Theo TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì hiện trung tâm chưa ghi nhận học sinh bị ngộ độc ma túy do kẹo bán ở cổng trường. Tuy nhiên, trước đó, trung tâm đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc do sử dụng ma túy dưới dạng thực phẩm như bánh, kẹo, nước giải khát...

kk-1701651532.jpg
"Kẹo lạ" nghi chứa ma túy

TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo, việc sử dụng thực phẩm chứa ma túy có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc tức thời như thần kinh bị lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần; loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp... thậm chí dẫn đến tử vong.

Ngộ độc cần sa qua đường hít hay ăn uống có thể dẫn tới tình trạng giảm khả năng phối hợp động tác, giảm khả năng phán xét, gây ức chế thần kinh trung ương, rối loạn ý thức. Đặc biệt, trẻ em có thể bị hôn mê tới 36 giờ nếu sử dụng các loại bánh, kẹo, nước ngọt có chứa chất này.

Đặc biệt, ma túy tổng hợp tinh chất có giá thành cao nhưng hiện nay, nhiều loại không tinh chất lại rất rẻ. Mục đích của đối tượng xấu là lôi kéo học sinh sử dụng các loại bánh, kẹo, nước ngọt giá rẻ, sau đó dùng đến các sản phẩm đắt tiền hơn.

kkk-1701651554.jpg
Ma túy giả dạng nước xoài.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ trẻ tiếp xúc với các loại ma túy trá hình, cách tốt nhất cha mẹ tuyệt đối không cho tiền học sinh. Khi trẻ lỡ ăn phải các loại kẹo lạ có dấu hiệu hưng phấn, kích thích hay đau đầu, buồn nôn, cha mẹ nên đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế. Trường hợp trẻ hay ăn vặt cha mẹ nên giáo dục con không sử dụng các loại đồ ăn, thức uống lạ.

Nếu trẻ ăn và mang các sản phẩm kẹo lạ, cha mẹ nên theo dõi biểu hiện của con như có ảo giác, kích thích hay trầm cảm, mệt mỏi, khó thở hay không.

Liên quan đến vấn đề trẻ ngộ độc do ăn “kẹo lạ”, TS Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, trẻ bị ngộ độc có thể xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, thậm chí sốt do nhiễm khuẩn, một số trường hợp có thể bị tiêu chảy, gây mất nước mệt mỏi.

Do đó, để hạn chế nguy cơ trẻ tiếp xúc với các loại kẹo lạ, ảnh hưởng đến sức khỏe, cha mẹ tuyệt đối không cho tiền con mua đồ ăn vặt tại trường. Hạn chế ăn vặt đối với trẻ, nhắc nhở trẻ ăn những loại đồ ăn rõ nguồn gốc, không ăn, uống thực phẩm lạ ngoài khu vực trường học.

Trường hợp trẻ ăn phải các loại kẹo lạ, xuất hiện dấu hiệu hưng phấn, kích thích, đau đầu hay buồn nôn, thầy cô giáo và bố mẹ cần đưa ngay trẻ tới ngay các cơ sở y tế. Khi trẻ mang các sản phẩm kẹo lạ về nhà, cha mẹ cần quan sát, không nên để trẻ ăn. Nếu trẻ đã ăn phải kẹo lạ, cha mẹ nên theo dõi sát biểu hiện của con.

“Thông thường, nếu thực phẩm có vấn đề, trẻ sẽ có các phản ứng, triệu chứng biểu hiện sau 15 - 30 phút ăn. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiểu chảy, hoặc những biểu hiện kích thích, mệt mỏi, khó thở, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ xử lý” - TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Ở góc độ chuyên gia dinh dưỡng, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh, ATTP.

76-1701651582.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhi bị ngộ độc cần sa. Ảnh: BVCC.

Việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ ATTP sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì…

Số liệu từ Cục ATTP, Bộ Y tế cho thấy, có tới 70-80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli, gây tiêu chảy, bệnh đường ruột...

Do vậy, để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, các chuyên gia y tế khuyến cáo, các gia đình nên bố trí cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ để con sử dụng trong giờ nghỉ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện bày bán trước cổng trường, kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng các test nhanh và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ.

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, thời gian qua, thú chơi những loại ma túy như: "nước vui", đông trùng, nước xoài, kẹo… đã rộ lên tại một số TP lớn. Bản chất của những sản phẩm mang tên gọi như một loại thực phẩm nói trên là ma túy tổng hợp. Các loại ma túy này được ngụy trang dưới những tên gọi khác nhau để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Ma túy “núp bóng” thường được đựng trong các gói trà, bột nước trái cây có in các dòng chữ dễ nhầm lẫn như: Crispy fruit, Crispy fruit grape, Mango hoặc “nước dâu”, “nước vui”, cà phê “White Coffe”, “Chali”...; được rao bán tại các shop online, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar,… Các đối tượng cũng bán tại các cơ sở giáo dục, các trường học nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy.