Nghệ An có diện tích thông trên 30.000 ha, vừa mang lại giá trị kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, vừa mang lại giá trị cảnh quan và môi trường. Tuy nhiên, mấy năm qua nhựa thông rớt giá, khiến người dân phải khai thác cầm chừng.
Nông dân Nghệ An lao đao vì nhựa thông rớt giá
Người dân cạo mủ cao su tại xã Đồng Thành, Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Có thể nói, cây thông phù hợp với địa hình đồi núi cao, vì thế đây là cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con các huyện bán sơn địa Nghệ An. Loại thông được trồng ở đây chủ yếu là thông đuôi ngựa, có khả năng cho nhựa tốt, cung ứng cho các ngành sản xuất công nghiệp điện tử. Tuy nhiên mấy năm gần đây, giá nhựa thông liên tục giảm mạnh khiến người dân địa bàn Nghệ An chỉ dám khai thác cầm chừng, hiệu quả kinh tế thấp.

Ông Trần Minh ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành cho biết: Gia đình nhận giao khoán trên 2 ha thông, bình thường giá nhựa thông ổn định trên 38.000 đồng/kg, nhưng từ năm 2019 đến nay giá nhựa liên tục tụt xuống, chỉ còn 17.000 đến 25.000 đồng/kg, sau khi tính toán, mỗi ha thông chỉ đạt trên 20 triệu đồng, tiền thu vào không đủ chi phí dao cạo, túi nilon, bao đựng, thuê nhân công… nên chúng tôi phải khai thác cầm chừng. Do giá nhựa thông quá rẻ nên tại địa bàn huyện Yên Thành không ít hộ dân đã chuyển đổi, chặt thông để trồng keo dù cây thông vẫn còn cho nhựa.

Đại diện BQL rừng phòng hộ huyện Yên Thành chia sẻ: BQL hiện có trên 500 ha thông, giao khoán bảo vệ và khai thác nhựa cho trên 230 hộ dân theo hình thức cùng hợp tác liên doanh với các hộ dân, là BQL rừng đầu tư vốn vào phát triển cây thông, người dân nhận quản lý bảo vệ, sau khi khai thác nhựa người dân được chia 50% lợi nhuận.

Nông dân Nghệ An lao đao vì nhựa thông rớt giá
Do giá nhựa thông rẻ, nhiều diện tích rừng ở xã Diễn Đoài, Diễn Châu không được chăm sóc, thực bì mọc dày đặc. Ảnh: Văn Trường

Khó khăn nhất hiện nay vẫn là khâu tiêu thụ, những năm trước, người dân chỉ cần khai thác nhựa là tư thương đã đến tận nơi đặt mua. Nhưng hiện nay đơn vị phải tự đi tìm mối để tiêu thụ. Từ đầu năm 2019, Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu một số loại nông sản, trong đó, nhựa thông không nằm trong danh mục nông sản Trung Quốc cho phép nhập nên có thời điểm bị tồn đọng. Vì vậy mà sản lượng nhựa của đơn vị giảm, hàng năm khai thác đạt 200 tấn, nay chỉ đạt 150 tấn/ha, bà con chỉ khai thác ở mức độ cầm chừng.

Tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, hiện có hơn 700 ha rừng thông (BQL rừng phòng hộ Bắc Nghệ An quản lý) đang trong quá trình khai thác nhựa, được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc và Ấn Độ, doanh thu đạt từ 5-7 tỷ đồng. Hàng năm đơn vị này khai thác trên 300 tấn, nhưng nay do đầu ra khó tiêu thụ nên chỉ khai thác 150 tấn/năm. Giá nhựa thông rẻ, dẫn đến tình trạng nhiều diện tích rừng thông ở Diễn Châu, Đô Lương… người dân không mặn mà chăm sóc, để tình trạng thực bì dày đặc, nguy cơ cháy rừng.

Theo những đại lý thu mua nhựa thông trên địa bàn Nghệ An, nguyên nhân tình trạng nhựa thông giảm giá do việc xuất khẩu nhựa thông trên địa bàn tỉnh đều qua đường tiểu ngạch, trong khi mấy năm nay thị trường Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ nên hàng hóa qua “cửa” này gặp nhiều khó khăn. Chưa kể là nhựa thông còn được xuất bán sang Ấn Độ, nhưng do dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành nên Ấn Độ hạn chế thu mua.

Nông dân Nghệ An lao đao vì nhựa thông rớt giá
Nhựa thông ở Nghệ An chủ yếu nhập thô nên giá rẻ. (Ảnh chụp tại cơ sở thu gom nhựa thông xã Xuân Thành, Yên Thành). Ảnh: Văn Trường

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh hiện có khoảng 30.000 ha cây thông, tập trung chủ yếu ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu... Hàng năm, sản lượng nhựa thông đạt 2.500-3.000 tấn/năm, đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân, góp phần ổn định cuộc sống cho hàng vạn người dân. Do giá nhựa thông giảm xuống quá thấp, đầu ra lại bấp bênh nên chỉ đạt sản lượng khoảng trên 1.500 tấn nhựa thông/năm.

Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm: Để tìm hướng tiêu thụ ổn định cho nhựa thông, các doanh nghiệp Nghệ An cần phải đầu tư các nhà máy chế biến nhựa thông hiện đại, đạt chuẩn, nâng cao giá trị nhựa thông để xuất đi thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Về lâu dài, cây thông nếu quản lý tốt như chăm sóc, xử lý thực bì, chống cháy, sâu bệnh sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, giúp phủ xanh đất trống đồi trọc.