Hoàng - congthuong.vn