Ngày 28/11, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4068/QĐ – BGD ĐT về việc phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

l-1701260634.jpg
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Nguyễn Hải.

Nội dung đáng quan tâm, là thí sinh phải thi 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán. Ngoài ra, thí sinh cần chọn 2 môn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Phương thức xét công nhận tốt nghiệp kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Theo Bộ GD&ĐT, lộ trình triển khai thực hiện Phương án thi bắt đầu từ năm 2025. Giai đoạn 2025 - 2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy.

Đến giai đoạn sau 2030, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Bộ cũng sẽ giữ ổn định thi tốt nghiệp THPT trên giấy đến năm 2030, song song với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; sau năm 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở những nơi đủ điều kiện.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 3 phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Trong đó, phương án 1: Lựa chọn: 2 + 2: thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 ( Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Phương án 2: Lựa chọn: 3 + 2: môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Phương án 3: Lựa chọn: 4 + 2: 4 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 .

Việc lựa chọn các phương án đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018 đưa ra 5 lý do chọn phương án thi tốt nghiệp THPT 2+2, tức là 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn.

Thứ nhất, theo phương án này sẽ gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm thời gian, đỡ tốn kém mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh... như NQ 29 và NQ 88 đã nêu.

Thứ hai, sẽ đáp ứng yêu cầu của CT 2018 đã nêu: “ phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân...”; “Bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ giữa đổi mới các kỳ thi quốc gia với kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học; đồng bộ với lộ trình tự chủ giáo dục đại học”

Thứ 3, việc thi bắt buộc Toán và Ngữ văn, vì đây là 2 môn công cụ, tiêu biểu cho 2 loại tư duy, 2 lĩnh vực cơ bản và cũng là 2 môn học được nhiều nước lựa chọn trong đánh giá năng lực; cũng như thi tốt nghiệp cấp THPT...

Thứ 4, tạo sự hài hòa cho các khối tổ hợp môn học ở THPT; phù hợp, thuận tiện cho cả 2 đối tượng thí sinh hệ phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Lý do cuối cùng, Ngoại ngữ, Lịch sử vốn đã bắt buộc, được chú ý trong dạy học hằng ngày, nên lúc thi cử cũng để học sinh tự chọn bình đẳng như các môn học còn lại.

“Bình thường hóa kì thi tốt nghiệp THPT, chỉ còn là một kì thi định kì lớn, nhẹ nhàng...”, ông Thống cho hay.