Người có cơ địa dị ứng phải khám sàng lọc kỹ và phải được tiêm vaccine Covid-19 ở cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Người cơ địa dị ứng có được tiêm vaccine Covid-19?
Tiêm phòng vaccine Covid-19

Chỉ tiêm tại cơ sở y tế đủ điều kiện hồi sức cấp cứu

Vốn dị ứng cơ địa, suốt 1 năm qua, chị Nguyễn Thúy Phương (Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên phải dùng thuốc chống dị ứng. Cứ ngày nào dừng thuốc là khắp người mẩn ngứa, khó chịu vô cùng. Cũng theo chị Phương, vì công việc hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều khách hàng, nên dù phòng bị kỹ càng khẩu trang, tấm chắn nhưng chị Phương vẫn không hết lo lắng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Dù mong muốn được tiêm vaccine phòng Covid-19, nhưng chị Phương cho hay: “Mình lo lắng nhất là các phản ứng phụ, sốc phản vệ sau khi tiêm vì mình mang cơ địa dị ứng”. Giống với chị Phương, có rất nhiều người bị dị ứng hải sản, dị ứng thuốc, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng… cùng chung băn khoăn.

Chia sẻ về điều này, PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết: “Đối với người bị dị ứng với hải sản, cơ địa hay viêm mũi dị ứng có thể tiêm được vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, người có cơ địa dị ứng phải khám sàng lọc kỹ và phải được tiêm vaccine ở bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu”.

Tuy nhiên, ông Cơ đặc biệt lưu ý, với người có cơ địa bị dị ứng với nhiều loại thuốc như Amoxilin, Biseptol, Cibro, Paracetamol... nên cân nhắc trì hoãn tiêm vaccine; Nếu tiêm cần được khám sàng lọc và tiêm chủng tại các cơ sở y tế chuyên khoa có đủ điều kiện xử trí phản ứng sau tiêm nếu có.

Nói về phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19, PGS.TS Dương Thị Hồng lưu ý, sau tiêm người dân cần theo dõi sức khỏe của mình. Khi thấy những biểu hiện nặng, bất thường như: Mề đay, ngứa, khó thở, buồn nôn, nôn, tím tái, co giật, sốt trên 39 độ dai dẳng, hoặc đau đầu dữ dội uống thuốc không hạ, mệt lả, đau quặn bụng, huyết áp tăng hoặc hạ… thì phải tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và xử trí, không tự ý uống bất kỳ loại thuốc nào.

Trường hợp nào không được tiêm vaccine Covid-19?

Trước chiến dịch lớn về tiêm vaccine Covid-19, Bộ Y tế đã có quyết định phân loại đối tượng tiêm vaccine theo 4 nhóm: Đủ điều kiện, cần thận trọng, phải trì hoãn và chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19.

Trong đó, lưu ý nhóm người cần thận trọng, phải được khám sàng lọc kỹ và tiêm tại cơ sở y tế đủ năng lực hồi sức cấp cứu; gồm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; Người mất tri giác, năng lực hành vi; Người trên 65 tuổi; Người có tiền sử giảm tiểu cầu hay rối loạn đông máu; Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường về mạch, huyết áp, nhịp thở.

Nhóm người phải trì hoãn: Người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được; Người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù...Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; Bệnh nhân từng mắc Covid-19 trong 6 tháng; Phụ nữ mang thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Nhóm người không được tiêm: Người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào; Người chống chỉ định theo công bố của nhà sản xuất.