Cố Xin đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, kiên cường, dám dấn thân, dám hy sinh của Nhân dân Việt Nam, vì độc lập, tự do cho Tổ quốc mình.
Người chèo đò bình dị và nhân hậu
Cố Xin tên thật là Lưu Văn Khuồi, sinh năm 1910 tại làng Nghĩa Sơn, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Từ nhỏ, cuộc sống của ông đã trải qua nhiều gian khó. Dòng sông Lam xanh thẳm đã dưỡng nuôi trong tâm hồn ông tình yêu quê hương vô bờ bến. Tình yêu ấy chính là nếp sống đơn sơ, dung dị, hiền hòa. Năm 1948, ông đến làng Phúc Hậu, bắt đầu nghề chèo đò ngang trên dòng sông Lam để mưu sinh. Với chiếc đò nhỏ mộc mạc, ông không chỉ chở người qua sông, mà giúp người dân hai bờ Bắc và Nam kết nối, giao lưu, làm ăn, sinh sống. Những chuyến đò của Cố thường nhận trả công bằng những sản vật nông thôn như củ khoai, củ lạc, minh chứng cho sự bao dung, hiền hậu của ông.
Dù công việc đầy khó khăn và thu nhập bấp bênh, nhưng với tấm lòng nhân hậu, Cố luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. Ngày mưa hay nắng, người dân luôn thấy bóng dáng Cố Xin miệt mài chèo đò, miệng nở nụ cười thân thiện, và nhờ vậy, ông nhận được sự yêu mến và kính trọng từ mọi người xung quanh. Làng Phúc Hậu từ đó quen với bóng dáng Cố Xin lặng lẽ ven sông. Người dân hai bờ từ đó quen với nhịp chèo của Cố. Cố Xin và những chuyến đò ngang sông Lam đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây.
Những chuyến đò kháng chiến
Cuộc đời Cố Xin bước sang một ngã rẽ lớn vào năm 1953, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt. Dòng sông Lam, nơi ông chèo đò, trở thành chảo lửa khốc liệt với nhiều đợt oanh tạc của máy bay địch. Cố Xin, từ một người chèo đò mưu sinh, đã bắt đầu gắn bó với những nhiệm vụ đầy hiểm nguy nhưng vô cùng quan trọng: chèo đò chở bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến qua sông, góp phần vận chuyển khí tài, lương thực phục vụ chiến trường miền Nam.
Không chỉ có một mình Cố Xin mà cả vợ ông, bà Phạm Thị Diễn đã ngày đêm miệt mài chèo đò phục vụ kháng chiến. Bất chấp đau ốm, bất chấp những khi trái gió trở trời, đôi vợ chồng đồng tâm thuận ý này luôn có mặt trên những chuyến đò để đưa người và hàng qua sông. Nhiều khi, họ phải hoàn thành những nhiệm vụ đầy thử thách, như chuyến đò năm 1967, khi Cố phải chở 150 bộ đội qua sông chỉ trong 2 tiếng đồng hồ. Cũng đã có những khi xuyên đêm giữa pháo sáng và bom đạn kẻ thù, họ vẫn căng mình chèo đò để kịp thời đưa bộ đội qua sông chi viện cho chiến trường miền Nam. Không màng đến sự an nguy của bản thân, không màng đến cái đói, cái khổ, Cố Xin chỉ biết làm sao để hoàn thành nhiệm vụ vì Tổ quốc. Đó chính là tinh thần “phục vụ không sợ mệt mỏi, ý chí kiên cường nhiệt tình trong công việc”. Và cứ thế, vợ chồng Cố luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không một lời kêu ca hay đòi hỏi bất kỳ sự đãi ngộ nào. Những chuyến đò của ông không chỉ chở người và hàng hóa, mà còn chở cả niềm tin, hy vọng của Nhân dân miền Bắc vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Cả cuộc đời gắn với dòng sông Lam và công việc chèo đò, cố Xin còn cứu được một học sinh suýt bị chết đuối. Người được Cố cứu là Nguyễn Văn Thân, học sinh trường cấp 3 Hưng Nguyên – một phân hiệu của trường phổ thông cấp 3 Vinh (tức trường Huỳnh Thúc Kháng hiện nay). Tháng 4/1966, ông Thân tham gia buổi lao động cộng sản của trường, đắp đê 42 đoạn gần bến đò Cố Xin. Trong quá trình lao động, ông Thân không may bị trượt chân ngã. Lúc ấy, như thường lệ, Cố chèo đò đưa người qua sông, nhìn thấy một người đang chới với giữa dòng nước, Cố không ngần ngại nhảy xuống cứu, đưa ông Thân về chăm sóc. Nhớ công ơn ấy, ông Thân đã xin nhận Cố Xin làm cha nuôi, và ông Thân trở thành người anh cả trong gia đình Cố Xin.
Một tấm lòng sáng ngời vì nước quên thân
Dù gặp rất nhiều khó khăn, từ bom đạn của kẻ thù cho đến những thử thách về sức khỏe và điều kiện sống, Cố Xin chưa bao giờ từ bỏ bến đò của mình. Ông và vợ luôn sẵn sàng hy sinh mọi thứ để đảm bảo các chuyến đò an toàn qua sông, phục vụ cho kháng chiến.
Ngày 16/4/1968, cố Xin nhận được chỉ thị chở một đoàn sỹ quan hơn 10 người vào Nam công tác, do yêu cầu gấp rút, vợ chồng Cố Xin nhờ thêm ông Trịnh Văn Nuôi ra hỗ trợ cho kịp thời gian.
