Theo kế hoạch dự kiến, ngày 20/6 tới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã bị Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP. Hà Nội tuyên phạt mức án 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Sau phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã viết đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.
Đơn viết tay dài hơn 100 trang của bị cáo Nguyễn Đức Chung để giải trình về các vấn đề kháng cáo đã gửi đến TAND Cấp cao tại Hà Nội. Trong bản giải trình, bị cáo Chung cho rằng cấp sơ thẩm đã ra quyết định tuyên án oan đối với ông.
Bên cạnh đó, đơn kháng cáo và giải trình của bị cáo Nguyễn Đức Chung nêu nhiều nội dung, song về cơ bản, bị cáo cho rằng việc quyết định mua chế phẩm Redoxy-3C mang lại nhiều lợi ích cho TP. Hà Nội nhưng chưa được cơ quan tố tụng xem xét kỹ lưỡng và phủ nhận việc ông chỉ đạo cấp dưới phải mua chế phẩm thông qua công ty gia đình.
Bị cáo cho rằng, Hà Nội chưa bao giờ cấp ngân sách để xử lý đồng loạt các sông hồ. Cụ thể, năm 2009 và 2013, Hà Nội đã chọn 9 loại chế phẩm để dùng ở các công đoạn khác nhau trong cùng một quy trình xử lý ô nhiễm nước hồ.
Theo giải trình, từ năm 2016, bị cáo Chung đã cho xử lý ô nhiễm các hồ và duy trì chất lượng nước chỉ bằng chế phẩm duy nhất là Redoxy- 3C. Trước kia phải mất 20 ngày để làm sạch nước, nhưng nay chỉ mất 24 giờ. Điều này, theo bị cáo đã không được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận.
Bị cáo Chung cho rằng, Công ty Thoát nước Hà Nội không thể tự đàm phán mua chế phẩm từ công ty của Đức, mà phải làm thủ tục lựa chọn nhà thầu trong nước bán Redoxy-3C cho UBND Hà Nội để xử lý nước hồ ô nhiễm.
Bên cạnh đó, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng việc các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án dùng lời khai, dùng lời nói chỉ đạo không bằng văn bản để kết tội cho ông hoàn toàn trái với các quy định của “Luật tổ chức chính quyền địa phương”, “Luật công chức, viên chức” và quy chế làm việc của UBND.
“Nguyên tắc bất di bất dịch là chỉ sau khi có ý kiến chỉ đạo trực tiếp, phải có văn bản chỉ đạo hoặc thông báo ý kiến chỉ đạo của tôi thì Công ty Thoát nước Hà Nội và các đơn vị, cá nhân có nhiệm vụ liên quan đến việc mua Redoxy-3C mới có căn cứ để thực hiện. Có nói thế nào thì nói nhưng chưa có văn bản chỉ đạo của chủ tịch UBND thành phố thì các cá nhân, đơn vị được giao không có căn cứ để thực hiện”, ông Chung viết trong bản giải trình.
Ngoài ra, trong đơn kháng cáo và giải trình ông Chung cho rằng quá trình mua chế phẩm trên không gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Theo ông Chung, 4 quyết định đặt hàng của Công ty Thoát nước Hà Nội về việc cung ứng dịch vụ xử lý ô nhiễm nước hồ, duy trì chất lượng nước cho UBND Hà Nội được ký có tổng số tiền hơn 308 tỷ đồng, với 9 huyện là hơn 3 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng số tiền mua Redoxy-3C là hơn 167 tỷ đồng. “Lấy số tiền dự toán trừ đi số tiền đã mua chế phẩm thì Công ty Thoát nước còn lại khoản lợi nhuận hơn 144 tỷ đồng”, ông Chung trình bày.
Cựu Chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định toàn bộ số tiền lợi nhuận này vào Công ty Thoát nước Hà Nội vẫn là công ty 100% vốn sở hữu của thành phố nên không có chuyện thất thoát tài sản.
Đối với cáo buộc của cơ quan tố tụng trong việc để “công ty gia đình” mua chế phẩm, ông Chung giải thích, gia đình ông mở công ty trách nhiệm hữu hạn từ năm 1996 với hàng chục nghìn mặt hàng, hơn 100 nhân viên.
Con trai ông cũng hơn 18 tuổi, là công dân sống độc lập với 2 vợ chồng nên hoàn toàn có quyền kinh doanh theo quy định pháp luật. Do đó, việc các cơ quan tố tụng chỉ nhìn vào vốn điều lệ đăng ký thành lập doanh nghiệp để quy kết ông cho là không đúng./.