"Phần Lan là quốc gia bị phơi bày, và chúng tôi là quốc gia cần được bảo vệ”, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn chung với cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb. “Chúng tôi chia sẻ ý tưởng rằng sự hợp tác chặt chẽ sẽ mang lại lợi ích cho cả hai chúng ta”, đương kim Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson phát biểu tại một cuộc họp báo vào tháng trước cùng với người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin.
Lý do chính gia nhập NATO
Lý do hầu hết các nước gia nhập NATO là vì Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quy định rằng tất cả các bên ký kết coi một cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công chống lại tất cả. Điều 5 đã là nền tảng của liên minh kể từ khi NATO được thành lập vào năm 1949 với tư cách là một đối trọng với Liên Xô. Điểm đặc biệt của Hiệp ước và Điều 5 là ngăn chặn Liên Xô tấn công các nền dân chủ tự do vốn thiếu sức mạnh quân sự. Điều 5 đảm bảo rằng các nguồn lực của cả liên minh - bao gồm cả quân đội khổng lồ của Mỹ - có thể được sử dụng để bảo vệ bất kỳ quốc gia thành viên nào, bao gồm các quốc gia nhỏ hơn không thể tự vệ nếu không có đồng minh của họ. Ví dụ, Iceland không có quân đội thường trực.
Ông Bildt nói rằng, ông không thấy các căn cứ quân sự lớn mới được xây dựng ở Phần Lan hay Thụy Điển nếu hai nước này gia nhập NATO. Ông cho rằng, việc tham gia liên minh có thể đồng nghĩa với việc lập kế hoạch và huấn luyện quân sự chung giữa Phần Lan, Thụy Điển và 30 thành viên hiện tại của NATO. Các lực lượng của Thụy Điển và Phần Lan cũng có thể tham gia vào các hoạt động khác của NATO trên toàn cầu, như ở các nước Baltic, nơi một số căn cứ có quân đội đa quốc gia.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Phần Lan cho biết họ hy vọng sẽ đăng ký làm thành viên NATO và hoàn thành các bước cần thiết ở cấp quốc gia “trong vài ngày tới”. Điều đó sẽ bao gồm một cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội Phần Lan về quyết định có tham gia NATO hay không. Thụy Điển dự kiến sẽ làm theo, có khả năng sớm nhất là vào ngày 16/5, theo ông Bildt. Cả Phần Lan và Thụy Điển đều đã đáp ứng nhiều tiêu chuẩn để trở thành thành viên NATO.
Nguyên nhân Nga ghét NATO
Tổng thống Nga Vladimir Putin coi NATO như một bức tường thành nhằm vào Nga, dù liên minh đã dành phần lớn thời kỳ hậu Xô Viết để tập trung vào các vấn đề như chống khủng bố, gìn giữ hòa bình… Trước khi Tổng thống Putin ra lệnh thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ông đã nói rõ rằng, NATO đã tiến quá gần với Nga và nên rút lui về biên giới của những năm 1990, trước khi một số quốc gia láng giềng của Nga hoặc là các quốc gia thuộc Liên Xô cũ gia nhập liên minh quân sự.
Mong muốn gia nhập NATO của Ukraine và tư cách đối tác NATO của nước này (được coi là một bước trên con đường trở thành thành viên đầy đủ của liên minh) là một trong những điều khiến ông Putin bất bình. Điều trớ trêu là cuộc chiến ở Ukraine đã mang lại cho NATO một mục đích mới. “Điều 5 đã quay trở lại cuộc chơi và mọi người hiểu rằng chúng tôi cần NATO vì mối đe dọa tiềm tàng từ Nga”, ông Stubb nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN trước khi xung đột vũ trang Nga-Ukraine bùng phát.
Cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi mọi thứ
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là giọt nước tràn ly, thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan đi về phía NATO. Ukraine có 44 triệu dân và lực lượng vũ trang 200.000 quân. Phần Lan và Thụy Điển đều có quy mô nhỏ hơn. Hồi tháng 4, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói: “Mọi thứ đã thay đổi khi Nga tấn công Ukraine. Tư duy của người dân ở Phần Lan, cũng như ở Thụy Điển đã thay đổi và thay đổi rất đáng kể”. Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2, sự ủng hộ của công chúng đối với việc gia nhập NATO ở Phần Lan đã tăng vọt từ khoảng 30% lên gần 80% trong một số cuộc thăm dò. Đa số người Thụy Điển cũng tán thành việc đất nước của họ tham gia liên minh, theo các cuộc thăm dò dư luận ở nước này.
Trước khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ, Nga đã cố gắng yêu cầu NATO đảm bảo an ninh rằng liên minh này ngừng mở rộng về phía đông. Tuy nhiên, NATO đã không nhượng bộ vì lo ngại Nga can thiệp chính sách đối ngoại của các nước láng giềng bằng cách làm mất đi khả năng lựa chọn đồng minh và đối tác của họ.
Phản ứng của Nga
Bộ Ngoại giao Nga mới đây tuyên bố, Phần Lan đã áp dụng một “sự thay đổi căn bản” trong chính sách đối ngoại, buộc Nga sẽ phải thực hiện “các bước trả đũa, cả về quân sự-kỹ thuật và các lĩnh vực khác”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng “sự mở rộng của NATO không làm cho thế giới ổn định và an ninh hơn”. Ông nói thêm rằng, phản ứng của Nga sẽ phụ thuộc vào “cơ sở hạ tầng quân sự sẽ di chuyển bao xa và gần biên giới Nga”.
Theo NATO, Nga hiện chung khoảng 1.215 km đường biên giới trên bộ với 5 thành viên NATO. Việc Phần Lan gia nhập có nghĩa là một quốc gia mà Nga có chung đường biên giới dài hơn 1.335 km sẽ chính thức liên kết quân sự với Mỹ. Đây là tin xấu đối với Điện Kremlin và việc bổ sung Phần Lan và Thụy Điển sẽ có lợi cho NATO. Cả hai đều là những cường quốc quân sự nghiêm túc, mặc dù dân số của họ nhỏ.
Tuy nhiên, cả hai ông Bildt và Stubb đều cho rằng, đến nay, phản ứng của Nga tương đối im lặng. Ông Stubb nói: “Điện Kremlin coi tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển là một giải pháp của Bắc Âu, và theo nghĩa đó, không phải là một mối đe dọa triệt để. Chúng tôi không quá lo lắng”./.