Nghệ An được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, diện tích lớn nhất cả nước, trung tâm vùng Bắc Trung Bộ với đầy đủ biển, đảo, đồng bằng, trung du, miền núi, sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông kết nối khá hoàn chỉnh, đồng bộ, Nghệ An đang vươn mình trở thành địa điểm thu hút du lịch trải nghiệm.
Địa phương sở hữu dải bờ biển nguyên sơ dài hơn 80km, 2/3 diện tích đất tự nhiên là rừng núi với nhiều hang động, thác nước, cùng trên 2.000 di tích lịch sử, văn hóa,…là điểm đến của du khách ưa khám phá thiên nhiên, đi bộ, chèo thuyền, trải nghiệm văn hoá bản địa. Thế mạnh này góp phần phát triển Nghệ An trở thành địa điểm du lịch 4 mùa trong thời gian tới, với trọng tâm là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng và du lịch trải nghiệm.
MỤC TIÊU ĐÓN 8 TRIỆU DU KHÁCH NĂM 2023
Theo Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, năm 2022 toàn tỉnh Nghệ An đón và phục vụ hơn 6,7 triệu lượt khách du lịch (tăng 356% so với năm ngoái). Trong đó, khách lưu trú đạt hơn 4,4 triệu lượt (tăng 342%); khách quốc tế đạt 28.600 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 12.343 tỷ đồng, trong đó, doanh thu du lịch đạt hơn 5,6 nghìn tỷ đồng (tăng 502%).
Các địa phương có lượng khách du lịch lớn gồm thị xã Cửa Lò, các huyện Nam Đàn, Con Cuông, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và thành phố Vinh. Đây là những địa phương có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và điểm đến để thu hút du khách.
Nghệ An hiện có 53 đơn vị kinh doanh lữ hành. Trong đó, có 25 công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 296 hướng dẫn viên lữ hành nội địa và quốc tế đang hoạt động. Toàn tỉnh có gần 900 cơ sở lưu trú, với gần 22.000 phòng, trong đó, có 3 khách sạn 5 sao, 11 khách sạn 4 sao, 20 khách sạn 3 sao.
Năm 2023, Nghệ An đặt mục tiêu đón và phục vụ hơn gần 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó, có hơn 5,2 triệu lượt khách lưu trú, 82.000 lượt khách quốc tế.
Hoạt động du lịch Nghệ An duy trì được mức tăng trưởng khá ổn định trong giai đoạn 2017 - 2019, lượng khách tăng từ hơn 5,9 triệu lượt khách lên hơn 6,5 triệu lượt khách năm 2019. Tuy nhiên, năm 2020 tổng lượng du khách đến Nghệ An giảm còn hơn 3,5 triệu lượt khách và năm 2021 giảm còn hơn 1,8 triệu lượt khách.
Trong giai đoạn 2017 - 2019, nhờ đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nên doanh thu dịch vụ du lịch tăng mạnh từ 3.092 tỷ đồng năm 2017 lên 4.581 tỷ đồng năm 2019; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 27,1%. Năm 2020, năm 2021 doanh thu giảm mạnh, chỉ đạt 2.570 tỷ đồng năm 2020 và 1.115 tỷ đồng năm 2021.
CHƯA THU HÚT ĐƯỢC NHÀ ĐẦU TƯ DU LỊCH CHUYÊN NGHIỆP
Mới đây, tại cuộc họp về báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đại diện các sở, ngành và địa phương Nghệ An đã phân tích những hạn chế, tồn tại của du lịch Nghệ An, như: Sản phẩm du lịch tuy có bước cải thiện nhưng chưa đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu cho du lịch Nghệ An và có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch ngoại tỉnh. Du lịch Nghệ An vẫn còn thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm cho du khách kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhất là nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ.
Một số dự án trọng điểm du lịch gần như không triển khai hoặc triển khai rất chậm. Nguồn nhân lực du lịch và liên quan còn thiếu chuyên nghiệp… Hợp tác, liên kết giữa Nghệ An với các nước bạn Lào và Thái Lan để thúc đẩy loại hình du lịch liên quốc gia chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chưa có chiều sâu và trọng tâm, trọng điểm, hình thức còn đơn điệu, hiệu quả và sức lan tỏa chưa cao.
Để phát triển du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn, tại hội nghị ngày 2/11 vừa qua, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội, các cấp, ngành về định hướng của Đảng, Nhà nước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, nhận thức đúng về tài nguyên du lịch thành một chuỗi liên hoàn, khép kín từ việc kết nối tài nguyên đến việc kết nối du lịch và mở rộng thị hiếu của khách hàng, kết nối du lịch với dịch vụ, với thương mại.
Quá trình phát triển du lịch cần bảo tồn, củng cố, xây dựng và phát huy tài nguyên một cách tối ưu; phát triển hạ tầng giao thông, thông tin để phục vụ, hỗ trợ cho du lịch và kinh tế du lịch. Tăng cường quảng bá, đầu tư từ phía doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Đào tạo nguồn nhân lực từ cán bộ tham mưu, quản lý nhà nước về du lịch đến các doanh nghiệp và nhân dân, trong đó chú trọng hình thành văn hóa du lịch.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần phát huy vai trò quản lý, trong đó quan tâm ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích, kích cầu hỗ trợ hoạt động du lịch và doanh nghiệp du lịch; giải quyết xung đột giữa phát triển du lịch với các mục tiêu phát triển khác; phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị truyền thống; bảo trợ cho việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch; xây dựng chiến lược phát triển du lịch Nghệ An với tầm nhìn dài hạn.
Trong 5 năm qua, hướng tới xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu du lịch Nghệ An dựa trên lợi thế nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa có giá trị nổi bật, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn gắn với phát triển du lịch.
Cùng với đó, tỉnh Nghệ An từng bước đa dạng hóa dịch vụ du lịch ở thị xã Cửa Lò và các huyện ven biển; tăng cường kết nối các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, điểm đến lịch sử cách mạng tại các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu… tạo thành các tour du lịch hấp dẫn. Đồng thời, tập trung xây dựng các điểm đến du lịch sinh thái gắn với văn hóa vùng đồng bào dân tộc tại các huyện miền Tây để thu hút du khách trong và ngoài nước; xây dựng một số điểm trình diễn dân ca Ví, Giặm ở huyện Nam Đàn để phục vụ khách du lịch.
Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch Nghệ An là xây dựng chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cơ cấu lại sản phẩm và thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, làm mới các dòng sản phẩm chủ đạo nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với từng phân khúc thị trường./.
Theo Nguyễn Thuấn - vneconomy.vn