Từ dự án nạo vét Cảng xăng dầu Xuân Giang (Hà Tĩnh)

Theo tìm hiểu của PV, thì ngày 23-6-2023, Công ty cổ phần thương mại xây lắp và nhập khẩu Miền Trung (Công ty Miền Trung) tại Hà Tĩnh, được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép cho thực hiện “Dự án nạo vét luồng quay tàu Cảng xăng dầu Xuân Giang”, tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với diện tích 24.336m2, đồng thời tận thu 175.606m3 cát.

Để thực hiện việc nạo vét, Công ty Miền Trung đã ký hợp đồng với Công ty CP đầu tư và xây dựng TTP (Công ty TTP) có địa chỉ tại số 105 Lý Tự Trọng, xóm 20, xã Nghi Phú, T.P Vinh, tỉnh Nghệ An, phụ trách việc nạo vét, khai thác cát, đồng thời bán lại số cát đó cho Công ty TTP.  

Diện tích, chiều sâu và tọa độ được phép nạo vét đã được ghi rõ trong giấy phép. Thế nhưng ngày 30-12-2023, lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt quả tàng tàu NB-2944 của Công ty TTP đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép tại tuyến đê sông Lam, đoạn thuộc địa phận xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Qua kiểm tra sơ bộ, thì địa điểm khai thác trái phép này, nằm ngoài phạm vi được cấp phép của dự án là 709m. Thời điểm phát hiện số cát đã được khai thác lên đến 160.04m3.

Với hành vi khai thác cát nói trên, ngày 25-4-2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 1064/QĐ- XPVPHC, xử phạt Công ty TTP 850.400.000 đồng. Đây là mức phạt đối với hành vi khai thác 160,04m2 cát tại thời điểm bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt quả tang ngày 30-12-2023.

Đằng sau Quyết định xử phạt số 1064/QĐ- XPVPHC này, còn rất nhiều vấn đề cần phải làm rõ. Bởi số lượng cát làm căn cứ ban hành quyết định xử phạt 850.400.000 đồng nói trên, chỉ mới là số lượng khai thác trái phép đã được phát hiện quả tang (160,04m2). Còn thực tế, số lượng cát đã bị Công ty TTP khai thác trái trước đó chưa được lực lượng chức năng làm rõ. Bởi theo giấy phép “Nạo vét luồng quay tàu” được cấp ngày 23-6-2023 đến ngày 30-12-2024 (tức là sau 7 tháng, hành vi khai thác trái phép ngoài tọa độ nói trên mới bị Cảnh sát Môi trường phát hiện bắt giữ). Không lẽ trong 7 tháng đó, Công ty TTP chỉ khai thác trái phép duy nhất 1 lần, rồi bị bắt giữ? Trong khi trước đó nhiều tháng, nhóm PV đã theo dõi, chứng kiến rất nhiều chiếc tàu lớn, hoạt động cả ngày lẫn đêm hút cát trên sông Lam, bơm thẳng sang dự án Khu đô thị Ecopak, xã Hưng Hòa, T.P Vinh, tỉnh Nghệ An. Thiết nghĩ việc xác định số lần vi phạm và số lượng cát bị khai thác trái của Công ty TPP để làm cơ sở khởi tố vụ án hình sự là không khó.  

Thêm một vấn đề đáng nói nữa là, các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án “Nạo vét luồng quay tàu cảng Xuân Giang” ở đâu, mà không phát hiện ra được vi phạm? Trong khi đó, nơi xảy ra sai phạm chỉ cách trụ sở UBND xã Xuân Giang và UBND huyện Nghi Xuân chưa đến 5km. Chỉ khi lực lượng Cảnh sát Môi trường tỉnh Hà Tĩnh nhận được tin tố giác, việc khai thác khoáng sản trái phép  của Công ty TTP mới  bị phát giác, xử lý.

Đến dự án xử lý sạt lở Rú Truông (Nghệ An)

Tại tỉnh Nghệ An, dự án “Xử lý sạt lở Rú Truông” trên địa bàn xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, do UBND huyện Nam Đàn làm chủ đầu tư cũng có nhiều “vấn đề” cần làm rõ. Theo tìm hiểu, đây là dự án được thực hiện, thi công tại dãy núi mang trong mình rất nhiều dấu ấn, trầm tích lịch sử của huyện Nam Đàn, cũng như tỉnh Nghệ An. Không những thế, dãy núi này còn nằm trong khu vực rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt.

Có mặt tại hiện trường, nhóm PV Báo CCB Việt Nam chứng kiến quả núi lớn mang tên Rú Truông đã bị đào, cắt gọt mất phần ngọn (ảnh). Gần 10 chiếc máy múc gầm rú, đào xới, xúc đất đổ lên thùng xe tải hạng nặng chở đi đến một số công trường. Theo tìm hiểu, công trình này được Công ty TNHH Tình Vinh, có địa chỉ tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trúng thầu, thi công thực hiện dự án.              

Tuy nhiên, khi tiếp cận - tìm hiểu về Dự án Rú Truông, nhóm PV gặp rất nhiều khó khăn và không thể tiếp cận được hồ sơ dự án một cách đầy đủ. Trong khi đó, phản ánh của người dân tới PV Báo CCB Việt Nam cho hay: Tờ trình của UBND xã Nam Thái, huyện Nam Đàn nói sạt lở của Dự án Rú Truông làm ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 200 hộ dân. Nhưng khi PV “thực mục sở thị”, dưới chân núi Rú Truông chỉ có chưa đến 10 hộ dân đang sinh sống!

Trao đổi qua điện thoại với ông Trần Văn Lợi - Phó chủ tịch UBND xã Nam Thái, cho biết: “Hiện tờ trình này (về Dự án xử lý sạt lở Rú Truông - PV) của UBND xã Nam Thái đã bị mất rồi, tìm không được...”.  

Trong khi liên hệ làm việc với UBND huyện Nam Đàn, đơn vị này cũng chỉ cung cấp được hai văn bản phô tô, bao gồm: “Quyết định phê duyệt Dự án xử lý sạt lở Rú Truông” của UBND tỉnh Nghệ An và báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho dự án này…

(còn nữa)