a-1667442822.jpeg
Đền Khai Long ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh Nghệ An

Lý lịch đền Khai Long ở xã Tân Sơn  

Theo lý lịch đền Khai Long ở xã Tân Sơn mà cơ quan chức năng cung cấp thì: đền Khai Long được xây dựng thời Lê Trung Hưng (1533 - 1788). Ban đầu đền được xây dựng tại rú Cẩm Thượng, nay là xóm 4, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An), gồm 1 tòa 3 gian lợp bằng tranh.

Cuối thời Lê Trung Hưng, đền được di dời từ rú Cấm Thượng về cánh đồng Bội, nay thuộc xóm 6, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) giữ nguyên một tòa lợp tranh như trước.

Thời Nguyễn do đền linh thiêng quá khiến dân kiếp sợ, hễ người và vật trong làng vô tình mạo phạm đến thần đều bị quở phạt, nên các cụ cao niên trong làng đã nhờ thầy địa lý lấy lại hướng đền và xây dựng lại với quy mô to lớn hơn gồm 3 tòa kiến trúc: Hạ điện, Trung điện và Thượng điện. 

Năm 1976, theo chủ trương của chính quyền địa phương các đình đền, chùa được di chuyển lên vùng đồi, núi để lấy đất sản xuất, di tích bị phá dỡ, tất cả các đồ thờ tự của các đình, đền, chùa trong làng được tập trung về nhà kho của xã, một thời gian sau đã bị hư hỏng, mất mát hiện nay không còn. 

Năm 2014, chính quyền và nhân dân xã Tân Sơn đã nhất tâm công đức để phục hồi lại di tích với quy mô kiến trúc gồm 3 tòa: Hạ điện, Trung điện và Thượng điện.

Ngày 15/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Đường đã ký Quyết định số 6389/QĐ.UBND xếp hạng Đền Khai Long ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương là Di tích Lịch sử cấp tỉnh. 

b-1667442857.jpeg

Cũng theo thông tin trong lý lịch đền này ghi thì: Theo sách “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Sơn”, bài văn cúng lưu tại di tích và truyền ngôn của nhân dân xã Tân Sơn cho biết: Đền Khai Long được nhân dân xây dựng nên để thờ thần Khai Long Sứ quân Ngô Xương Xí.

Trong thời gian sứ quân Ngô Xương Xí trấn giữ Bình Kiều (Thiệu Sơn, Thanh Hóa) ông thường xuyên qua lại vùng Châu Hoan (tức vùng Nghệ An) để tuyển mộ thêm binh lính. Đi đến đâu ông cũng giúp đỡ và bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân nên ông được nhân dân Châu Hoan tin yêu, mến phục. 

Vùng Tân Sơn ngày nay (cách căn cứ Bình Kiều khoảng 140km về phía Nam) cũng chính là căn cứ luyện tập binh mã và tích trữ lương thực của sứ quân Ngô Xương Xí. Nhân dân nơi đây xem Ngô Xương Xí là một vị vua, vị sứ giả thường đi tuần du khắp nơi trên vùng đất châu Hoan để bảo vệ cuộc sống cho nhân dân nơi đây. 

Chính vì vậy, nhân dân nhớ ơn và lập đền thờ phụng. Điều này được thể hiện trong nội dung bài văn cúng tại đền như sau: “Thánh thượng lược thặng đại phu tuần du sứ giả Khai Long sứ quân hiển ứng chiêu linh, lịch triều sắc tặng tôn chư mỹ tự Thượng, Thượng đặng tối linh đại vương”. 

Sự xuất hiện của ngôi đền thờ Ngô Xương Xí ở đất Hoan Châu khẳng định tầm ảnh hưởng rộng lớn của sứ quân Ngô Xương Xí trên vùng đất châu Ái, châu Hoan, (tức Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay). 

Đền Khai Long là một ngôi đền rất linh thiêng, vị thần Ngô Xương Xí đã nhiều lần linh ứng “bảo quốc hộ dân” nên được các triều đại phong kiến nhiều lần ban cấp sắc phong và phong cho thần 2 chữ thượng: “Khai Long sứ quân hiển ứng chiêu linh, lịch triều phong tặng chư tôn mỹ tự Thượng, Thượng đẳng tối linh đại vương”.

Còn nhiều băn khoăn?

Tuy nhiên mới đây có thông tin cho rằng việc lý lịch đền Khai Long ở xã Tân Sơn mà cơ quan chức năng tìm hiểu, kết luận là ghi theo sách “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Sơn”, bài văn cúng lưu tại di tích và truyền ngôn của nhân dân xã Tân Sơn. Với cơ sở này để khẳng định đền Khai Long là thờ thần Khai Long Sứ quân Ngô Xương Xí liệu có chính xác?

Đem băn khoăn này, PV có mặt thực tế tại đền Khai Long ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương để gặp cụ từ đền này là cụ Đào Công Nghi (83 tuổi, hiện đang trông coi, bảo vệ đền Khai Long ở xã Tân Sơn).

