Tham dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, lĩnh vực du lịch thế giới đã trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử và phải mất 2-4 năm mới có thể lấy lại đà tăng trưởng bằng mức trước dịch. Đối với Việt Nam, ngành du lịch chưa bao giờ chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này.
Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực của toàn ngành du lịch, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa. Hoạt động du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm diễn ra sôi động với nhiều sự kiện du lịch nổi bật, có sức lan tỏa, khởi sắc. Nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vượt bậc so với năm 2021. Nhiều hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố được triển khai hiệu quả, tạo tiền đề cho việc hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, góp phần phục hồi ngành du lịch.
Các doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quay lại thị trường; mở thêm nhiều dịch vụ, tăng kế hoạch kinh doanh Hè (tăng thêm khoảng 20%) để đáp ứng nhu cầu của du khách; nhiều doanh nghiệp đã đạt gần 70% kế hoạch kinh doanh của cả năm. Trong khi đó, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại bình thường. Trong dịp cao điểm du lịch Hè dành cho khách nội địa vừa qua, công suất phòng khách sạn tăng cao: Ngày cuối tuần đạt trung bình trên 55%, các ngày trong tuần đạt từ 25% đến 50%. Một số nơi như Hạ Long, Sa Pa, Quy Nhơn, Phú Quốc có thời điểm đạt công suất trên 95%.
Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới: Vietjet Air đã mở thêm 22 đường bay quốc tế mới; Bamboo Airways tính đến thời điểm này đang khai thác 25 đường bay; Vietnam Airlines đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế so thời điểm trước dịch trừ Moscow (Nga), Rangoon (Myanmar), mở thêm đường bay đi San Fransisco (Mỹ) và Ấn Độ. Các đường bay nội địa tới một số địa bàn du lịch trọng điểm như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... đều tăng cao, mỗi ngày có hàng chục chuyến. Các chặng còn lại như Thành phố Hồ Chí Minh/Hà Nội tới Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn... giá vé cao điểm Hè cũng tăng hơn 20% so với các tháng trước đó…
Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế do nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón 2,9 triệu khách quốc tế (tăng 21,1 lần so cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19). Trong số 2,9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2022 thì có 2,7 triệu khách du lịch (chiếm 93,1%).
Tính chung cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so mục tiêu đặt ra 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt hơn 23% so kế hoạch năm 2022 và bằng 66% so năm 2019.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm so các nước khác khi vẫn còn đang dịch Covid-19; ngay sau đó, chúng ta quyết định tổ chức SEA Games 31, mở cửa du lịch… Đến nay, chủ trương này là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn có điểm nghẽn.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân tại sao Việt Nam lại "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế. "Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm chưa?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế xanh, phát triển bền vững. Việt Nam là đất nước đặc trưng, có nền văn hoá đặc sắc, có nhiều di sản. Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề là chúng ta có quyết tâm khôi phục ngành du lịch, tạo sự phát triển đột phá trong năm 2023 hay không với việc thu hút khách du lịch quốc tế, lấy văn hoá làm nền tảng thúc đẩy phát triển du lịch.
Thủ tướng mong các đại biểu cùng suy nghĩ, trao đổi, thảo luận, tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy phát triển du lịch nói chung, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong thời điểm sôi động của du lịch quốc tế dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch, đồng thời, bàn giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch bền vững trong tương lai.
Tại Hội nghị, chia sẻ thông tin về du lịch Hà Nội, một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, trong năm 2022, thành phố đã triển khai 172 chuỗi các hoạt động, trong đó, nhiều sự kiện, hoạt động về du lịch, văn hóa đã gây được sự chú ý lớn, tạo đà kích cầu thị trường du lịch. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động, sáng tạo giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới và đã được đông đảo du khách đón nhận. Đặc biệt năm 2022, thành phố Hà Nội được nhận 2 giải thưởng là “Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu châu Á năm 2022” và “Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu Thế giới năm 2022” do Tổ chức Du lịch thế giới đề cử và bình chọn..
Hoạt động du lịch của Thành phố trong 9 tháng của năm 2022 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, Hà Nội đã thu hút 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt khách; khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng 4,3 lần so với năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021.
“Đây là con số còn khiêm tốn so với năm 2019. Để du lịch quay lại vị thế xưa là vấn đề lớn, cần sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp cho phát triển du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Thủ đô nói riêng, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đồng tình với các ý kiến về việc cần có nghiên cứu tháo gỡ về vấn đề visa, đơn giản hóa thủ tục hành chính về cấp visa điện tử Việt Nam, mở rộng diện miễn visa đơn phương với một số nước là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, xem xét gia hạn thời gian lưu trú của khách du lịch quốc tế của các nước đang được miễn visa đơn phương từ 15 ngày lên 30 ngày.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề xuất cần tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp; hoàn thiện phương án tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, tích cực tham gia làm đối tác chính thức của các sự kiện chính trị, thương mại, thực hiện các chương trình quảng bá du lịch đối ứng với các nước thuộc tổ chức mà Việt Nam là thành viên.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh thông tin thêm, trước đó, Hà Nội đã ký kết hợp với với Kênh truyền hình CNN của Mỹ, thực hiện nhiều chiến dịch quảng bá hiệu quả. Gần đây, một số tỉnh thành khác cũng có bước hợp tác với các kênh truyền thông quốc tế, do vậy, để tạo hiệu quả, tiết kiệm hơn, cần có sự tập trung tuyên truyền, quảng bá chung du lịch Việt Nam./.
Theo Quang Thành - tamnhin.trithuccuocsong.vn