12-1721266841.PNG
Nhà thơ Quang Huy và vợ.

Ngoài tài thơ, Quang Huy còn là cây bút viết truyện thiếu nhi xuất sắc như Hoa Xuân Tứ, (1968); Mùa lũ (1970); Chuyện xóm Lên (1976); Ngôi nhà trống (1975); Ở một vùng bãi sông (1983); Bến sông; Thuyền trưởng thuyền số 6…

Với bản chất thông minh, sắc sảo, tính nghịch ngợm, lại ăn nói mặn mà, có duyên nên Quang Huy không chỉ được phái đẹp mê mà phái mày râu cũng thích khi được làm bạn hoặc được tiếp kiến anh. Tôi có 4 năm (từ 1976 đến 1980) cùng tổ sáng tác với nhà thơ Quang Huy ở Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, được nghe bạn bè kể khá nhiều giai thoại về anh, nhất là những chuyện mà chị Mai Sương – vợ anh, kể về người chồng ương bướng, nghịch ngợm của mình.

Có lần chị Mai Sương kể: hồi dạy học ở Yên Thành, chị Mai Sương thuộc diện học trò yêu của thầy Quang Huy. Mỗi lần thầy Quang Huy đến chơi nhà thường được ông cụ (bố chị Sương) rủ đánh cờ tướng. Mỗi cuộc cờ như thế thường là 3 ván, cuộc nào chàng rể tương lai Quang Huy cũng không hề nương tay cho bố người yêu gỡ gạc ván nào. Không ít lần chị Mai Sương nháy mắt, thậm chí bấu véo vào vai người yêu hàm ý nhường bố một nước, nhưng Quang Huy nhất quyết không, lại còn bảo chuyện nào ra chuyện ấy. Thật là hết nước chấm với chàng con rể “giời đánh”!

Năm 1980, nhà thơ Quang Huy mới chuyển công tác ra Hà Nội làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Vân Hồ. Trước đó, mỗi lần nghỉ phép hoặc đi họp hành ở Hà Nội, bà cụ thân sinh Quang Huy thường hỏi anh đã được vào Đảng chưa? Quang Huy trả lơì mẹ là chưa! “Mẹ cứ yên tâm đi, ở Nghệ An chỉ cần là đoàn viên thanh niên hoặc đoàn viên công đoàn thôi cũng tương đương với đảng viên ngoài này rồi mẹ ạ!” Mãi cho đến năm 1986, Quang Huy mới vào Đảng, anh bảo “mới 50, trẻ hơn ông Bành nhiều”. Có lần, Quang Huy cùng một số nhà thơ từ Hà Nội về dự sinh hoạt với văn nghệ sĩ Hội Văn nghệ Hà Bắc (cũ). Tối ấy, đoàn được mời đi xem vở “Ỷ Lan nhiếp chính” do Đoàn Văn công của Tổng cục Hậu cần diễn.

Do hội trường quá ồn ào, lại nóng bức nên mọi người bàn mưu tính kế chuồn về khách sạn. Nhưng giải thích, phân trần cách gì thì các chú bảo vệ cũng kiên quyết không cho một ai thoát ra ngoài. Trong khi các nhà thơ đang lúng túng không biết làm cách nào để thuyết phục được họ thì Quang Huy nhanh trí nói: “Khổ quá. Chúng tôi tưởng đoàn chèo Hà Bắc diễn thì mới háo hức đi xem, đến đây mới biết là đoàn Tổng cục Hậu cần. Đoàn Hậu cần thì bằng thế quái nào đoàn Hà Bắc được”. Mấy chú bảo vệ nghe ca ngợi đến đoàn Hà Bắc thấy hởi lòng hởi dạ, bèn hé cửa cho các nhà thơ lần lượt thoát nạn!

Chuyện về nhà thơ Quang Huy vẫn còn nhiều, chúng tôi sẽ tiếp tục kể phục vụ quý bạn đọc vào những kì tiếp theo.