“Thợ hàn là tác nhân gây cháy nổ kinh khủng nhưng chưa ai cấp phép”
Nêu ý kiến về báo cáo của Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Bộ đã rà soát và thấy rằng, đúng là trong pháp luật hiện nay về phòng chống cháy nổ, sau thông tư, chưa có quy định về an toàn điện. Khái niệm an toàn điện rộng hơn là an toàn phòng chống cháy nổ vì còn liên quan đến cả an toàn điện giật.
Thứ hai là còn khiếm khuyết trong quy định cụ thể về kiểm soát hành vi sử dụng điện, Thông tư còn đang thiếu, còn phải xử lý về pháp luật liên quan đến bất khả xâm phạm chỗ ở, quy định xâm phạm gia cư… Bộ Công Thương đang đề xuất sửa đổi quy định như Bộ Công an đã nêu.
Ông An cho rằng, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn bất cập, đặc biệt là phần điện lực. Ngay cả thi công, thiết kế trong các công trình xây dựng công cộng cũng đã có cả tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng có bất cập.
“Có một số công trình có giấy phép, đặc biệt cơ sở kinh doanh có thẩm định thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, thẩm duyệt cả phương án phòng cháy chữa cháy nhưng những công trình dân doanh không cần xin giấy phép xây dựng thì ai thẩm duyệt, và thẩm duyệt rồi thì thi công, ai kiểm tra hoàn công? Kể cả những công trình công nghiệp làm rất kĩ, cơ quan phòng cháy chữa cháy kiểm tra, nghiệm thu vẫn có tình trạng bỏ qua, không báo cáo trước khi đưa vào sử dụng”, Thứ trưởng An nói và cho rằng, suy cho cùng là việc thực thi, chấp hành quy định pháp luật đang có vấn đề mặc dù phòng cháy chữa cháy là một trong những luật nghiêm ngặt nhất vì liên kết đến luật hình sự.
Đồng thời cho rằng, hành vi làm cháy là hành vi hình sự nhưng xử lý vẫn chưa nghiêm.
“Thậm chí những đội chuyên nghiệp nhất đến lúc hàn xì vẫn gây ra cháy nhà máy điện. Lực lượng thi công phòng cháy chữa cháy tòa nhà EVN1 cũng chính là lực lượng gây cháy tòa nhà. Đó là câu chuyện hành vi sử dụng, không chấp hành kỹ năng về an toàn. Như vậy ngay cả phần giám sát lúc thi công công trình cũng có lỗ hổng pháp luật. Phần liên quan đến an toàn điện trong Luật Xây dựng, cần suy nghĩ làm thế nào để đưa vào cuộc sống”, ông An nói.
Theo Thứ trưởng Công Thương, ngay trong 11 tập đoàn do Bộ Công Thương quản lý, năm vừa rồi vẫn xảy ra 160 vụ cháy, rõ ràng công tác quản lý còn chưa hiệu quả.
“Trong báo cáo của Bộ Công an nói rất đúng, phải bắt đầu ngay từ cơ sở. Chưa khi nào phương châm 4 tại chỗ về phòng cháy chữa cháy lại rõ hơn lúc này, nói rộng ra là sự nghiệp toàn dân. Ngành Công Thương rất lo lắng vì các lĩnh vực của ngành tiềm ẩn cháy nổ rất lớn, kể cả điện, hóa chất, xăng dầu, dầu khí, khai thác hầm mỏ, quá trình sơ chế khí methane… Hiện nay các đơn vị chấp hành tương đối nghiêm, cháy nổ đã giảm nhiều nhưng vẫn xảy ra chết 75 người, bị thương 52 người.
Cần siết chặt quy định về việc cấp giấy phép kinh doanh. Đối với loại hình kinh doanh dân doanh hiện nay, chúng ta đang cải cách hành chính nhưng câu chuyện liên quan đến phòng cháy chữa cháy thì cần xem xét. Thợ hàn hiện nay trong báo cáo của Bộ Công an là một nhóm sử dụng nguồn nhiệt không hợp lý. Thợ hàn là tác nhân gây cháy nổ kinh khủng, các quán karaoke cháy cũng là do thợ hàn. Nhưng hiện nay chưa ai cấp phép cho thợ hàn, kiểm tra máy của thợ hàn cũng chưa có”, ông An cho hay.
Tại sao các sự cố về cháy nổ vẫn đang xảy ra?
Đây là câu hỏi của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nêu ra khi đề cập vấn đề hệ thống pháp luật để kiểm soát và quy định về quy chuẩn đã có đầy đủ.
Thứ trưởng Hùng cho biết, đối với phòng cháy, chữa cháy cho karaoke và vũ trường, Bộ Công an từ năm 2015 đã ban hành thông tư riêng và sửa đổi năm 2020 như một tiêu chuẩn riêng về phòng cháy, chữa cháy cho karaoke và vũ trường.
Trong đó quy định rất cụ thể về khoảng cách an toàn của cơ sở karaoke đối với công trình lân cận, quy định về chịu lực của nhà và kết cấu chịu lực, quy định tướng vách ngăn cháy, quy định về chống cháy lan, quy định về lối thoát nạn, ít nhất phải có 2 lối thoát nạn, quy định về hệ thống âm thanh, quy định về vật tư trang trí, nội thất, quy định về biển quảng cáo không được che khuất toàn bộ mặt tiền để chặn các lối thoát hiểm…
Cơ chế kiểm soát phòng cháy, chữa cháy, theo quy định hiện nay có 3 bước nhưng vẫn có nhiều bất cập khi phần lớn quán karaoke, vũ trường chủ yếu chuyển đổi từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh nên nhiều cơ sở không đạt tiêu chuẩn, ví dụ như quy định về hai lối thoát nạn rất khó thực hiện với nhà ở riêng lẻ.
Trong khi đó, khi xin cấp phép, họ xin xây dựng nhà ở riêng lẻ chứ không xin cấp phép để kinh doanh karaoke, nhưng họ lại cải tạo, sửa chữa sang kinh doanh karaoke nhưng cũng không xin phép nên bước đầu tiên rất dễ bị bỏ qua. Rồi ý thức của chủ sở hữu, vận hành không có các kỹ năng hướng dẫn, nhân viên thì không có các kỹ năng về chống cháy nổ, thoát hiểm… nên khi xảy ra sự cố thì rất khó xử lý.
Ông Hùng cho rằng, cần phải kiểm soát chặt các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng như các quy định về kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà ở chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh. Đối với những đối tượng tồn tại trước năm 2000, cần phải có những nghiên cứu để quy định cho linh hoạt, khả thi.