122-1681351661.jpg
Các bị can: Tô Anh Dũng, Nguyễn Quang Linh, Nguyễn Thị Hương Lan, Võ Hồng Nam, Trần Văn Tân và Chử Xuân Dũng (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới) nhận hối lộ trong vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: Bộ Công an

Trong bản kết luận đề nghị truy tố 54 bị can vụ chuyến bay giải cứu, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã làm rõ số lần nhận hối lộ của các cựu quan chức bộ, ngành.

Theo kết luận điều tra, từ tháng 5.2020 đến 1.2022, biết vai trò của ông Tô Anh Dũng - thời điểm này là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, 13 cá nhân đại diện cho nhiều doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, đặt vấn đề để được giải quyết thủ tục.

Trong lần gặp đầu tiên, ông Dũng đồng ý với đại diện 13 doanh nghiệp về việc sẽ hỗ trợ, chỉ đạo cấp dưới tại Cục Lãnh sự làm thủ tục giúp cấp phép chuyến bay, tổ chức chuyến bay "combo".

Qua đó, ông Tô Anh Dũng đã 37 lần nhận hối lộ của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các chuyến bay giải cứu với tổng cộng 21,5 tỉ đồng.

Kết luận xác định, ngoài nhận tiền ở ngoài trụ sở làm việc, đa phần ông Dũng nhận hối lộ tại nơi làm việc, cổng cơ quan.

Cụ thể, từ tháng 12.2020-1.2022, ông Dũng đã nhận hối lộ của Hoàng Diệu Mơ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình 8 lần (tổng cộng 8,5 tỉ đồng) tại phòng làm việc và gần cổng trụ sở Bộ Ngoại giao.

Từ tháng 6-12.2021, ông Dũng nhận hối lộ của Hoàng Anh Kiếm để phê duyệt hồ sơ thực hiện các chuyến bay "combo" của Công ty Lữ Hành Việt 3 lần (30.000 USD, tương đương hơn 693 triệu đồng) tại phòng làm việc ở trụ sở Bộ Ngoại giao.

Trong quá trình điều tra, gia đình bị can Dũng đã tự nguyện nộp 2 tỉ đồng.

Cấp dưới cũ của ông Dũng, bà Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự bị cáo buộc 33 lần nhận hối lộ, tổng cộng hơn 25 tỉ đồng của 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp (từ tháng 5.2020-1.2022).

Trong đó, từ tháng 2.2021, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky đã gặp và được bị can Lan đồng ý hỗ trợ, giúp cấp phép chuyến bay "combo".

Sau đó, bà Hằng đã đưa hối lộ cho bị can Lan 8 lần (tổng cộng 5,9 tỉ đồng) tại phòng làm việc của bà này ở trụ sở Cục Lãnh sự.

Tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an, bị can Vũ Anh Tuấn - cựu Phó trưởng phòng tham mưu đã nhận hối lộ hơn 27,3 tỉ đồng, hưởng lợi cá nhân gần 23 tỉ.

Trong số các doanh nghiệp đưa hối lộ cho bị can Vũ Anh Tuấn có Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky.

Bà Hằng đã đưa hối lộ cho Tuấn tổng cộng 6 tỉ đồng tại trụ sở Cục Quản lý Xuất nhập cảnh.

Bị can Tuấn còn nhận của Hoàng Diệu Mơ 5,12 tỉ đồng tại cổng Cục này vào tháng 7.2021.

Đến tháng 8.2021, Tuấn còn nhận của bị can Lê Văn Nghĩa - Giám đốc Công ty Nhật Minh 3 lần tại trụ sở Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, tổng cộng hơn 3 tỉ đồng.

Tháng 9.2021, trong 2 lần nhận 1 tỉ đồng từ Nguyễn Thị Dung Hạnh, 1 lần bị can Tuấn nhận tại trụ sở đơn vị.

Cơ quan điều tra ghi nhận, gia đình bị can Tuấn đã tự nguyện nộp gần 3,4 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, ông Chử Xuân Dũng - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị cáo buộc nhận hối lộ 5 tỉ đồng.

Theo đó, từ tháng 4-12.2021, ông Dũng đã kí văn bản đồng ý cho 16 Công ty được đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về cách li trên địa bàn TP Hà Nội.

Trong đó, bị can Dũng đã nhận tiền của 2 cá nhân để duyệt kí đồng ý cấp phép cho 4 công ty được đưa công dân về cách li tại Hà Nội (số tiền hơn 2 tỉ đồng).

Cụ thể, từ ngày 6-18.10.2021, ông Dũng nhận hối lộ 3 lần từ bị can Trần Minh Tuấn thông qua thư kí của mình là Đặng Đình Tuyến.

Cả ba lần Tuấn đưa cho Tuyến tại cổng trụ sở UBND TP Hà Nội.

Gia đình ông Chử Xuân Dũng cũng đã tự nguyện nộp 50.000 USD và 600 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Còn đối với bị can Trần Văn Tân - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cơ quan điều tra cáo buộc ông này đã nhận hối lộ 5 tỉ đồng từ đại diện doanh nghiệp.

Cụ thể, bị can Trần Văn Tân đã nhận tiền của Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng, 9 lần tại phòng làm việc của mình.

Quá trình điều tra, gia đình ông Tân đã nộp 2 tỉ đồng khắc phục hậu quả vụ án.

Theo Việt Dũng - laodong.vn