Diamond Capital bắt đầu tham gia từ năm 2016, khi dự án được chấp thuận chủ trương. Tuy nhiên bóng dáng của nhà đầu tư này đã xuất hiện từ trước đó một năm, khi doanh nghiệp dự án được các cá nhân có liên hệ tới Diamond Capital góp vốn thành lập.
Dự án "treo" giữa lòng TP.Hà Tĩnh
Dự án Khu phức hợp thể thao, nhà ở Sông Đông (phường Thạch Linh – TP. Hà Tĩnh) được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh ký quyết định số 1876 ngày 8/7/2016 chấp thuận chủ trương cho CTCP Dịch vụ và Thương mại Phương Phương làm chủ đầu tư.
Dự án có quy mô sử dụng đất 6,17ha, tổng mức đầu tư dự kiến 236 tỷ đông, với mục tiêu xây dựng khu đô thị có kiến trúc cảnh quan đẹp, chất lượng cao với hạ tầng đồng bộ, gắn liền với khu thể dục thể thao, dịch vụ; giải quyết việc làm và nâng cao cao thu nhập cho người lao động; Tạo ra nguồn lợi nhuận cho doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách cho Nhà nước; Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát huy hiệu quả sử dụng đất và từng bước chỉnh trang đô thị TP.Hà Tĩnh.
Công ty Phương Phương được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các chính sách ưu đãi khác.
Tại Quyết định 1876, UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định sẽ xem xét chấm dứt hiệu lực chủ trương đầu tư mà không bồi thường trong trường hợp sau 6 tháng mà nhà đầu tư không hoàn thành hồ sơ, thủ tục để triển khai xây dựng dự án.
Dù Phương Phương triển khai dự án rất chậm chạp, đứng trước nguy cơ bị thu hồi dự án căn cứ quy định trên, song UBND tỉnh Hà Tĩnh tháng 3/2018 lại tiếp tục có Quyết định số 1119, cũng do ông Đặng Quốc Khánh ký, về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo đó nâng tổng vốn đầu tư lên 320 tỷ đồng và gia hạn thời gian hoàn thành đến tháng 4/2021, trong đó yêu cầu triển khai xây dựng dự án trong thời hạn 12 tháng kể từ khi có quyết định này.
Có nghĩa rằng tới tháng 4/2019, Phương Phương phải tiến hành xây dựng dự án, tuy nhiên theo tìm hiểu, phải tới trung tuần tháng 3/2019, dự án mới được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Quy hoạch 1/500, tháng 8/2019 mới được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, và ở thời điểm hiện tại, giữa tháng 6/2020, dự án vẫn là bãi đất hoang trong lòng TP. Hà Tĩnh.
Dự án sau gần 4 năm cấp phép vẫn chỉ là bãi đất trống. Ảnh: Văn Tuân
Phương Phương là ai?
CTCP Dịch vụ và Thương mại Phương Phương được thành lập tháng 4/2015, từ đó đến nay đặt trụ sở tại số 48 đường La Sơn Phu Tử, P Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh, cũng là địa chỉ của một trong hai cổ đông lớn nhất, bà Nguyễn Thị Hải Yến (40%). Nữ doanh nhân sinh năm 1991 sở hữu 3,2 tỷ đồng vốn ban đầu, tương đương 40%, đồng thời là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Hai cổ đông còn lại là ông Trần Mạnh Tú (SN 1984, 40%) và ông Nguyễn Tuấn Anh (SN 1985, 20%).
Ngày 6/6/2016, vốn điều lệ của Phương Phương được tăng mạnh lên 20 tỷ đồng, vừa vặn mức pháp định của ngành nghề kinh doanh bất động sản. Và như đã biết, một tháng sau, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận làm chủ đầu tư dự án Sông Đông.
Việc UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ định dự án lớn cho một doanh nghiệp còn non trẻ, với các cổ đông không mấy tên tuổi khiến dư luận địa phương này không khỏi băn khoăn.
Theo tìm hiểu của, chỉ ít tháng sau khi được chấp thuận làm nhà đầu tư dự án, bà Nguyễn Thị Hải Yến đã thoái hết vốn khỏi Phương Phương, hai cổ đông Nguyễn Anh Tuấn và Trần Mạnh Tú giảm về lần lượt còn 5% và 2%. Danh tính cổ đông mới không được công bố, biết rằng người đại diện theo pháp luật mới kiêm Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Mạnh Thắng, sinh năm 1985. Đến tháng 7/2019, người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc lại quay về ông Nguyễn Anh Tuấn, cổ đông sáng lập ban đầu.
