Tôi biết anh Vũ Duy Thông hơi muộn, quãng năm 1992, 1993 trên quan hệ công tác là chính. Nhưng gặp một lần rồi quý ngay vì anh có sức hấp dẫn kỳ lạ. Hấp dẫn về phong thái cứ nhẹ nhàng, nói và đi cũng nhẹ thênh ngay cả lúc vội vàng hay lúc diễn đạt những điều to tát. Hấp dẫn nhất là lúc anh đọc thơ. Thơ anh cũng nhẹ như đời anh, tiếng lòng da diết thủ thỉ nhưng rất đời, ít có những tuyên ngôn to tát kể cả khi anh nói về những điều lớn lao. Tôi nhớ khi anh làm Vụ trưởng Vụ báo chí- xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, còn chúng tôi là lính tráng bên Bộ Công an do có phối hợp nên thỉnh thoảng có được giao ban cùng với các anh. Mỗi lần bên chúng tôi báo cáo một số thông tin, anh Vũ Duy Thông nghe chăm chú, ghi chép cẩn thận và hỏi đi hỏi lại rất kỹ về nguồn thông tin, về quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an, kể cả ý kiến cá nhân của người lính trực tiếp như chúng tôi. Càng thấy anh trân trọng, đánh giá cao những “mẩu tin” mà anh biết chắc khi đến được với buổi giao ban thì đã được thu thập từ biết bao công sức của nhiều người, được sàng lọc kỹ càng và có độ tin cậy rất cao, bổ sung một kênh thông tin giúp cho lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá sát, đúng tình hình. Thái độ tin cậy, trân quý của anh khiến chúng tôi càng có trách nhiệm hơn với những công việc thầm lặng của mình.

t-1698330936.jpg
Nhà thơ Vũ Duy Thông

Những năm sau này khi đã “gần chùa gọi bụt bằng anh”, gần gũi với anh nhiều hơn, nhất là trong đời thường và những lần sinh hoạt văn chương, tôi càng yêu quý anh hơn. Ai được nghe anh đọc những bài thơ do anh sáng tác, cảm giác như được anh dẫn lối lên thánh đường của tiếng lòng yêu thương và du dương của nhạc điệu từ giọng đọc trầm ấm, cái miệng dẻo quẹo, đôi mắt lim dim, người như bềnh bồng của anh... trong cõi bạn. Lúc ấy, lũ đàn em chúng tôi ngồi lặng phắc như bị anh thôi miên và thấy cuộc đời này thật là đáng sống làm sao. Tôi thích nhất hai bài thơ mà nếu gặp anh trong cuộc hội ngộ nhóm nhỏ nào, tôi cũng luôn đề nghị anh đọc, đề nghị riết róng tranh phần người khác, đó là bài “Bạn ở quê ra” và “Cô tôi”, nhất là bài thơ ghi khoảnh khắc về người bạn rất thật như ghi nhật ký ngoài đời vậy. Anh nể tôi nên đã đọc, giọng anh cất lên thương lắm, câu thơ ẩm ướt như có nước: “ Quê ra bạn vẫn quần áo vá/ Trẻ con hàng xóm ngỡ ăn mày/ Xúm xít cầu thang đứng nghiêng ngó/ Bác Thông có khách đến là hay/ Chào bác đi con đây bạn bố/ Một thời cùng học ở Vĩnh Yên/ Mùa hạ tắm ao đông đắp chiếu/ Thắp đèn dầu cơm chan canh tương/ Mở bị ra bạn cho quà Tết/ Một đấu gạo nếp ca đậu xanh/ Tiền công chăn vịt người ta gán/ Đã mấy tháng nay vẫn để dành/ Biết cậu ở xa không về được/ Mộ các cụ mình qua thắp hương/ Dân quê có mấy ai sung sướng/ Mình lại con đông cực đủ đường....”. Hình như là cuối bài thơ anh nói về dấu chân bùn đất của người bạn nông dân còn vương lại thị thành như một lời nhắc nhở buồn mà sâu lắng, day dứt không nguôi :“Biết chẳng cùng nhau giao thừa được/ Rượu đây ta tết trước người ta/ Bạn về để dấu chân bùn đất/ Rời mặt sàn êm tới quê nhà”. Quê tôi ở xứ Nghệ, mỗi lần tôi về quê hay đón bạn cũ đến thăm mình, tôi thường nhớ tới bài thơ này của anh để nhắc mình, để không vì vô ý mà có thể làm tổn thương bạn bè thơ ấu.

