Không việc làm, không thu nhập, cuộc sống khó khăn và không thể về quê là tình cảnh mà nhiều lao động Nghệ An tại Đà Nẵng đang trải qua giữa tâm dịch Covid-19.
 
Cảnh khó khăn
 
Anh Trần Khắc Lý (SN 1976, quê xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, Nghệ An) vào Đà Nẵng hơn 1 tháng để làm thợ hồ cho người cháu họ. Anh và 8 người cùng quê sống trong một lán nhỏ thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).
 
Sau 10 ngày anh làm việc, TP Đà Nẵng thực hiện lệnh cách ly xã hội để phòng dịch Covid-19.
 
“Từ hôm đó đến nay anh em chỉ quanh quẩn trong lán, cũng không dám đi đâu. Tiền công thì chưa được thanh toán nhưng chủ thầu là người trong họ nên cũng rất có trách nhiệm, lo cơm nước cho anh em chúng tôi đầy đủ. Trước mắt thì là vậy chứ nếu ăn không rồi nằm chơi hết ngày thế này thì chủ thầu cũng lấy tiền đâu mà trụ cho nổi”, anh Lý cho biết.
 
Khi thông tin dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng, vợ con lo lắng gọi điện thục giục anh Lý nhanh chóng về quê.
 
Bản thân anh cũng muốn về để đảm bảo sức khoẻ nhưng không thể về được. Hiện không có xe khách từ vùng dịch Covid-19 về Nghệ An.


 
Bữa cơm đạm bạc của lao động nghèo Nghệ An tại Đà Nẵng với trứng rán, cá khô kho mặn. Hôm nào có mạnh thường quân tài trợ họ sẽ có thêm một ít thức ăn tươi.
 
Dù khó khăn, anh Lý vẫn còn được chủ thầu lo cho chỗ ăn, chỗ nghỉ trong thời gian dừng việc. Nhưng với anh Ngọc (quê Kỳ Sơn, Nghệ An) thì hoàn cảnh bi đát hơn.
 
Vợ bỏ đi, anh Ngọc gửi 3 đứa con nhỏ ở nhà cho bố mẹ rồi vào Đà Nẵng làm thuê cho một công trình xây dựng từ hồi cuối tháng 6. Hết tháng làm việc đầu tiên, chưa nhận được tiền công thì có lệnh cách ly xã hội.
 
Ông chủ không liên lạc được, chủ thầu cũng đang cách ly nên nhóm của Ngọc không có việc làm.
 
Số tiền ít ỏi mang theo cũng dần cạn kiệt, anh Ngọc cùng 4 người khác quyết định “hồi hương”. Không có xe đò, cả nhóm hạ quyết tâm... đi bộ để về cùng một ít chai nước.
 
Xuất phát từ 8h ngày 14/8 ở Đà Nẵng, đi tắt qua rừng, qua quốc lộ, đến 20h cùng ngày, cả nhóm có mặt tại đèo Hải Vân (thuộc địa phận TP Đà Nẵng).


 
Số lao động Nghệ An đi bộ từ Đà Nẵng qua đèo Hải Vân để tìm đường về quê được các cơ quan chức năng áp tải quay lại Đà Nẵng (ảnh Đình Dũng).
 
Gặp chốt kiểm dịch ở đây, cả nhóm không có giấy tờ theo quy định nên bị giữ lại. Sau khi được cho ăn uống, nghỉ ngơi, sáng 15/8, 5 lao động này được “áp tải” trở lại Đà Nẵng.
 
“Chúng tôi không còn lương thực, không còn chỗ ở vì phòng trọ sau khi trả đã bị chủ nhà cho người khác thuê”, Ngọc cho biết.
 
Khi được đưa trở lại Đà Nẵng, nhóm của Ngọc được Hội Sông Lam tại Đà Nẵng giúp đỡ bố trí chỗ ở và lương thực cũng như các nhu yếu phẩm khác.
 

 
Sau khi đi bộ về quê bất thành, anh Ngọc và nhóm bạn của mình đã được hỗ trợ nơi ăn, chốn ở trong thời gian tại Đà Nẵng. Ông bố 3 con tha thiết sớm được về quê để đi làm, nuôi các con.
 
“Ở đây không có việc làm, không có thu nhập, chỉ quanh quẩn trong lán cũng sốt ruột lắm. Tôi mong được về quê, thực hiện cách ly rồi kiếm việc làm để lo cho các con nhưng không biết làm cách nào để về được”, ông bố của 3 đứa con tâm sự.
 
Trong thời gian qua, nhiều lao động nghèo, sinh viên nghèo quê Nghệ An, Hà Tĩnh đang sinh sống tại Đà Nẵng nhận được nhiều sự hỗ trợ thiết thực từ các thành viên Hội Sông Lam tại Đà Nẵng.
 
Thông qua Hội Sông Lam tại Đà Nẵng, các mạnh thường quân đóng góp nhu yếu phẩm nhưng lương thực, nước uống, thực phẩm... để kịp thời chuyển đến các lao động nghèo, giúp họ bám trụ được tại đây trong thời điểm dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp.


 
Theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 2.500 lao động, viên viên Nghệ An, Hà Tĩnh đang mắc kẹt tại Đà Nẵng có mong muốn sớm được trở về quê
 
Mong sớm được về quê
 
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Đình Nhàn - Phó Chủ tịch Hội Sông Lam tại Đà Nẵng - cho hay: “Quá trình tiếp cận với các lao động, sinh viên quê người Nghệ Tĩnh tại đây chúng tôi ghi nhận họ đều có mong muốn được sớm trở về quê hương. Theo danh sách chúng tôi mới cập nhật thì có tới gần 2.500 người lao động, sinh viên quê Nghệ An, Hà Tĩnh đang mắc kẹt tại Đà Nẵng và có nguyện vọng sớm được về quê nhà”.
 
Hội này vẫn đang tiếp tục thống kê số người Nghệ Tĩnh đang mắc kẹt tại đây cần hỗ trợ về nơi ăn, chốn ở, phương tiện về quê. Việc hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm trước mắt có thể giải quyết do có nhiều mạnh thường quân chung tay.
 
Riêng nguyện vọng sớm trở về của những người dân mắc kẹt ở tâm dịch vẫn chưa biết giải quyết ra sao.


 
Các thành viên Hội Sông Lam tại Đà Nẵng chuyển nhu yếu phẩm của các mạnh thường quân tới tận tay các lao động người Nghệ Tĩnh đang mắc kẹt tại đây.
 
Anh Nhàn thông tin thêm: “Theo tính toán của chúng tôi, mỗi chuyến xe 45 chỗ chỉ bố trí được 20 người để đảm bảo khoảng cách thì riêng chi phí xe cộ để đưa hết gần 2.500 người về quê cũng mất tầm trên 1 tỉ đồng. Ngoài ra, trong quá trình di chuyển từ vùng dịch trở về, phải đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch, trong đó riêng quần áo bảo hộ cũng mất 150 nghìn đồng/người"
 
Với kinh phí lớn thế này, Hội chưa thể triển khai được mà mong chính quyền hai tỉnh sớm có phương án để đưa người dân trở về, tổ chức cách ly cho người lao động.
 
Anh Nhàn cũng e ngại, nếu để họ trốn về sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh cho cộng đồng.
 
Trao đổi với PV, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh đã giao Sở LĐ-TB&XH làm việc với Đà Nẵng thống kê số lao động có nhu cầu về quê và đề nghị giúp đỡ.