1-1654176096.jpg
Đền Khai Long xuống cấp trước khi chưa phục dựng

Ngôi đền “thiêng” Khai Long!

Đền Khai Long là một di tích lịch sử văn hóa nằm ở xã Trung Sơn. Đây là một quần thể công trình văn hóa tâm linh nổi tiếng của nhân dân Đô Lương. Hỏi về “tuổi đời” của đền, các bậc cao niên ở địa phương không ai rõ đền Khai Long có từ bao giờ? Nhưng theo các cụ thì “đền thiêng” có tuổi đời phải đến hàng trăm năm.

Xưa vùng đất nơi ngôi đền tọa lạc xưa kia rất thiêng liêng. Bởi theo truyền thuyết, vào một đêm trăng thanh vắng, tự nhiên xuất hiện một con rồng trắng dài hàng chục mét uốn lượn trên đỉnh ngọn núi, từ miệng rồng phát ra một luồng ánh sáng nhiều màu sắc làm sáng rực cả bầu trời, rồi sau đó rồng biến mất.

Và một điều kỳ lạ đã xảy ra, vùng đất nơi con rồng xuất hiện trước đó vốn khô cằn sỏi đá, đồi núi trơ trọi, không một bóng người sinh sống. Nhưng sau khi con rồng xuất hiện, vùng đất này trở lên phì nhiêu, màu mỡ, từ ngọn núi nhiều gỗ quý như lim, nghiến, gụ mật, trắc, sến… mọc lên dày đặc. Kỳ lạ hơn, vùng đất này sau đó xuất hiện nhiều mạch nước trong vắt phun thẳng đứng lên mặt đất, quanh năm không bao giờ ngừng chảy...

2-1654176118.jpg

Sự xuất hiện của con rồng cùng những điều kỳ lạ khiến người dân cho rằng đây là vùng đất thiêng, được thần linh ban lộc nên họ kéo nhau đến đây xây dựng nhà cửa làm ăn sinh sống ngày càng đông đúc và chẳng bao lâu cuộc sống của họ trở lên giàu có. Để tạ ơn thần linh, họ tiến hành góp công góp của xây ngôi đền để người dân tới thắp hương cầu xin điều may mắn.

Đền Khai Long có đầy đủ Thượng viện, Trung viện và Hạ viện. Thượng viện đặt bàn thờ bài vị, bình hương để người dân đến thắp hương cầu nguyện. Trung viện đặt lọng, gươm, đao, giáo, mác, có long bào, đồ đồng, gốm, sứ quý. Hạ viện là hai con ngựa đá trắng đứng chầu. Cổng Tam quan có binh lính tháp tùng rất uy phong, lộng lẫy…

Trải qua thời gian đến nay đền đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng có một điều kỳ lạ là hầu hết người dân nơi đây đều tin rằng đền Khai Long rất linh thiêng. Bởi theo họ có nhiều sự việc hết sức kỳ lạ liên quan đến ngôi đền khiến người dân không thể giải thích nổi.

Lễ hội lớn nhất của đền Khai Long diễn ra từ ngày 7 đến 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đền Khai Long trước đây diễn ra 5 dịp lễ chính trong năm: Lễ Nguyên Đán (mùng 1 Tết), Lễ Khai Hạ (mùng 7 Tháng Giêng), Lễ Thường Tân (ăn cơm mới, 20/5 âm lịch), Lễ Trạp Nghè (Hạ Nguyên, Rằm tháng Bảy), Lễ Thượng Niên.

“Đền Khai Long rất được người dân tôn kính. Vào ngày rằm, ngày lễ không chỉ người trong làng mà người dân ở nhiều nơi cũng đến tham quan, cầu xin điều may mắn”, một người dân chia sẻ.

3-1654176138.jpg
Dự lễ khởi công có sự hiện diện của lãnh đạo sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An, lãnh đạo huyện Đô Lương và xã Trung Sơn

Ngày 3/1/2022, từ nguồn xã hội hoá chính quyền xã Trung Sơn đã long trọng tổ chức lễ khởi công phục dựng ngôi Thượng Điện đền Khai Long. Trong đó Hội đồng Họ Ngô Việt Nam cam kết tham gia đóng góp 50% kính phí theo hướng họ Ngô chịu trách nhiệm trực tiếp thi công phần gỗ, địa phương thi công phần nề.