Về việc đền Khai Long ở xã Tân Sơn thờ ai, cụ từ Đào Công Nghi cho biết lâu nay người dân địa phương chỉ nghe và biết là đền thờ Ngô Xương Xí? Hỏi cơ sở nào để khẳng định điều này, cụ Đào Công Nghi trả lời những thông tin này cũng được truyền ngôn lại từ các cụ cao tuổi ở địa phương như: Cụ Nguyễn Trọng Biên ở xóm 1, xã Tân Sơn (mất chưa được 1 năm, thọ 95 tuổi), cụ Đào Công Thận ở xóm 2, xã Tân Sơn (mất năm 2020, thọ 96 tuổi).

Cũng theo cụ Đào Công Nghi thì tháng 2/2014 đền Khai Long được phục dựng, đến cuối năm 2014 thì khánh thành. Trước khi phục dựng thì phần toà Thượng điện chỉ có một ít đá, gạch cũ chất lại… Sau đó, đền được phục dựng lại với 3 toà như hiện nay.

Hỏi hiện còn lưu giữ những gì của đền Khai Long (xã Tân Sơn), cụ Đào Công Nghi nói: Hiện 3 toà cũ của đền Khai Long được bán đi 3 nơi: Toà Bái đường được bán về cho một nhà dân ở xóm 1, xã Tân Sơn; Toà Thượng đường bán về xóm 6, xã Tân Sơn, còn toà Trung đường bán về xã Thịnh Thành (huyện Yên Thành).  

“Nghe các cụ kể lại là trước khi phục dựng đền có một cái hộp gỗ, không có nắp, phía trong không có gì. Hiện hộp gỗ này cũng không còn. Tại đền hiện còn một bộ phận của kiệu rước ránh (vai trên). Toà Bái đường được bán về xóm 1 khi xem vẫn có chữ mờ, mất nét nên cũng không rõ ghi thông tin gì”, cụ Nghi nói.

Trao đổi với PV, ông Trần Như Ý, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn (huyện Đô Lương) cũng cho biết, đền Khai Long ở xã Tân Sơn là thờ Ngô Xương Xí. Nhưng ông Ý cũng thừa nhận thông tin này cũng là ý kiến của các cụ cao tuổi nhất trong xã nhận định. Còn sắc phong để khẳng định chính xác là đền Khai Long ở xã Tân Sơn thờ Ngô Xương Xí là không có?

c-1667442893.jpeg
Cụ từ đền Khai Long xã Tân Sơn Đào Công Nghi cho rằng: “Đúng sự thật lịch sử thì cơ quan chức năng liên quan cần tổ chức hội thảo mời các nhà khoa học để nghiên cứu làm rõ”

Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An cần vào cuộc

Trả lời câu hỏi đền Khai Long ở xã Trung Sơn và xã Tân Sơn có liên quan gì, cụ từ Đào Công Nghi cho rằng 2 đền này có liên quan đến nhau. Trước đây các cụ cao tuổi như cụ: Nguyễn Trọng Biên và Đào Công Thận cũng khẳng định như vậy?

Cũng theo cụ Nghi thì theo truyền ngôn thì đền Khai Long ở xã Trung Sơn có trước đền Khai Long ở xã Tân Sơn. Tuy nhiên do đền Khai Long ở xã Tân Sơn được phục dựng trước nên được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh trước.

Tuy nhiên trao đổi băn khoăn về việc: đền Khai Long ở xã Trung Sơn hiện vẫn chưa phận định được là thờ ai? Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan? Vậy liệu đền Khai Long ở xã Tân Sơn thờ Ngô Xương Xí liệu có đúng? 

Cụ Đào Công Nghi trả lời thông tin này người dân cũng mới nghe. Nhưng để cho đúng sự thật lịch sử thì cơ quan chức năng liên quan cần tổ chức Hội thảo mời các nhà khoa học để nghiên cứu làm rõ.

Chủ tịch UBND xã Tân Sơn Trần Như Ý cũng đồng ý quan điểm của cụ Nghi và đề Nghị Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An vào cuộc.

Trước đó Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển cũng đã có 3 bài viết: “Chuyện lạ kỳ: Đền Khai Long ở Nghệ An thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan?; Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An lên tiếng vụ chuyện lạ đền Khai Long thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan? và “Vụ Đền Khai Long thờ ai: Ý kiến trái chiều gửi Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An” phản ánh: Khai Long - ngôi đền có tuổi đời hàng trăm năm ở thôn Đông Bích, xã Trung Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) được người dân tôn kính gọi là ngôi đền “thiêng”. Đền xuống cấp nghiêm trọng nên mới đây, từ nguồn xã hội hoá của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… chính quyền xã Trung Sơn đã làm lễ khởi công phục dựng ngôi thượng điện đền Khai Long. Tuy nhiên cũng từ sự kiện này mà nảy sinh một băn khoăn cần được làm rõ: Đó là đền Khai Long thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan? 

Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin./.