Thông tin lộ, lọt từ nhiều nguồn
Bắt đầu câu chuyện với Lao Động, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - đại diện dự án chongluadao.vn, 1 trong 43 người được vinh danh có đóng góp trong việc tìm ra lỗ hổng bảo mật của máy chủ web Apple, để muốn biết thông tin của ai đó chỉ cần lên mạng xã hội tìm hiểu sẽ thấy có nhiều dữ liệu: Hình ảnh cá nhân, gia đình, nơi làm việc, học tập... Không khó để tìm kiếm được những thông tin này.
Một chuyện khác là khi chỉ vừa đặt vé máy bay, nhiều người sẽ nhận được các cuộc gọi, tin nhắn chào mời sử dụng dịch vụ taxi, ăn uống, vui chơi tại điểm đến. Hay vừa đăng ký tài khoản ngân hàng sẽ được tư vấn về tài chính, chứng khoán...
Ông Hiếu nhận định, thông tin của người Việt Nam hiện lộ, lọt trên không gian mạng rất nhiều. Điều này có thể xuất phát từ việc người dùng thường xuyên chia sẻ dữ liệu, hình ảnh của bản thân, con cái dẫn đến lộ thông tin cá nhân một cách tình cờ mà không biết.
Một nguy cơ làm lộ, lọt thông tin khác chính từ những dịch vụ bản thân hoặc công ty của mình đang sử dụng các dịch vụ như: Hãng hàng không, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, vui chơi, nghỉ dưỡng, đầu tư tài chính, chứng khoán, spa, chăm sóc sức khoẻ, thời trang, thẩm mỹ viện...
Ngoài ra, ông Hiếu cũng kể ra nạn mua bán thông tin cá nhân cũng đang diễn ra rất phức tạp, thông tin cá nhân được chào bán với giá rất rẻ.
Đáng chú ý, nhiều thông tin cá nhân cũng có thể bị chiếm giữ từ chính hệ thống quản lý của các đơn vị. Ông Hiếu dẫn chứng vụ việc năm 2019, Facebook xác nhận việc hàng trăm triệu số điện thoại người dùng tại một số quốc gia bị lộ từ cơ sở dữ liệu trực tuyến không được bảo vệ.
Trong đó, có đến 50 triệu số điện thoại người dùng Facebook tại Việt Nam. Năm 2022, Meta - công ty “mẹ” của Facebook - cảnh báo, thông tin tài khoản của 1 triệu người dùng có thể đã bị xâm phạm bởi các ứng dụng bên thứ ba từ cửa hàng của Apple hoặc Google.
Báo cáo của Bộ Công an hồi tháng 8.2022 có thống kê, dữ liệu cá nhân của 2/3 dân số nước ta đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Những điều trên cho thấy, thông tin cá nhân có thể bị lộ, lọt ra từ rất nhiều cách.
Đồng quan điểm, TS Phan Đình Khánh - Uỷ viên Ban chấp hành Hội Luật gia TPHCM, nguyên kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM - cho hay, hiện nay thông tin cá nhân có thể ở rất nhiều nguồn: Từ nhà trường, bạn bè, địa phương, ngân hàng, bệnh viện, giao dịch… Những đối tượng lừa đảo lại có nhiều thủ pháp để lấy dữ liệu nên không có căn cứ nào để khẳng định thông tin cá nhân lộ ra từ đâu.
Chiêu thức hoạt động tinh vi
Theo TS Khánh, những đối tượng thực hiện hành vi tội phạm trong thời gian qua đang rất am hiểu tâm lý đối phương để lên những kịch bản khác nhau. Ví như, với những người khó khăn, tội phạm sẽ đánh vào tâm lý muốn kiếm nhiều tiền, đưa ra cái chiêu bài việc nhẹ lương cao, làm bán thời gian tăng thu nhập.
Còn trong vụ gọi điện lừa phụ huynh có con đi cấp cứu cần chuyển tiền thì phụ huynh bị nhắm đến đầu tiên là ở các trường quốc tế.
Các thủ đoạn, kịch bản được đưa ra có sự tinh vi, có tổ chức khi xây dựng các vai như giáo viên, bác sĩ, kế toán, công an, nhân viên bưu điện... Thậm chí, có chuẩn bị cả âm thanh, hình ảnh để đem đến cho đối tượng của mình một niềm tin. Việc chuyển tiền cũng được thực hiện qua app ngân hàng tới các tài khoản thường là giả mạo thông tin cá nhân nên việc truy bắt đối tượng cũng rất khó khăn.
TS Khánh khuyên rằng, phía phụ huynh, học sinh cần tỉnh táo hơn khi cung cấp và tiếp nhận các thông tin, cẩn trọng khi công khai thông tin, hình ảnh cá nhân, nhất là trên mạng xã hội.
Qua các sự việc này, ông Ngô Minh Hiếu cũng cảnh báo bản thân mỗi cá nhân và ngay tại các đơn vị, tổ chức rà soát lại việc bảo mật thông tin của mình. Một khi đã và đang chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội rồi thì nên xoá đi. Những dịch vụ đã đăng ký mà không còn nhu cầu nữa cũng nên hủy bỏ để hạn chế bớt việc các đơn vị giữ thông tin của mình.
“Khi nhận được bất kỳ một cuộc gọi nào, ví dụ như nói rằng bản thân, gia đình đang gặp vấn đề nghiêm trọng thì cần bình tĩnh và tìm cách xác nhận thông tin từ nguồn chính thống. Đa phần các đối tượng lừa đảo sẽ đánh vào tâm lý sợ hãi, gây bấn loạn để mình không đủ tỉnh táo nhận diện vấn đề” - ông Ngô Minh Hiếu nói.
Theo Huyên Nguyễn - laodong.vn