po-1703735146.jpg
Nguyên liệu món canh cá đuối nấu mùng gây thương nhớ cho những ai ở xứ Nghệ.

Chợt nhớ, chị bạn kể, chồng chị ấy là một doanh nhân, chẳng thiếu gì tiệc tùng với những của ngon vật lạ ê hề. Nhưng lạ lắm, anh ấy chỉ thấy ngon miệng khi trở về nhà ăn chén cơm với các loại dưa cà mắm muối và cá kho nghệ tươi, gà nấu xáo. Mấy chục năm vậy rồi, không thay đổi.

Tôi lại nghĩ, có người thì ăn vì thèm nhưng đôi khi họ ăn để nhớ, nhớ về những hình ảnh mà lâu lắm chưa được thấy. Ăn một món quê nào đó thấy ngon đôi khi là vì mang nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ những góc phố quen. Nên mỗi lần về quê, tôi phải đi ăn cho thỏa cho hả hê những ngày mong ngóng. Đó cũng là cách đơn giản để thỏa nỗi nhớ quê.

Tôi từng đọc đâu đó nhà văn Trần Nhã Thụy viết: “Với những người xa quê lâu, khi ăn một món quê nhà, không phải vì đói vì thèm, mà bởi nhớ. Nhớ một nỗi nhớ. Mà, nỗi nhớ thì dẫu cụ thể thế nào, cũng rất mông lung trừu tượng. Đối với tôi, dù ăn món Tàu món Tây, cao lương mỹ vị thế nào, rồi cuối cùng nỗi nhớ vẫn quay về những món ăn miền Trung ngày thơ bé. Tôi nhớ con cá nục hấp nhìn tươi rói. Tôi nhớ luống rau muống xanh mượt bên hông nhà. Tôi nhớ cái bánh tráng bột gạo pha thêm chút bột mì vàng rộm…”.

Những ngày này, khi thời gian đang chuyển gần về cuối năm, khi Tết đã cận kề, lại nhớ những món ngon ngày xưa hơn bao giờ hết. Như tối qua dự tiệc nhà bạn, ăn một miếng bánh chưng với dưa hành, củ kiệu mà thèm không khí Tết ngày xưa. Là hình ảnh trước Tết nửa tháng, mẹ kêu anh Hai đào hố vôi quét lại tường nhà. Mỗi tối ba mẹ con quây quần sên mứt gừng, mứt dừa để ăn ba ngày Tết. Tầm 26 Tết là mẹ mua lá dong về rửa sạch, phơi cho ráo nước để ngày 29 gói bánh chưng. Tết sẽ có thêm nồi thịt kho tàu, nồi giả cầy… Những món đó bây giờ ở thành thị rất nhiều, nhưng khác lắm hương vị của ngày xưa.