"Đừng bao giờ nghĩ đến việc tiến vào lãnh thổ NATO dù chỉ là một tấc đất", Tổng thống Joe Biden cảnh báo Nga trong bài phát biểu ở Ba Lan hôm 26/3.
Ông Biden cho biết Mỹ cam kết thực hiện các nghĩa vụ phòng vệ tập thể được quy định trong hiệp ước của NATO "với toàn bộ sức mạnh tập thể của chúng ta".
Theo hiệp ước của NATO, liên minh này sẽ "kích hoạt" Điều 5, tức hành động quân sự tập thể khi một hay nhiều thành viên của NATO bị tấn công quân sự.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden lưu ý rằng cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine, một nước không phải thành viên của NATO, không yêu cầu sự can dự trực tiếp của Mỹ.
"Lực lượng Mỹ không hiện diện ở châu Âu để tham gia cuộc xung đột với lực lượng Nga, lực lượng Mỹ ở đây để bảo vệ các đồng minh NATO", ông Biden nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu tại Ba Lan, Tổng thống Biden cũng trấn an người dân Ukraine khi Kiev đang đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
"Thông điệp của tôi tới người dân Ukraine cũng là thông điệp mà tôi đã gửi tới Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine hôm nay: Chúng tôi sát cánh cùng các bạn", ông Biden nói.
Tổng thống Biden hôm 27/3 đã gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tại thủ đô Warsaw của Ba Lan. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Biden và giới chức Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Tổng thống Biden tuần này có chuyến công du châu Âu để tham dự các cuộc họp của NATO và G7. Chủ nhân Nhà Trắng đã kêu gọi các đồng minh và đối tác tiếp tục gây sức ép với Nga. Ông cũng ủng hộ ý tưởng loại Nga khỏi G20.
Theo ông Biden, người dân Nga không phải là "kẻ thù" của Mỹ, nhưng các hành động của Nga ở Ukraine "không phải là hành động của một nước lớn".
Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/3 cho biết, giai đoạn đầu tiên của chiến dịch đã gần như hoàn tất và sắp tới sẽ tập trung vào việc "giải phóng hoàn toàn" khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine. Theo Reuters, tuyên bố này chỉ ra rằng Nga có thể đang chuyển sang các mục tiêu hạn chế hơn sau hơn một tháng tiến hành chiến dịch ở Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần này kêu gọi NATO hỗ trợ quân sự "không giới hạn" để bảo vệ người dân và các thành phố trước chiến dịch quân sự của Nga. Ông Zelensky nói rằng, Ukraine cần máy bay chiến đấu, xe tăng, vũ khí chống hạm và hệ thống phòng không cải tiến để đẩy lùi cuộc tiến công của Nga.
Mỹ và các nước phương Tây vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga nổ ra, nhưng từ chối cung cấp máy bay chiến đấu, lập vùng cấm bay hay đưa binh sĩ tới Ukraine, bất chấp Kiev nhiều lần đề nghị. Cả Mỹ và NATO đều muốn tránh nguy cơ xung đột trực diện với Nga.
Theo một số quan chức phương Tây, ít có khả năng một quốc gia NATO nào sẵn sàng cung cấp xe tăng cho Ukraine do lo ngại Nga đáp trả. Tương tự, trước đó, Washington đã bác bỏ đề xuất của Ba Lan về việc chuyển 28 máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine thông qua Mỹ./.