Ám ảnh những bộ đồ bảo hộ...
20h30 đêm ngày 5/7, bác sĩ Quế Anh Trâm - Giám đốc Trung Tâm bệnh Nhiệt đới (BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) cùng các đồng nghiệp mới ăn cơm tối sau ca điều trị cho bệnh nhân Covid-19 kéo dài 6 tiếng đồng hồ liền. Vừa ăn anh, vừa tranh thủ trao đổi với các đồng nghiệp về tình hình sức khỏe của các bệnh nhân và phác đồ điều trị tiếp theo.
Bác sĩ Trâm cho biết: Bệnh Covid-19 chưa có thuốc đặc hiệu, nên trước mắt điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Với những trường hợp diễn biến nặng, tổn thương phổi và nhiễm trùng được điều trị bằng kháng sinh và sử dụng thuốc chống đông đặc phổi…
“Sợ chứ, nhất là những ngày đầu tiếp xúc với bệnh nhân. Thế nhưng nhìn thấy tinh thần làm việc và quyết tâm đánh thắng Covid-19 của các đồng nghiệp, tôi càng vững vàng, quyết tâm hơn. Có điều dưỡng kiệt sức vì mệt, luội người đi, nhưng sau khi tỉnh, lại xông xáo vào chăm sóc bệnh nhân.
Có trường hợp đã rất mệt, được cho ra nghỉ nhưng vẫn tiếp tục xin vào vì thương những người ở trong quá lâu. Hay như trường hợp chị Nguyễn Thị Thùy Linh không thể trực tiếp về chịu tang mẹ, kìm nén đau thương để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân…”, điều dưỡng Nguyễn Thị Hải Thanh, khu vực cách ly chờ ra viện, Bệnh viện dã chiến số 1 Nghệ An.
“Nguyên tắc chung là như vậy, nhưng trên cơ sở bệnh tình và diễn biến sức khỏe của mỗi bệnh nhân, các y bác sĩ ở trung tâm lại tiến hành hội chẩn, xin ý kiến các bác sĩ đầu ngành tuyến trung ương thông qua điện thoại và các ứng dụng CNTT để đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả, tốt nhất”, bác sĩ Trâm cho biết thêm.
Nghe thì đơn giản, trực tiếp chứng kiến mới thấy hết gian khổ của các y bác sĩ. Giữa thời tiết khắc nghiệt nơi “chảo lửa” thành Vinh, các y bác sĩ phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ y tế kín mít. Các anh, các chị phải đứng làm việc 6 tiếng đồng hồ liên tục, không ăn, không uống nước, không vệ sinh...
Ngoài điều trị về bệnh lý, các y bác sĩ kiêm luôn chuyên gia tâm lý, bởi hầu hết các bệnh nhân vào đây đều rất hoang mang. Rồi cũng chính y bác sĩ kiêm luôn người nhà chăm sóc, phụ vụ cơm nước cho bệnh nhân hàng ngày. Vất vả, nguy hiểm, áp lực nhưng các y bác sĩ không được để xảy ra sai sót, dù nhỏ nhất, để tránh lây nhiễm chéo cho những người xung quanh.
Người đứng đầu Trung Tâm bệnh Nhiệt đới (BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) kể: Thời gian đầu chưa quen mặc đồ bảo hộ, đứng lâu không được uống nước, không được đi vệ sinh nên nhiều bạn nữ bị ngất. Hôm nay thì vào guồng cả rồi, anh chị em cũng có kinh nghiệm nên đỡ vất vả hơn...
Khi được hỏi, điều dưỡng Nguyễn Thị Hải Thanh, khu vực cách ly chờ ra viện, Bệnh viện dã chiến số 1 Nghệ An dí dỏm so sánh: Cứ như mặc áo mưa rồi đi ngoài trời nắng 39 - 40 độ C, chưa kể đeo thêm khẩu trang kín mít nên hít - thở khó khăn hơn. Đi lại cũng nặng nề, vướng víu hơn rất nhiều, mặc bộ đồ bảo hộ đi 1 bước bằng 10 bước bên ngoài.
