Thông qua đó chia sẻ, động viên với những khó khăn, vướng mắc đồng thời định hướng về những nhiệm vụ, giải pháp để công tác mặt trận ngày càng khẳng định và phát huy vai trò của mình trong xây dựng Khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh to lớn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trực tiếp lắng nghe, trao đổi và trả lời ý kiến, kiến nghị của đội ngũ cán bộ làm công tác mật trận cấp huyện, cấp xã.
Tham dự Diễn đàn có các đồng chí: Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành; các đồng chí nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đặc biệt là sự tham gia của gần 14.000 đại biểu là cán bộ MTTQ cấp huyện, cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh.
Mở đầu Diễn đàn, đồng chí Phan Đình Hà – Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Chương phản ánh từ năm 2017, ở Trung ương đã có kế hoạch xây dựng “Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố trên phạm vi cả nước”. Đây là nội dung rất cần thiết nhằm phát huy trách nhiệm của người dân trong tham gia quản lý xã hội, thi đua hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi ở cơ sở. Song thực tế, ở cơ sở chưa nhận được văn bản hướng dẫn nào của Trung ương để triển khai thực hiện Đề án này. Bởi vậy, đề nghị Trung ương cần đánh giá hiệu quả mô hình tự quản cộng đồng trên phạm vi cả nước để có hướng dẫn cụ thể về tổ chức, hoạt động của mô hình từ đó nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Về nội dung này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư rất đa dạng, phong phú, do đó việc quy định, hướng dẫn chi tiết sẽ phù hợp với nơi này nhưng sẽ không phù hợp với nơi khác. Ban Bí thư đã cho ý kiến lần 1 vào dự thảo Hướng dẫn của Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện nay đang trình để lấy ý kiến lần 2 theo hướng chỉ trình những vấn đề mang tính nguyên tắc, nội dung khung, còn chi tiết các mô hình tự quản thì do các tỉnh quyết định, như vậy sẽ sát thực và hiệu quả hơn.
Mang nỗi niềm của cán bộ làm công tác mặt trận cơ sở cấp xã, phường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hưng Phúc (TP Vinh) Trần Thị Thanh Hà cho hay theo quy định, chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã phải là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ; còn chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã là người hoạt động không chuyên trách, không phải là công chức; trong khi cấp Phó các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã lại có nhiều cơ hội được bổ nhiệm vào chức vụ Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, nên rất thiệt thòi đối với Phó Chủ tịch MTTQ cấp xã không chuyên trách. Bởi vậy, đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện.
Về nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho rằng đây là tâm tư rất xác đáng của các cán bộ ở vị trí chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã không chuyên trách. Trong thực tế, có trường hợp cán bộ làm công tác mặt trận xã không chuyên trách có năng lực, đủ điều kiện đã được tuyển vào công chức, từ đó thử thách qua một vài nhiệm vụ khác, sau đó được hiệp thương bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã và được bầu vào Ban Thường vụ. Bí thư Tỉnh ủy cũng thừa nhận mặc dù có, nhưng thực tiễn rất ít. Với góc độ người đứng đầu Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho biết sẽ có chỉ đạo cấp ủy cấp huyện, cấp ủy cấp xã quan tâm đến vấn đề này, đồng thời mong muốn cán bộ là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã không chuyên trách không ngừng học tập, chuẩn bị tất cả các điều kiện, cọ xát thực tiễn để được tuyển vào công chức, để được vào Ban Thường vụ và giữ trọng trách Chủ tịch MTTQ cấp xã.
Cùng quan tâm đến vấn đề tổ chức bộ máy, đồng chí Nguyễn Duy Thảo – Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Đàn phản ánh một số bất cập trong thực hiện thí điểm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện. Đó là Người đứng đầu vừa phải thực hiện đồng thời nhiệm vụ của Ban Dân vận và MTTQ dẫn đến chồng chéo trong công tác (về thời gian, thời điểm, điều hành, có nhiều cuộc họp trùng thời gian…); cấp phó của 02 cơ quan không phải là cấp ủy nên gặp không ít khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, nhất là trong khối; mặt khác, phụ cấp kiêm nhiệm quá thấp. Ngoài ra, tại một số địa phương cấp huyện do số lượng Ủy viên Ban Thường vụ 11 người, nên Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện nếu không đồng thời là Trưởng ban Dân vận thì rất khó bố trí là Ủy viên Ban Thường vụ. Trong khi theo quy định của Đảng thì có 12 chức danh là Ủy viên Ban Thường vụ. Đề nghị Tỉnh ủy và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Ban Bí thư quy định nâng số lượng Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện nhiều hơn 11 người để đủ bố trí tối thiểu là 12 chức danh yêu cầu phải là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy. Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy xem xét có văn bản chỉ đạo cấp ủy cấp huyện bố trí cấp phó của 02 cơ quan này là cấp ủy viên.
