po-1701143472.jpg
Cưu chính khách Trương Đình Tuyển

Chính ông Tuyển kể: Khi biết tôi được điều về Nghệ An làm Bí thư Tỉnh ủy, ngồi ăn cơm với mấy đứa em tôi, chúng nó bảo: “Anh về quê làm gì, ở lại Trung ương làm Bộ trưởng có sướng hơn không”, rồi một đứa đọc mấy câu vè: “Muốn làm giàu thì vào Nam / Muốn làm quan thì ra Bắc/ Muốn nghe thắc mắc thì về Nghệ An”. Hôm nhận nhiệm vụ để đi Nghệ An, ông đem mấy câu vè này đọc cho Thủ tướng Phan Văn Khải nghe. Ông Khải khuyên ông Tuyển về Nghệ An thì nên bớt cái tính nóng đi. Ông Tuyển đáp: “Thưa anh, tôi không siêu đến mức vừa được lòng, vừa được việc đâu”.

Khi làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Văn phòng Tỉnh uỷ trang bị cho ông cái tủ lạnh, nhưng ông không chịu chỉ đề nghị mua cái bình gas, tiền ông trả. Lãnh đạo tỉnh phân phối mảnh đất và xây nhà cho ông theo tiêu chuẩn chung, ông từ chối: “Tôi đã có nhà ở Hà Nội rồi!”. Sau này ông Tuyển có câu thơ: “Tôi khảo cổ chính tôi và thấy/ Một xấp dày ngu ngơ”. Nhà thơ Ngô Minh cho rằng cái “chất ngu ngơ” đó là chất kẻ sĩ, chất thi sĩ không màng danh lợi của ông.

Có lần ông Tuyển dự Đại hội Đảng bộ một huyện miền núi, Huyện uỷ chiêu đãi rất thịnh soạn. Cuối bữa tiệc, ông chất vấn Bí thư Huyện uỷ mới được bầu: “Ông làm sao có nhiều tiền mà chiêu đãi nhiều người thịnh soạn thế này?... Tiền là tiền thuế của dân, miền núi lại nghèo, dân đang đói, ông không xót sao?”. Về nhà, trằn trọc, nửa đêm ông bật dậy, viết: “Hãy từ bỏ những của chùa phung phí/ Những lai rai bia bọt vơi đầy/ Đất nước còn đang nghèo vậy/ Lẽ nào ngất ngưỡng mà say.”

lk-1701143511.jpg
Hội ngộ với các văn nghệ sỹ

Kể từ khi rời chính trường, chất thi sĩ của ông Tuyển mới bộc lộ rõ. Ông có thời gian chăm chút cho “nàng thơ” hơn. Trong thơ của mình, ông dành phần đậm nét cho tình yêu. Không ngờ một Trương Đình Tuyển khắc khổ, cương trực và đậm nét nhà quê lại “ngu ngơ đến thế, si tình đến thế”. Trong bài thơ “Vô đề 2” của ông có câu: “Hồn nhiên em đến rồi đi/ Ngẩn ngơ anh cứ mê si một mình/ Trời cho em nét xinh xinh/ Lại cho anh thói đa tình đó em.”

Khi ông mới lên bộ trưởng, cái tên Phùng Quán vẫn "ám ảnh" đối với nhiều người. Thế mà ông dám mời nhà văn Phùng Quán đến cơ quan Bộ Thương mại đọc thơ. Vào Huế, liên miên họp hành, nhưng tối đến ông vẫn rủ mấy nhà thơ Huế đến chỗ ông để giao lưu và đọc thơ. Những lần như thế, ông chăm chú nghe thơ anh em và say sưa đọc những bài thơ mới của mình cho đến tận khuya.

76-1701143536.jpg
Với cố bạn thơ đông hương Nguyễn Trọng Tạo

Thơ ông rất tâm trạng và rất mới. Ông Tuyển có cả một tập thơ tình và hầu hết là những bài không có đầu đề. Đó là những bài thơ "khóc" một cuộc tình thời trai trẻ. Trong chuyến đi thăm lăng mộ Taj Mahal, Di sản thế giới ở Ấn Độ, ông có bài thơ "Viết ở lâu đài Batmahal": “Bátmahan sừng sững giữa trời/ Pho sử đá ghi cảnh đời nghịch lý/ Vua khóc vợ xây đền đài kỳ vỹ/ Tôi khóc người thợ đá/ Đá ơi! Sang Nga, đi bên sông Nê Va gặp cô gái Hồi choàng khăn che mặt, ông viết: "Mắt mồ côi anh gặp mắt em rồi".

Trong những áng thơ tình si đó Trương Đình Tuyển vẫn để một một chỗ đặc biệt cho người bạn đời: “Cùng nhau trọn nữa kiếp người/ Anh chưa ngấm hết nỗi đời đó em”. Ông biết ơn người vợ: “Con đau, mẹ yếu mấy phen/ Một mình em với ngọn đèn đêm thâu/ Người đời sướng khổ có nhau/ Anh thì biền biệt đâu đâu chưa về”. “Em lo gió giật mưa dề/ Anh như lãng tử hành nghề phiêu diêu”. “Chắp tay tạ tội cùng em/ Cúi đầu dâng một chút men say nồng”.

Có người hỏi ‘xoáy” ông: "Sao anh làm Bộ trưởng mà lại gọi là "hành nghề phiêu diêu?". Ông cười: "Luật pháp, chính sách mình chưa chặt, còn nhiều kẽ hở để bọn xấu lợi dụng, nên làm bộ trưởng bây giờ "chết" lúc nào không biết, không phiêu diêu là gì nữa!".