"Còn về việc đi vệ sinh, thực ra có muốn cũng không được. Nắng nóng, bao nhiêu nước trong người đều biến thành mồ hôi chảy ra như tắm, làm gì còn nước mà đi vệ sinh. Hết ca trực, mọi người phải chọn loại đồ uống phù hợp để bù chất điện giải mất đi quá nhiều", chị Thanh nói.
Chiến đấu hết mình, giành giật từng cơ hội sống cho bệnh nhân
Theo tìm hiểu của PV, tại Trung Tâm bệnh Nhiệt đới (BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) có 25 y bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Covid-19. Thế nhưng, thời điểm cao nhất, trung tâm điều trị lên đến 74 bệnh nhân, gấp gần 3 lần số y bác sĩ. Sau khi một số bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện dã chiến số 1 Nghệ An (ở Hưng Nguyên), trung tâm vẫn đang điều trị cho 48 bệnh nhân. Hiện trong số đó có 5 ca bệnh nặng, diễn biến sức khỏe xấu.
Bác sĩ Quế Anh Trâm - Giám đốc Trung Tâm bệnh Nhiệt đới (BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) cho biết: Bệnh này có một đặc điểm là diễn biến rất nhanh. Có trường hợp vừa đi khám qua, quay lại đã tím tái, tổn thương phổi. Đặc biệt, bình thường đặt ống nghe không phát hiện được gì, khi phát hiện được thì bệnh đã nặng. Vì vậy, anh em phải bám bệnh nhân 24/24h để kịp thời phát hiện mọi diễn biến, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.
Kể đến đây, giọng bác sĩ Trâm chùng xuống, trầm tư hơn. Gần 1 tháng trời, gác lại mọi lo toan chuyện gia đình, các y bác sĩ ở trung tâm chiến đấu hết mình, giành giật từng cơ hội sống cho bệnh nhân, dù nhỏ nhất. Vì vậy, mọi diễn biến sức khỏe của bệnh nhân đều để lại trong các anh, các chị những cảm xúc buồn - vui khó tả, khó quên.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân N.T.D. (71 tuổi, ở TP. Vinh) nhập viện vào rạng sáng ngày 23/6, với tiền sử đái tháo đường, hội chứng Cushing, tăng huyết áp. Dù tuổi cao sức yếu, bệnh nền nhiều nhưng được sự điều trị, chăm sóc tận tình của các y bác sĩ, bệnh nhân đã có những chuyển biến tích cực. Thế nhưng đến đêm ngày 4/7, bệnh nhân lại bất ngờ chuyển biến nặng và không qua khỏi.
“Trước đó, trong lúc hội chẩn với các bác sĩ đầu ngành tuyến trung ương. Các thầy còn động viên, bệnh nhân này khỏi được, thế là các em giỏi hơn thầy rồi. Thế mà…”, bác sĩ Trâm bỏ dở câu nói như trách mình đã không làm được tốt hơn.
Bên cạnh nỗi buồn là niềm vui. Tính đến cuối giờ chiều ngày 6/7, Trung Tâm bệnh Nhiệt đới (BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) đã điều trị khỏi bệnh cho 6 bệnh nhân. 6 lần trao giấy chứng nhận cho 6 bệnh nhân đã khỏi bệnh là 6 lần các y bác sĩ nơi đây vỡ òa cảm xúc sung sướng và niềm tự hào là những "Thầy thuốc Nhân dân".
“Khi biết mình bị mắc Covid-19, tôi thật sự suy sụp vì không biết sẽ như thế nào. Vào bệnh viện dã chiến, nhìn các y bác sĩ mặc đồ bảo hộ, mồ hôi ướt đẫm, hơi nước bốc lên mờ cả mắt, bước đi mệt mõi, rã rời nhưng luôn tận tình chăm sóc, điều trị và động viên. Hiện tinh thần tôi đã ổn hơn rất nhiều và sức khỏe cũng tốt lên so với ban đầu. Từ tận đáy lòng, chúng tôi xin cảm ơn các y bác sĩ đang ngày đêm điều trị cho bệnh nhân Covid…”, bệnh nhân Đ.T.S (ở TP Vinh), đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 Nghệ An.