Tới dự buổi lễ có sự hiện diện của lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Nghệ An, lãnh đạo huyện Đô Lương và xã Trung Sơn cùng đông đảo nhân dân xã này.

Đền thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan?

Tuy nhiên sau sự kiện lễ khởi công phục dựng ngôi Thượng Điện đền Khai Long thì có một chuyện khá bất ngờ nếu không nói là lạ: đó là đền Khai Long thờ ai? Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan? Đồng Vị hay một ông là chính, một ông là phối thờ? Hiện câu trả lời cho những dấu hỏi này vẫn đang còn rất nhiều chiều!

Theo trang web Họ Ngô Việt Nam (ngotoc.vn) thì đền Khai Long thờ Sứ quân Ngô Xương Xí. Cũng đồng nhất thông tin này, web vi.wikipedia.org ghi: Tương truyền, đền Khai Long thờ tướng Thập nhị sứ quân Ngô Xương Xí, cháu trai của Ngô Quyền, được phong Thượng Thượng Đẳng - Tối Linh Đại Vương. Lúc bấy giờ Ngô Xương Xí trấn giữ vùng Bình Kiều nên còn được gọi là Sứ quân Bình Kiều. Sau thời biến loạn, Sứ quân Bình Kiều quy thuận Đinh Bộ Lĩnh, góp phần giúp Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) dẹp “loạn 12 sứ quân”, tiếp tục giữ vững nền độc lập.

4-1654176173.jpg
Hình ảnh đền Khai Long đang được phục dựng
5-1654176186.jpg
Hình ảnh đền Khai Long đã được phục dựng

Trái với thông tin trên thì mới đây người dân phát hiện một sự thật khác mà chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng. Đó là cách nay nhiều năm do đền Khai Long xuống cấp nên nhiều “vật dụng quý” đã được đem đi “ở nhờ”. Cụ thể có rất nhiều Sắc Phong của đền Khai Long được đem đi gửi ở đền Linh Kiếm ở làng Thuận Lý (xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương).

Nội dung một số Sắc Phong ghi: Sắc ban cho vị thần nguyên là Binh bộ Thượng thư Thái Phó Tấn phủ quân, tên thuỵ là Khiêm Cẩn (Tức là ông Nguyễn Cảnh Hoan, là tướng nhà Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam) đã có công hộ quốc giúp dân, rất linh ứng. Nghĩa là theo người dân thì chiếu theo nội dung Sắc Phong này thì đền Khai Long thờ Nguyễn Cảnh Hoan?

6-1654176229.jpg
Sắc phong của đền Khai Long có ghi: Sắc ban cho vị thần nguyên là Binh bộ

Trước những băn khoăn trái chiều trên phóng viên đã làm việc với ông Đoàn Văn Linh - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn. Ông Linh thừa nhận chính quyền mới đây đã làm lễ khởi công phục dựng ngôi Thượng Điện đền Khai Long. Kinh phí dự kiến hơn 1 tỷ đồng lấy từ nguồn xã hội hoá, trong đó phần lớn là của dòng Họ Ngô Việt Nam và của một số nhà hảo tâm của dòng họ khác.

Chủ tịch UBND xã Trung Sơn Đoàn Văn Linh cũng cho biết sau lễ khởi công thì xã cũng cũng nhận được những thông tin băn khoăn về việc đền Khai Long thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan?  Về câu trả lời ông Linh cho rằng đền Khai Long thờ cả hai ông nhưng không khẳng định ông nào là chính ông nào là phối thờ?

Vì thế theo ông Đoàn Văn Linh thì hiện tại xã vẫn tiến hành phục dựng còn đến khi xong sẽ đề nghị Sở Văn hoá - Thể thao vào cuộc để làm rõ đền Khai Long thờ ai? Đồng vị hay ai chính, ai phối thờ?

Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin./.