Ba người nhanh chóng ra bến đò. Sau khi chuyến thứ nhất đã an toàn cập bến, mọi người quay trở lại đón 7 người còn lại. Chuyến đò thứ 2 vừa cập bến, đợi người cuối cùng là ông Nguyễn Võ Hóa lên bờ, Cố Xin cho đò quay lại thì hai chiếc máy bay Mỹ bất ngờ ập đến thả bom, một quả trúng ngay chiếc đò, khiến Cố Xin và ông Nuôi hy sinh tại chỗ, bà Diễn bị thương nặng. Mặc dù được chữa trị kịp thời nhưng do bị nhiễm trùng quá nặng nên mấy tháng sau đó, bà Diễm cũng qua đời.
Cùng lúc với quả bom ác nghiệt đã làm nổ tung chiếc đò của Cố Xin, thì một quả bom khác đã đánh trúng ngôi nhà của Cố. May mắn các con của Cố không thương vong, nhưng từ đó họ mất luôn cả cha, mẹ và cả ngôi nhà che mưa che nắng. Từ đây, gánh nặng chăm sóc các em đè lên vai người anh cả gầy gò, ốm yếu. Dù vậy, bến đò vẫn cần có người chèo lái để phục vụ chiến trường miền Nam, nên những người con của Cố Xin lại tiếp tục sự nghiệp của cha, đảm nhận công việc mà cha mẹ đã làm dang dở. Những chuyến đò đưa bộ đội và lương thực, quân trang quân dụng vẫn tiếp tục được đưa qua sông cho đến hết năm 1975, khi Bắc Nam hai miền thống nhất.
Như vậy, cả cuộc đời Cố Xin gắn liền với bến đò. Ngay cả khi Cố đã mất đi, thì bến đò vẫn hoạt động với chính tinh thần của Cố đã truyền lửa cho các con mình. Suốt những năm tháng chiến tranh, tài sản duy nhất của gia đình là con đò nhỏ, cố sẵn sàng sử dụng để phục vụ kháng chiến. Đò bị hư hỏng, nhà không còn thức ăn, các con phải nhịn đói nhưng cố vẫn ưu tiên sửa đò để kịp phục vụ kháng chiến, cố chưa từng một lần bỏ bến, cả những lúc mưa to, bão lớn, nước lũ chảy xiết. Bởi vậy, cố được nhiều người dân ví như “mẹ Suốt của Nghệ An” .
Người hùng thầm lặng và di sản hôm nay
Sau khi Cố Xin hy sinh, bến đò mà ông từng gắn bó suốt cuộc đời đã được đặt theo tên ông: Bến đò Cố Xin - như một sự tri ân cho những đóng góp và hy sinh của người hùng thầm lặng trên dòng sông Lam. Tên tuổi của Cố không chỉ ghi dấu trong lòng những người dân địa phương mà còn được nhắc đến trong lịch sử đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của dân tộc Việt Nam.
Cố Xin đã trở thành biểu tượng của sự hy sinh thầm lặng và lòng yêu nước bất diệt. Những chuyến đò của ông không chỉ đưa người qua sông mà còn chở theo tình yêu quê hương, niềm tin vào sự chiến thắng và tinh thần đoàn kết của cả dân tộc trong thời kỳ kháng chiến. Cuộc đời của Cố là minh chứng rõ nét cho tinh thần quên mình vì Tổ quốc của những con người bình dị nhưng mang trong mình ý chí kiên cường và lòng yêu nước mãnh liệt. Những cống hiến của Cố Xin mãi mãi là bài học về sự quả cảm, lòng tận tụy và ý chí sắt đá trước mọi khó khăn.
Sau khi Cố mất, chính quyền và Nhân dân xã Hưng Xuân đã trực tiếp tổ chức mai táng chu đáo. Bến đò mang tên Cố Xin vẫn là địa chỉ đỏ quen thuộc, thân thương của người dân địa phương và cả những cán bộ kháng chiến đã từng cập bến, qua sông. Ghi nhận những cống hiến của cố Xin và vợ, năm 2008, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc đã truy tặng Bằng khen cho vợ chồng cố. UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cấp, các ngành cấp đất, xây dựng quy hoạch để tiến tới xây dựng khu tưởng niệm Bến đò Cố Xin. Hiện nay, chính quyền và Nhân dân xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên đang thực hiện quy trình đề nghị công nhận Liệt sỹ cho Cố.
Ngày nay, Bến đò Cố Xin không chỉ là một di tích lịch sử, mà còn là nơi ghi dấu tinh thần bất khuất của cả một thế hệ con người yêu nước. Cố Xin, người lái đò thầm lặng, vẫn sống mãi trong lòng dân tộc, là biểu tượng sáng ngời cho những cống hiến lớn lao không bao giờ phai nhạt trong ký ức của các thế hệ sau.
Còn với người dân Xuân Lam, cố Xin đã trở thành biểu tượng, không chỉ in sâu vào tâm thức của các thế hệ cùng thời mà còn đi vào thơ ca, trở thành câu chuyện kể của các ông các bà cho thế hệ con cháu:
“Bạn đời ơi! Có biết không?
Ông lái đò gồng lên chở khách
Khách là anh lính Cụ Hồ, là chị dân công tải đạn
Là lương thực, là súng đạn
Là hành trang, là bạn của chiến trường xa…
Thần sấm, con ma, giặc trời đánh phá, mưa bom, dội đạn xuống dòng sông
Thấy kệ…!
Ông vẫn gồng mình chở khách
Có gì đâu, mo cơm tấm, nắm ngô rang
Dạ sắt, gan vàng, ông đâu sá kể
Tổ Quốc ơi! Ông luôn để trên đầu
..."