Dữ liệu thể hiện ở giữa độ tuổi tam tuần, hai doanh nhân Nguyễn Mạnh Thắng và Nguyễn Anh Tuấn đang vận hành một hệ thống doanh nghiệp chằng chịt và có nhiều liên hệ với cổ đông sáng lập của Phương Phương là ông Trần Mạnh Tú và bà Nguyễn Thị Hải Yến.
Chẳng hạn, ông Nguyễn Mạnh Thắng là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Phúc Sơn Hà Tĩnh - doanh nghiệp có các cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Hải Yến, ông Trần Mạnh Tú và ông Võ Tá Hùng. Ngoài ra, ông Thắng còn sở hữu 90% cổ phần trong CTCP Đầu tư Haibadi (Hà Nội), nơi ông Trần Mạnh Tú có 5%.
Về phần mình, ông Nguyễn Anh Tuấn tháng 5/2019 cùng CTCP MBLand Invest và ba cá nhân khác thành lập CTCP Đầu tư Bất động sản Bích Sơn có vốn 60 tỷ đồng tại Hiệp Hoà, Bắc Giang. Nhóm MBLand, như đã đề cập cách đây không lâu, là chủ sở hữu mới của dự án Thiên Lộc Complex tại huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Tuấn còn đứng tên tại loạt doanh nghiệp khác như CTCP Phở Xưa Nam Định, CTCP Dahachi, CTCP Xuất nhập khẩu Năng lượng Quốc tế ATH, CTCP Tập đoàn Đa Biên, và đáng chú ý là CTCP Tư vấn Đầu tư và Thương mại Bình An.
Hình bóng Diamond Capital
Thương mại Bình An được thành lập năm 2015, có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, song lại tham gia vào một số thương vụ đầu tư tài chính khá lớn, như mua 73 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Colombo hay 157 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley - trong đợt phát hành đã từng được đề cập.
Định hướng đầu tư tài chính của Bình An sẽ không còn khó hiểu, khi biết rằng đơn vị này là thành viên của CTCP Đầu tư và Tư vấn Kim Cương (Diamond Capital) - một doanh nghiệp hoạt động trong mảng tư vấn, quản lý đầu tư. Diamond Capital được thành lập cũng trong năm 2015, có vốn 120 tỷ đồng, với ba cổ đông chính, mỗi người nắm 30% là ông Nguyễn Trường Sơn, ông Phạm Ngọc Quốc Cường và bà Lưu Thị Dung. Trong đó, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Nguyễn Trường Sơn trước đây từng là Giám đốc khối Ngân hàng đầu tư của Công ty Chứng khoán Quân đội (MBS), còn phó Tổng giám đốc Phạm Ngọc Quốc Cường là CEO của Tập đoàn Bất động sản Liên Á.
Đáng chú ý, Diamond Capital giới thiệu là cổ đông lớn của dự án Sông Đông từ năm 2016. Một bản tin của Diamond Capital cho biết ông Phạm Ngọc Quốc Cường với vai trò Phó Giám đốc đã thực tế dự án vào tháng 7/2016, trùng thời gian Hà Tĩnh chấp thuận cho Phương Phương làm chủ đầu tư. Như đã biết, các cổ đông sáng lập vào cuối tháng 11/2016 rút gần như toàn bộ cổ phần, không loại trừ cũng là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện chính thức của Diamond Capital tại dự án này.
Việc dự án nhiều năm đình trệ, còn chưa giải phóng mặt bằng đặt ra băn khoăn về ông chủ dự án - Diamond Capital. Liệu doanh nghiệp này có thực sự muốn triển khai dự án, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hay còn phương án nào khác, chẳng hạn tìm đối tác chuyển nhượng? Nếu câu trả lời là vế sau, có chăng đã đến thời điểm UBND tỉnh Hà Tĩnh rà soát, xem xét thu hồi dự án nếu quá hạn cam kết để nhường lại cơ hội cho những nhà đầu tư có năng lực và nghiêm túc hơn.