Trao đổi về ý kiến của Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Đàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay nếu trong trường hợp Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện thì nên có một đồng chí cấp ủy là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện, khi đó mối quan hệ giữa Mặt trận và các phòng, ban cấp huyện sẽ khác. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết thêm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành khảo sát nội dung công việc của Trưởng Ban Dân vận phải làm gì, Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện phải làm gì, hai vị trí này khác nhau bởi Dân vận là tham mưu cho Đảng về công tác lãnh đạo, còn MTTQ vận động, tổ chức thực hiện. Ở cấp xã nếu có 5 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy chắc chắn sẽ bố trí được cho vị trí của Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, nếu chỉ có 03 vị trí Thường vụ Đảng ủy thì không thể bố trí cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã được.
Song theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dù là “kiêm” hay “đồng thời” thì quan trọng nhất vẫn là chất lượng hoạt động của đồng chí được phân công giữ chức Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện.
Trao đổi thêm về nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho biết, việc triển khai thí điểm mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện đã thực hiện tại 17/21 huyện, thành, thị. Căn cứ Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại Thông tri 13-TT/TU, ngày 28/10/2019 của Tỉnh ủy về đại hội Đảng các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo: Đối với các địa phương thực hiện thí điểm mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UB MTTQ thì ngoài cơ cấu 01 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ có thể xem xét, cơ cấu 01 đồng chí cấp phó Ủy ban MTTQ cấp huyện tham gia cấp ủy cùng cấp. Việc thực hiện chủ trương này đã góp phần giảm đầu mối lãnh đạo, đồng thời rút ngắn thời gian và đảm bảo sự thống nhất toàn diện giữa chủ trương và triển khai tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của Mặt trận Tổ quốc cấp huyện.
Tới đây, Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo tổng kết mô hình này, đồng thời chờ chỉ đạo của Trung ương trong việc chỉ đạo Đại hội Đảng các cấp tỉnh sẽ nghiên cứu để có hướng dẫn thực hiện cụ thể hóa đối với những đơn vị thực hiện thí điểm mô hình, để làm sao đảm bảo tinh gọn bộ máy nhưng phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, phù hợp, sát với tình hình thực tiễn của địa phương.
Tại Diễn đàn lần này, một số ý kiến cũng đã kiến nghị đề xuất HĐND tỉnh quan tâm, xem xét nâng mức hỗ trợ cho Ban công tác Mặt trận có tính đến quy mô dân số và diện tích các khu dân cư, để đảm bảo kinh phí hoạt động tối thiểu của Ban công tác mặt trận khu dân cư, kinh phí đảm bảo cho hoạt động giám sát phản biện xã hội; đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sớm rà soát để sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn việc vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo”.
Trao đổi về nội dung kiến nghị liên quan đến việc xem xét nâng mức hỗ trợ cho Ban công tác Mặt trận có tính đến quy mô dân số và diện tích các khu dân cư, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ với nhiệm vụ của Ban Công tác mặt trận thôn, xóm là cầu nối tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; là nơi để người dân thực hiện vai trò giám sát, phản biện nên có rất nhiều việc phải làm và có vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, ở một số địa bàn khối, xóm, bản, sau sáp nhập có số lượng dân cư đông, địa bàn rộng do đó đề nghị Ủy ban MTTQ thực hiện rà soát tất cả các chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động và cán bộ của Mặt trận các cấp để đề nghị HĐND tỉnh xem xét phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng cân đối ngân sách địa phương.
Ngoài ra, tại Diễn đàn cũng có một số ý kiến đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quan tâm, sớm có văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng cấp xã; đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quan tâm xem xét kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung đối tượng được hỗ trợ sinh hoạt phí cho Ủy viên Ủy ban MTTQ cấp xã, phường, thị trấn không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.