Sau khi nghỉ hưu rời chức Vụ trưởng Vụ báo chí- xuất bản nhận lời mời của Trung tướng nhà văn Hữu Ước, Tổng biên tập báo Công an nhân dân, anh nhận lời về làm cố vấn cho báo. Chúng tôi càng gần gũi anh nhiều hơn, càng tôn trọng, yêu quý anh bởi sự lao động nghiêm túc và cách sống giản dị, thân tình, ấm áp với mọi người. Thời điểm này Anh cùng với Thiếu tướng, nhà thơ Khổng Minh Dụ, nguyên Cục trưởng Cục bảo vệ An ninh văn hóa tư tưởng Bộ Công an trở thành cặp bài trùng với nhiều ý kiến tư vấn sắc sảo đã giúp cho báo Công an nhân dân và chuyên đề An ninh Thế giới, Văn nghệ Công an phát triển đúng định hướng, có bản sắc được đông đảo bạn đọc mến mộ. Chúng tôi luôn coi các anh là những người Anh lớn để được gần gũi, đắc đạo. Những ngày cùng làm việc với nhà thơ Vũ Duy Thông tại trụ sở của báo ở 66 phố Thợ Nhuộm, Hà Nội tôi càng nhận ra bản tính hồn nhiên, trong trẻo của anh. Có lúc tôi nghĩ với tâm tính ấy, phải chăng anh đã định hướng, quản lý báo chí cả nước bằng lòng tốt, bằng sự tâm tình, thẳng thắn, bàn thảo với các đồng nghiệp để tìm ra tiếng nói chung, đồng hành vì sự nghiệp cao cả của Đảng. Đối với anh bằng tri thức sâu rộng của một nhà báo chiến sỹ, bằng tấm lòng nhân văn của một nhà thơ tài hoa, anh đã góp phần quan trọng để thuyết phục, tập hợp được cả một đội ngũ lãnh đạo các nhà báo có tên tuổi thời bấy giờ thành một hợp ca, vừa là bạn bè, vừa là đồng chí để dấn thân cùng cây bút và trang báo.

Sau này, khi anh nghỉ hẳn ở vai trò Tổng biên tập báo Điện tử Tầm nhìn (Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam), tôi lại có một niềm vui lớn là được mời anh cộng tác với tờ Tạp chí Công an nhân dân và chuyên để Nghiên cứu lịch sử Công an do tôi làm Tổng biên tập. Khi đặt bài anh viết lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm vì bài sẽ hoàn thành đúng thời gian với giọng văn mềm mại và dẻo thơm như xôi nếp. Kỳ lạ là anh viết bài nào cũng hay, vấn đề càng khó, càng nhạy cảm, anh viết càng hay cứ như một cuộc thách đố mà phần thắng luôn thuộc về anh. Những năm gần đây, có những đề tài khó cần cách xử lý của người có tầm như anh, khi nghe chúng tôi gọi điện đặt bài, anh bảo dạo này sức khỏe “ọp ẹp” lắm, sợ viết không đảm bảo yêu cầu của tạp chí, nhưng khi nghe chúng tôi vật nài, đầu dây điện thoại bên kia im lặng một lúc rồi giọng anh rành rọt “Thôi được, bao nhiêu chữ, bao giờ cần?”. Chúng tôi nghe và thở phào vì biết chắc chắn rằng, trang báo ký tên nhà thơ Vũ Duy Thông, nguyên Vụ trưởng Vụ báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương... sẽ được bạn đọc mọi miền chào đón!

tt-1698330959.jpg
"Bầy còng tập viết" - một trong những bài thơ tài hoa của nhà thơ Vũ Duy Thông được đưa vào giảng dạy cho học sinh phổ thông

Giờ thì anh Vũ Duy Thông ơi, anh đã xa rồi, nhưng chữ nghĩa anh còn để lại, để lại một tâm thế sống nặng tình mà trong trẻo, tưởng vô vi mà day dứt phận người. Một khối lượng đồ sộ tác phẩm của anh để lại cho bạn đọc, cho cuộc đời đã minh chứng sự tận hiến, thái độ sống của anh. Vì thế, mà thật vui, với Anh con chữ sẽ sống dài lâu với cuộc sống cần lao này.

Sáng nay đến tiễn biệt Anh, vĩnh biệt nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông, anh ra đi cũng nhẹ thênh như câu thơ của anh định sẵn:

Tôi sẽ ra đi

như tờ lịch trên tường

Như dòng sông tan mình vào biển

Như quả chín tới tận cùng sự chín

Hạt vùi trong đất đợi mùa sau...