Vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu".
Hành khách "chuyến bay giải cứu" là người bị thiệt hại trực tiếp, thực tế.
Vụ án này có 54 người bị đề nghị truy tố với các tội danh đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong đó có hơn 21 cựu quan chức, cán bộ cấp cao của 4 bộ ngành, Văn phòng Chính phủ và 2 địa phương bị cáo buộc nhận hối lộ đến gần 180 tỉ đồng.
Trong đợt dịch COVID-19, đã có khoảng 2.000 chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Và để được về nhà, họ phải trả một chi phí "cắt cổ" với nhiều thủ tục rườm rà.
Những chi phí đắt đỏ của "chuyến bay giải cứu" mà công dân bỏ ra không đến từ chất lượng dịch vụ mà được các doanh nghiệp tự nâng lên để được ưu tiên cấp phép tổ chức chuyến bay.
Và câu hỏi đặt ra là những công dân đã chi tiền để có mặt trên "chuyến bay giải cứu" có đòi lại được tiền khi chính họ là những người bị trục lợi?
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) đặt vấn đề về tính hợp pháp của thỏa thuận giữa công dân mua vé với các bên cung cấp "chuyến bay giải cứu".
"Người dân mua vé ở thời điểm đó đang ở trong hoàn cảnh đặc biệt, họ thỏa thuận mà không thể hiện được ý chí của bản thân, bị buộc vào tình thế không có sự lựa chọn.
Trong khi đó, những cá nhân tổ chức chuyến bay vì trục lợi mà đẩy chi phí lên cao nên thỏa thuận đó không ngang bằng và bất hợp pháp, thực tế là các cá nhân tổ chức chuyến bay đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thỏa thuận trên là bất hợp pháp nhưng người dân không có lỗi nên cần xác định họ là bị hại, là đối tượng bị thiệt hại bởi hành vi phạm pháp luật của những cá nhân tổ chức chuyến bay", luật sư Công phân tích.
Theo luật sư, nếu các bị can không xâm phạm đến khách thể là hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước thì người dân không phải trả một chi phí với giá "cắt cổ".
"Trong trường hợp này cần xác định người mua vé "chuyến bay giải cứu" là người thiệt hại trực tiếp, thực tế và có mối quan hệ nhân quả. Vì hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân tổ chức chuyến bay nên người dân mới phải bỏ ra nhiều tiền hơn.
Để đòi lại quyền lợi, người dân cần có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án để được xem xét, xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự", luật sư Nguyễn Thành Công nêu quan điểm.
Có quyền yêu cầu doanh nghiệp bồi thường
Trong khi đó, ông Trần Công Chu (nguyên kiểm sát viên Viện KSND tối cao) cho rằng có thể xem những công dân đi "chuyến bay giải cứu" là nạn nhân nhưng không thể được xác định là bị hại trong vụ án.
Ông Chu cho rằng khách thể của hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án là xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, nhà nước. Như vậy bị hại trong vụ án được xác định là cơ quan nhà nước chứ không phải khách hàng bỏ tiền đi chuyến bay.
"Mặc dù vào thời điểm dịch COVID-19, chi phí để có mặt trên "chuyến bay giải cứu" là rất cao nhưng dù biết rõ giá cao như vậy, họ vẫn chấp nhận chi tiền do cần về nước, đó là thỏa thuận dân sự giữa họ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Hiện giờ rất khó cho khách đi chuyến bay vì đối với các tội danh bị đề nghị truy tố trong vụ án này không xác định họ là bị hại. Tuy nhiên họ vẫn có quyền đòi bồi thường, bằng cách kiện những doanh nghiệp cung cấp chuyến bay bằng một vụ kiện dân sự khác", ông Chu nói.
Theo Đan Thuần - tuoitre.vn