Chiều 29/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Theo đó, kỳ thi sẽ gồm hai môn bắt buộc Toán, Ngữ Văn. Thí sinh thi thêm hai môn tự chọn trong số 7 môn còn lại bao gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Như vậy, chính thức Ngoại ngữ không là môn thi bắt buộc tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này, đã tiếp tục nhận những ý kiến trái chiều từ dư luận.

z-1701391729.jpg
 Cô giáo Phạm Thị Liên, Tổ trưởng chuyên môn -Giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, cô giáo Phạm Thị Liên, Tổ trưởng chuyên môn -Giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang cho biết, ở những nơi có điều kiện tốt như thành thị, phụ huynh nhận thức rõ được vai trò của Ngoại ngữ trong việc phục vụ cho cuộc sống, công việc của các con sau này. Cho nên, ngay khi con còn nhỏ, họ đã đầu tư cho con học Ngoại ngữ.

Tuy nhiên, đối với những vùng nông thôn, miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của phụ huynh về tầm quan trọng của Ngoại ngữ với công việc và cuộc sống tương lai đã có thay đổi, nhưng đó vẫn chỉ là số ít.

Chẳng hạn, thực tế đối với Trường THPT Vị Xuyên, nhiều học sinh đến từ vùng sâu vùng xa, thiếu kiến thức cơ bản về bộ môn Tiếng Anh. Số yêu thích và lựa chọn Tiếng Anh rất ít, chỉ ở một số em có năng khiếu và đam mê ngoại ngữ thực sự.

zz-1701391775.jpg
Cô giáo Phạm Thị Liên và lứa học sinh sẽ dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: NVCC.

Chiều 29/11, sau khi có thông tin chính thức của Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, cô Liên đã tiến hành làm thử một khảo sát nhanh 2 lớp của khối 10, là 2 lớp có số học sinh học khá môn Tiếng Anh hơn so với các lớp cùng khối, thì cả 2 lớp chỉ có 14/74 em chọn môn tiếng Anh để thi tốt nghiệp THPT.

Theo cô Phạm Thị Liên, việc học cần có áp lực. Khi áp lực đến từ các kỳ thi, các em sẽ có động lực, mục tiêu rõ ràng, học tốt hơn. Còn nếu nói rằng, chúng ta cần phải hướng tới học thật, thi thật, hoặc học không phải vì thi cử thì điều đó hoàn toàn đúng, nhưng con số đó quá ít so với số đông, có nhiều em có năng lực nhưng sẽ không đầu tư học nếu môn Ngoại ngữ không phải là môn bắt buộc thi.

“Cho nên, tôi thấy thực sự tiếc nuối trước quyết định của Bộ GD&ĐT. Khi Ngoại ngữ không là môn thi tốt nghiệp bắt buộc thì khoảng cách giữa các vùng miền ngày càng khác biệt, nhiều học sinh miền núi có thể sẽ buông, không chọn ngoại ngữ nữa, mà không chọn thì sẽ không học. Thay vào đó, em nào thi đại học sẽ chọn hai môn còn lại theo khối của các em, số học sinh thi với mục tiêu chỉ tốt nghiệp, sẽ chọn môn dễ”, cô Liên nói.

Cô Liên cho biết, Tiếng Anh của thế hệ hiện tại tốt hơn trước kia rất nhiều kể cả về kiến thức và kỹ năng. Điều này nhờ có sự quan tâm, nhận thức của toàn xã hội và những chủ trương đúng đắn của Bộ GD&ĐT trong những năm vừa qua.

Từ năm học 2022-2023, môn Tiếng Anh và Tin học sẽ triển khai bắt buộc với học sinh Tiểu học từ lớp 3 đến lớp 5. Môn Tiếng Anh cũng là môn học bắt buộc trong số 4 môn học bắt buộc (Toán, Văn, Tiếng Anh và Lịch sử) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, điều đó cho thấy tầm quan trọng của môn học này.

Vì vậy, nếu ngoại ngữ không là môn thi bắt buộc, cô Liên lo ngại học sinh sẽ không chú trọng đầu tư học nữa.

Đặc biệt, Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" được Bộ GD&ĐT kéo dài định hướng đến năm 2025 có mục tiêu đại đa số thanh niên Việt Nam, cán bộ công chức, viên chức, nguồn nhân lực có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng một cách độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc. Vậy, mục tiêu ấy liệu sẽ đạt đến đâu sau năm 2025 nếu bỏ ngoại ngữ khỏi môn thi bắt buộc?

Tại buổi họp báo công bố phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, lý giải ngoại ngữ không là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lí chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 và đến hết bậc THPT. Như vậy, trong suốt quá trình từ lớp 3 - 12, các em học sinh đều được học, kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ.

Đây là nền tảng quan trọng nhất, cải tiến, nâng cao năng lực phẩm chất, chất lượng ngoại ngữ. Lên đến bậc đại học, các trường hiện nay đều yêu cầu sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra Ngoại ngữ tối thiểu. Như vậy, đối với việc học và dạy Ngoại ngữ, Bộ GD&ĐT rất quan tâm, lồng ghép vào các chuẩn đầu ra của các bậc học, có cả sinh viên.

“Vì vậy, không thể nói vì một kỳ thi tốt nghiệp THPT mà bỏ học ngoại ngữ. Học ngoại ngữ việc học là liên tục, học cả quá trình", PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.