Ngày 13-12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức tọa đàm khoa học tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết số 26 năm 2013 của Bộ Chính trị và chuẩn bị ban hành nghị quyết mới về định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Cần tư duy đột phá, tránh hai cái sai lớn
"Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo, bằng chứng là thu chưa đủ chi", ông Lê Doãn Hợp đánh giá. Nguyên bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị tỉnh nhà phải đặt ra kế hoạch tham vọng để năm 2030 thu ngân sách đủ chi, đến năm 2040 phải tạo nguồn kết dư đầu tư phát triển.
"Tỉnh cần ban hành nghị quyết với chủ đề "Giải phóng tư tưởng, quyết chí làm giàu, sớm đưa Nghệ An ra khỏi tỉnh nghèo", ông Hợp đề nghị.
Theo ông Hợp gợi ý ba điều kiện phát triển của tỉnh Nghệ An là cần tiếp tục đoàn kết hơn; khai thác hiệu quả nguồn lực cả ở địa phương, trung ương, quốc tế; đặc biệt cần phải khai thác chất xám, nguồn lực của người Nghệ An trong và ngoài nước hiệu quả hơn.
"Tôi tính người gốc Nghệ An hiện nay ở ngoài tỉnh có đến 2,5 triệu người, rất nhiều nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, kỹ sư tay nghề cao, cần kêu gọi họ đầu tư phát triển quê hương. Một vùng đất hiếu học thế này mà không có một trung tâm công nghiệp về công nghệ thông tin nào thì thật tiếc", ông bày tỏ.
Cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, mời gọi nhà đầu tư đến với Nghệ An, ông Hợp cũng đề nghị Nghệ An mạnh dạn xin phép trung ương cho thí điểm cạnh tranh lựa chọn các vị trí lãnh đạo.
"Chúng ta có thể đề nghị cho phép tranh cử các vị trí chủ tịch xã, chủ tịch huyện đến chủ tịch tỉnh", ông Hợp nhấn mạnh.
Cũng từng là cựu lãnh đạo của Nghệ An nổi tiếng giản dị, cương trực, truyền cảm hứng, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhắn nhủ: "Lãnh đạo hãy mạnh dạn làm với tư duy đổi mới, bám sát sự vận động của thực tiễn. Phải đối đầu với thách thức mới biết mình là ai và mình cần cái gì, chỉ cần tránh hai cái sai là sai vì động cơ cá nhân và sai quy luật thực tiễn gây hậu quả lớn".
Theo ông Tuyển, Việt Nam hiện nay đã hội nhập sâu với thế giới, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu thì một tỉnh có diện tích lớn nhất nước, đông dân như Nghệ An phải có quy hoạch tốt, xác định được thế mạnh, đặc thù, từng sản phẩm có thể tham gia chuỗi giá trị ấy.
Ông cũng nhắc nhở lãnh đạo tỉnh về vai trò của đầu tư công như "bộ khuếch đại", nên mỗi đồng đầu tư công phải thực sự hiệu quả, có tính lan tỏa.
Cũng như ông Hợp, ông Tuyển cũng nhắn nhủ bài học về đoàn kết thống nhất đồng thời với dám nghĩ dám làm. "Phải khắc phục tình trạng như trước đây từng có nhận xét về chúng ta rằng: từng người thì có thể giỏi, nhưng tập hợp lại thì không giỏi", ông Tuyển nói.
Vinh sẽ là thành phố biển, có sân bay quốc tế
Từng theo sát quá trình quy hoạch tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết Nghệ An hiện là tỉnh có mức độ đô thị hóa thấp, trong khi thông lệ chung thì đô thị đóng góp rất lớn cho GDP.
Cùng với ông Hợp, ông Chính đề nghị sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh để mở rộng không gian đô thị và định hướng phát triển Vinh trở thành thành phố biển. Cùng đó, sân bay Vinh cần được mở rộng, nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế, có vai trò quan trọng ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho hay, các ý kiến phân tích, đóng góp tại hội nghị sẽ được tổ biên tập tiếp thu trong quá trình hoàn thiện các báo cáo trình Bộ Chính trị xem xét.
Từ các bài học thực tiễn và kiến nghị sẽ trở thành cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực để phát triển bền vững tỉnh Nghệ An.
Với tình cảm đặc biệt với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời là vùng đất trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ, Nghệ An có thể là đơn vị hành chính cấp trung ương cuối cùng được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng, bởi Bộ Chính trị đã lần lượt ban hành các nghị quyết cho từng khu vực cụ thể.
Nghệ An lần đầu vào top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt. Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 12 cả nước; đóng góp 12,43% quy mô kinh tế vùng và 1,85% cả nước.
Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, riêng năm 2022 đạt 9,05%; thu ngân sách năm 2022 thực hiện trên 20.000 tỉ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài đạt xấp xỉ 1 tỉ USD, lần đầu tiên đứng trong top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước./.
Theo Lê Kiên - Doãn Hòa - tuoitre.vn