Người thợ cuối cùng của làng nghề trống nổi danh một thuở ấy là anh Phạm Hồng Quân. Anh Quân tỏ ra khá bất ngờ khi nghe chúng tôi trình bày lý do gặp gỡ, bởi đã lâu lắm rồi, dường như nghề trống làng Kim Mỹ đã khuất bóng, chẳng mấy ai nhớ đến.
Như được dịp tỏ bày, người thợ ấy say sưa kể về duyên nghề: Anh vốn là bộ đội xuất ngũ, theo học nghề với ông thợ cả Sâm nổi tiếng cả vùng với tay nghề làm trống, rồi bén duyên với con gái thầy mà thành đôi thành lứa.
Nghề trống có những đặc thù riêng, đòi hỏi người thợ phải nắm kỹ những bí quyết trong nghề, rồi từ đó mà trau, mà luyện tay nghề cho thêm thuần thục. Nào là gỗ làm trống nhất định phải là gỗ mít, có tuổi đời 40-50 năm; nào là da trống phải thuộc từ da trâu, bò, mà tốt nhất là da bò cái tầm 4-5 tuổi đã sinh 1 lứa, lựa phần da gáy cổ hay da lưng, mông là tuyệt nhất. Kỹ lưỡng hơn là phải kể đến các công đoạn như xử lý da, tùy loại trống mà chọn phần da hợp lý, như trống cơm, trống trường hay trống hội… Tang trống, dùi trống cũng là yếu tố quan trọng, gỗ chọn làm phải là gỗ mức, nhẹ mà chắc, bền mà không dễ bị nứt nẻ khi đánh, tạo âm thanh trầm bổng, vang vọng như đi vào lòng người.
Giữa những say sưa tỏ bày, người thợ trống cuối cùng của làng nghề ấy cũng chẳng nén nổi chạnh lòng. Anh Phạm Hồng Quân bảo, là người duy nhất còn giữ nghề, trước hết là bởi đam mê với trống, nuối tiếc và cảm thấy có lỗi với những “nghệ nhân” của làng nghề nếu để mất nghề; sau nữa, là khi đặt tâm sức vào nghề, thì nó vẫn mang lại nguồn thu nhập đủ để nuôi sống gia đình. Chỉ có người phụ nghề chứ nghề không bao giờ phụ người, nghĩ vậy, nên kể cả khi phần đông người làng đã bỏ nghề làm trống tổ truyền để đi xuất khẩu lao động hoặc tìm kiếm những ngành nghề khác đỡ vất vả hơn, thì anh Quân vẫn dứt quyết thuỷ chung với nghề.