Chuyến đi mang theo nhiều thông điệp không chỉ gửi tới các đối thủ truyền thống như Trung Quốc, Nga hay các đồng minh quan trọng.
Sau Cộng hòa Séc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/8 tới Slovenia, chặng dừng chân thứ 2 trong chuyến công du 5 ngày tới một loạt nước Trung và Đông Âu. Chuyến đi mang theo nhiều thông điệp không chỉ gửi tới các đối thủ truyền thống như Trung Quốc, Nga hay các đồng minh quan trọng như Đức, mà hơn hết là tới cử tri trong nước về sự thành công của ngoại giao Mỹ, về “một nước Mỹ luôn làm chủ cuộc chơi”.
Mỹ sẽ luôn sát cánh và không để bất kỳ quốc gia nào thực hiện chính sách bắt nạt nhằm vào các đồng minh. Đây là tuyên bố đáng chú ý của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Cộng hòa Séc, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung và Đông Âu. Đây không chỉ là lời cảnh báo của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ về các đồng minh truyền thống như Nga hay Trung Quốc, mà cả những quốc gia đồng minh đang xa lánh Mỹ như Đức.
Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh: “Mục đích tôi có mặt ở đây là nhắc nhở người dân Séc rằng chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Cộng hòa Séc nếu có bất kỳ quốc gia nào tìm cách bắt nạt các bạn. Chúng tôi sẽ ở ngay bên cạnh các bạn”.
Theo giới chuyên gia, lập trường này cũng sẽ được nhắc lại trong chuyến thăm Slovenia trong ngày hôm nay, sau đó là Áo và Ba Lan. Cũng giống như tại Cộng hòa Séc, tại Slovenia, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có bài phát biểu về an ninh mạng 5G và ký Tuyên bố chung về vấn đề phát triển công nghệ 5G. Một điều cũng cần phải nhấn mạnh, Slovenia chính là quê hương của đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Melania Trump.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới các nước Trung và Đông Âu diễn ra trong một bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống tại nước này đang bước vào giai đoạn nước rút. Khi kinh tế không còn là một lợi thế tuyệt đối của Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thì ngoại giao lại có thể đóng vai trò quyết định. Giới phân tích nhận định, chuyến đi nhằm đối phó với sức ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Nga và Trung Quốc tại châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng yếu như năng lượng, cơ sở hạ tầng và viễn thông.
Chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh Mỹ vừa thông báo rút gần 12.000 quân ra khỏi Đức, chuyển trụ sở Bộ chỉ huy sang Bỉ. Mỹ nhiều lần chỉ trích Đức trong vấn đề chi tiêu quốc phòng, cũng như cáo buộc Đức lợi dụng Mỹ trong lĩnh vực thương mại. Đức không nằm trong trong lịch trình chuyến đi, nhưng hai điểm đến của ông Mike Pompeo là Cộng hòa Séc và Áo đều là hai nước có chung biên giới với Đức.
Theo ông Ian Lesser, phó Chủ tịch Quỹ Marshall của Đức, điều thú vị trong chuyến công du của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ lại nằm chính ở những nơi mà ông ấy không đến. Bởi nếu Mỹ muốn giải quyết các vấn đề quan trọng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào thời điểm này, Ngoại trưởng Mỹ nên đến Bỉ, Pháp hay Đức.
Việc chọn các quốc gia Trung và Đông Âu, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như muốn gửi thông điệp tới cử tri Mỹ hơn, muốn tạo ấn tượng thành công trong chính sách đối ngoại khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 3/11 tới. Điều mà cử tri Mỹ quan tâm không phải là Mỹ sẽ tái bố trí các lực lượng tại châu Âu như thế nào, mà vị trí của Mỹ trong lòng châu Âu ra sao.