Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ do gas sang chiết trái phép
Ngày 3/5, Đài Truyền hình Việt Nam phản ánh về một đường dây sang chiết gas trái phép ở Đồng Nai. Xâm nhập thực tế, phóng viên phát hiện các đối tượng có thể sang chiết vài trăm bình gas trong chưa đầy 1 tiếng. Trước đó, ngày 5/4, đường dây kinh doanh gas giả tại Quảng Bình cũng được phát hiện. Các vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ. Những vụ việc kinh doanh gas giả, sang chiết gas trái phép vẫn thường xuyên bị phát hiện dù các cơ quan chức năng đã ra quân xử lý.
Ngày 3/5, công ty TNHH gas Petrolimex Đà Nẵng (PGC Đà Nẵng) thông báo, hiện nay tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và TP Đà Nẵng xuất hiện tình trạng đại lý bán gas Petrolimex không phải do PGC sản xuất. Các đại lý này sử dụng tem chống giả, niêm màng co giả thương hiệu Petrolimex. Đội quản lý thị trường H.Bố Trạch (Quảng Bình) đã kiểm tra nhắc nhở một số điểm bán gas giả. Tuy nhiên, đến nay tình trạng gas giả Petrolimex vẫn xuất hiện tràn lan ở các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Bố Trạch…
Tại Quảng Trị, nhiều đại lý không đủ giấy tờ kinh doanh theo quy định và bán các bình gas mang thương hiệu Petrolimex nhưng không phải do PGC Đà Nẵng cung cấp.
Trước đó, ngày 27/3, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện và tạm giữ gần 1.200 bình gas và gas không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Trước nữa, ngày 23/3, Đội Quản lý thị trường số 2 đã niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa gồm 1.186 bình gas và gas không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu để làm rõ và xử lý theo quy định.
Nguy hại của sang chiết gas trái phép là gì? Gas giả có gây khí độc? ThS Trần Thắm, Trung tâm Phụ gia dầu mỏ, Viện Hóa học Công nghiệp cho biết: Bản thân gas trước khi được nạp vào bình cũng phải qua công đoạn hệ thống làm khô để loại bỏ hơi nước có trong đó mới có được gas tinh khiết. Người ta loại bỏ tạp chất có trong gas bằng cách đưa một số chất hấp thụ vào đó để hút sạch đi, tuy nhiên một số cơ sở thường bỏ qua một vài công đoạn nào đó dẫn đến chất lượng gas kém đi.
Nếu chất lượng gas không tốt do không được lọc hết các tạp chất hoặc bổ sung những tạp chất khác thì khi cháy, nó có thể giải phóng và tạo ra khí độc cho người đun nấu. Bình thường khi gas cháy, nó sẽ giải phóng thành CO2 và nước, tuy nhiên nếu gas chất lượng kém, một số chất sẽ không cháy hết hoặc khí cháy và giải phóng thành khí độc.
Ví dụ như nếu trong gas có nhiều khí H2S thì khi cháy sẽ tạo thành khí sunfat là một loại axit độc. Những khí này thường không có mùi, hoặc chỉ có mùi ngai ngái nhẹ nên rất khó phát hiện bằng cảm giác. Tuy nhiên, khí độc này có khả năng ăn mòn phá hủy kim loại, tác động xấu đến sức khỏe con người. Nhận biết gas nhiễm tạp chất không khó, biểu hiện dễ nhận thấy nhất là gas có khói màu đen, lửa không xanh, không đều…
Việc bếp có khói đen cũng có nhiều nguyên nhân như do bếp không cung cấp đủ oxy cho gas cháy hoặc trong gas có lẫn dầu từ máy bơm áp lực khi sang chiết gas. Gas chất lượng tốt là có lửa màu xanh và cháy đều, ngược lại, gas lẫn nhiều tạp chất thì sẽ có lửa màu vàng và có muội bám trên đồ nấu ăn. Khi bình gas bị gian lận bơm nước với số lượng nhiều nó sẽ không cháy được hoặc khó cháy, cháy không đều…
Nhận biết và sử dụng gas an toàn
Theo Petrolimex, thông thường với một vỏ bình đúng tiêu chuẩn sẽ có chữ khắc nổi của thương hiệu trên vỏ. Bên trong có chữ xác nhận, thân bình gas được dập bằng khuôn thép. Sau đó vỏ được đem đi kiểm định cũng như thử áp lực… rồi mới có thể chứa gas bán ra thị trường. Với một bình gas giả, chữ nổi phía trên vỏ bình gas của nhà sản xuất chính hãng sẽ được dập cho mất đi, thậm chí đốt, tháo van, thay đế, rồi hàn lại… để xóa mọi dấu vết của vỏ bình gas chính hãng, thay vào đó là tên của đơn vị khác.
Theo ThS Trần Thắm, người tiêu dùng cần cảnh giác trước các dấu hiệu lạ của sản phẩm như: bình gas nhẹ hơn bình thường, logo không rõ ràng, niêm chì, màng co không đồng bộ… Đề phòng sự cố cháy nổ, ngay khi bạn thấy có mùi gas trong khu vực bếp, lập tức khóa chặt van bình gas lại, mở tung cửa để giảm bớt nồng độ gas. Sau đó dùng quạt tay quạt bớt nồng độ gas.
Khu vực đặt bình gas nên thoáng, có cửa sổ để nếu sự cố xảy ra thì có thể xử lý được. Còn nếu để trong phòng kín mà gas trong bình bị rò rỉ, hơi gas sẽ lan truyền, đẩy ôxy ra ngoài hết, dễ gây ngạt. Hơn nữa trường hợp xảy ra hỏa hoạn, khí CO2 sinh ra trong phòng kín dễ làm cho nạn nhân ngạt thở trước khi chết vì cháy.
ThS Trần Thắm cho biết, nhiều người có thói quen sau khi nấu nướng xong không khóa van gas điều này khá nguy hiểm bởi khí luôn tràn trong dây dẫn, một thời gian dài hoặc qua một đêm dây dẫn bị chuột cắn, khí gas sẽ rò rỉ ra ngoài, gặp tia lửa điện sẽ gây hỏa hoạn khiến gia chủ không trở tay kịp. Ngoài ra, nên vệ sinh bếp và các thiết bị sử dụng gas thường xuyên. Nên thay bếp mới nếu bếp cũ bị rỉ sét, kém chất lượng. Thông thường nguyên nhân các vụ nổ khí gas xảy ra khi gas bị rò rỉ do vỏ bình thủng, van bị hở, dây dẫn bị chuột cắn...
Để tránh rò rỉ gas, khi chọn bình gas, nên chọn đại lý chính hãng, có tên tuổi. Bạn phải biết rõ cửa hàng gas nhà mình mua ở đâu, như thế nào, tránh trường hợp đó là sản phẩm của các cơ sở sang chiết lậu. Bằng cảm quan, bình phải còn nguyên vẹn, không móp méo, nước sơn còn tốt, không chóc, rỉ, rỗ. Khi đang thay bình gas, tuyệt đối không được sử dụng hoặc vận hành các thiết bị có thể phát sinh tia lửa điện gần đó như nổ xe máy, đánh bật lửa.
Theo Tô Hội - suckhoedoisong.vn