Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh gửi Công an Hà Tĩnh đề nghị điều tra, quá trình thực hiện đấu thầu cung cấp thiết bị giáo dục giai đoạn 2017-2019, các doanh nghiệp trúng thầu mắc nhiều vi phạm, dùng chiêu trò mua đi bán lại để đẩy cao giá thiết bị mua vào. Bản kết luận của Thanh tra tỉnh này cũng lật tẩy chiêu trò "thổi giá" của các doanh nghiệp trúng thầu.
Cụ thể, năm 2017-2019, thực hiện đề án hỗ trợ cơ sở vật chất thông qua việc đầu tư xây dựng trường lớp, đồ dùng sinh hoạt bán trú và mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh thực hiện 17 gói thầu mua sắm thiết bị dạy và học với tổng kinh phí hơn 250 tỷ đồng bằng tiền ngân sách.
Trong đó, hơn 21.000 thiết bị được mua gồm âm ly đa năng, máy tính để bàn, máy photocoppy, loa vi tính, đài cassette, máy chiếu và phụ kiện, đồ chơi ngoài trời (nhà năm cầu trượt hai khối, nhà bóng, cầu thang di động)... 15 gói thầu mua sắm tập trung trị giá hơn 240 tỷ đồng, hai gói còn lại do Sở tự mua.
Việc này được thể hiện tại gói thầu tháng 4/2018, khi liên danh Công ty Cổ phần Thương mại Hồng Hà và Công ty Cổ phần Đầu tư P&T trúng thầu mua 634 máy chiếu đa năng kèm thiết bị tương tác.
Lô hàng thứ nhất gồm 464 máy chiếu đa năng NEC NP-MC371 XG kèm thiết bị tương tác và phần mềm hỗ trợ giảng dạy NOVI Elearning, do Công ty CP Đầu tư P&T (liên danh trúng thầu) nhập khẩu là 9.174.000 đồng/máy. Sau đó, Công ty CP Đầu tư P&T bán lại cho đơn vị trung gian là Công ty CP DV & TM Lê Hoàng với giá 17.300.000 đồng/máy.
Tiếp đó, Công ty CP DV & TM Lê Hoàng bán lại cho Công ty Cổ phần Thương mại Hồng Hà là 20.760.000 đồng/máy. Cuối cùng, liên danh Công ty Cổ phần Thương mại Hồng Hà và Công ty CP Đầu tư P&T bán cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh là 35.000.000 đồng/máy. Với số lượng mua vào 464 bộ thì mức chênh lệch giá của mặt hàng này là hơn 8 tỷ đồng.
Còn lô thứ 2 gồm 170 bộ máy chiếu đa năng kèm thiết bị tương tác NEC NP-MC371 XG được Công ty CP Đầu tư P&T nhập vào 8.800.000 đồng/máy. Sau đó, đơn vị này lại bán lại cho các công ty trung gian. Cuối cùng, Công ty Cổ phần Thương mại Hồng Hà và Công ty CP Đầu tư P&T bán lại cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh với giá 30.500.000 đồng/máy. Theo đó, mức chênh lệch giá của lô thiết bị này là hơn 2,4 tỷ đồng.
Một số gói thầu khác cũng vi phạm tương tự. Tháng 11/2018, Công ty Cổ phần Công nghệ thông tin Lam Hồng thực hiện 6 gói thầu với tổng giá trị hợp đồng hơn 99 tỷ đồng. Trong số này có lô hàng do Sở Giáo dục và Đào tạo đăng ký mua 83 máy chiếu đa năng tích hợp bảng tương tác HPEC HC-388XI và 83 máy tính xách tay. Công ty Lam Hồng được cho là đã tráo đổi phụ lục để lập hồ sơ mua 112 máy chiếu đa năng tích hợp bảng tương tác HPEC HC-388EXI; Còn gói mua sắm 132 máy chiếu đa năng thì lại thiếu phần mềm smart E-learning.
Giá mua sắm trong gói này cũng cao bất thường so với giá nhập khẩu. Một máy chiếu đa năng giá 7 - 8 triệu đồng nhưng giá hợp đồng nâng lên 30-35 triệu đồng. Quá trình bị thanh tra việc mua sắm máy chiếu đa năng do thiếu phần mềm, Công ty Lam Hồng đã khắc phục và tạm nộp lại hơn 171 triệu đồng cho Nhà nước.
Theo Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, so sánh giá nhập khẩu và giá bán lại cho cơ quan giáo dục, số tiền chênh lệch tại các gói thầu vi phạm lên đến hơn 60 tỷ đồng. Bên cạnh "thổi giá", một số nhà thầu còn mua thiết bị không đảm bảo khiến thất thoát ngân sách.
Chẳng hạn, Công ty Thiết bị giáo dục và đồ chơi Phương Anh trúng 3 gói thầu cung cấp thiết bị đồ chơi ngoài trời vào tháng 4/2017 với tổng giá trị gần 66 tỷ đồng. Công ty Phương Anh đã lắp 350 bộ cầu thang không đúng thiết kế, toàn bộ nhà bóng cầu trượt làm không đảm bảo quy cách, nhiều thiết bị đã xuống cấp, hư hỏng. Ngoài ra, việc thi công phải chịu thuế vãng lai song doanh nghiệp không kê khai theo quy định, Thanh tra tỉnh đã thu hồi nộp lại cho nhà nước gần 1,2 tỷ đồng.
Vào cuộc điều tra theo đề nghị của Thanh tra tỉnh liên quan đến những sai phạm trong công tác mua sắm thiết bị giáo dục xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, hồi tháng 9/2022, Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam Nguyễn Thị Thanh Tâm (Giám đốc kinh doanh Công ty Hồng Hà), Phạm Viết Anh Vũ (Giám đốc chi nhánh Hà Tĩnh Công ty Hồng Hà), Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Công ty Phương Anh), Nguyễn Hồng Hải (Phó giám đốc Công ty Phương Anh), Nguyễn Xuân Thiện (Công ty P&T), Dinh Quốc Tấn (Tổ trưởng Tổ đấu thầu), Lê Viết Cường (Giám đốc Trung tâm Tài chính công Hà Tĩnh), cùng về tội danh trên.
7 bị can trên bị khởi tố do sai phạm tại một trong số 15 gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh từ năm 2017-2019. Xác định những doanh nghiệp, cá nhân liên quan có vi phạm ở 14 gói còn lại, Bộ Công an đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Trao đổi với báo chí, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho Thanh tra tỉnh tham mưu để chuyển hồ sơ các gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ tài liệu, vi phạm quy định về đấu thầu, vi phạm quy định về thẩm định giá sang Công an tỉnh Hà Tĩnh để xác minh, điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan vụ án, đầu tháng 2/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức họp, xem xét kiểm điểm bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc; ông Trần Trung Dũng, nguyên Giám đốc; Ông Nguyễn Xuân Trường và bà Nguyễn Thị Hải Lý, nguyên Phó Giám đốc.
Theo Minh Quang - tuoitrethudo.com.vn