Omicron nhân lên nhanh hơn trong đường thở, chậm hơn ở phổi
Bloomberg dẫn nghiên cứu của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hong Kong do Tiến sĩ Michael Chan Chi-wai cho biết, biến chủng Omicron sinh sôi nhanh gấp 70 lần Delta khi xâm nhập vào phế quản của con người sau 24 giờ. Nghiên cứu cũng phát hiện, dù Omicron có thể dễ lây lan hơn, nhưng nó sinh sôi chậm hơn 10 lần trong mô phổi và đó có thể là dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh thấp hơn.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo: "Với khả năng lây nhiễm cao hơn, một loại virus có thể gây ra bệnh nặng và tử vong dù bản thân virus có thể có độc lực thấp hơn".
Ngay cả khi Omicron có dấu hiệu ít nghiêm trọng hơn nhưng tốc độ lây lan của nó cũng có thể gây ra thách thức với bất cứ hệ thống y tế nào trên thế giới. Do vậy, nhóm nghiên cứu cảnh báo tâm lý chủ quan trước Omicron. Nghiên cứu nhấn mạnh, với khả năng né một phần miễn dịch tạo ra nhờ vaccine hoặc từng mắc Covid-19, mối đe dọa chung từ Omicron có thể vẫn rất lớn.
Omicron bám tế bào chặt hơn
Sử dụng mô hình máy tính của các protein gai trên bề mặt biến chủng Omicron, các nhà nghiên cứu Đại học New Jersey đã phân tích sự tương tác phân tử xảy ra khi gai của Omicron bám vào protein trên bề mặt tế bào gọi là ACE2, cửa ngõ chính để virus đi vào tế bào con người. Nhà nghiên cứu Joseph Lubin cho biết, Omicron bám vào tế bào chắc hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng lập mô hình protein gai qua máy tính với nhiều lớp kháng thể tìm cách tấn công từ nhiều phía khác nhau. Kết quả cho thấy, một số kháng thể bị đánh bật, trong khi một số khác vẫn hiệu quả. Ông Lubin cho biết, mũi vaccine tăng cường có thể tăng lượng kháng thể, tạo thêm hàng rào bảo vệ cho con người.
Tuy nhiên, ông Lubin cũng lưu ý, những kết quả nghiên cứu này vẫn cần được kiểm chứng bằng các mẫu bệnh phẩm thực tế.
Omicron khiến người bệnh khó nhận biết hơn
Đánh giá trên được các nhà nghiên cứu đưa ra dựa vào dữ liệu từ 77 nghiên cứu trước đó liên quan đến tổng số 19.884 người bị nhiễm SARS-CoV-2 đã được xác nhận. Họ nhận ra rằng, trong số các ca nhiễm nói chung, khoảng 40% không có triệu chứng, cũng như 54% phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh, 53% khách du lịch hàng không hoặc du lịch bị nhiễm bệnh, 48% cư dân hoặc nhân viên viện dưỡng lão bị nhiễm bệnh và 30% nhân viên chăm sóc sức khỏe hoặc bệnh nhân nằm viện bị nhiễm bệnh. Tỷ lệ chung của các ca nhiễm không có triệu chứng ở Bắc Mỹ khoảng 46%, châu Âu 44% và châu Á 28%.
"Tỷ lệ cao các trường hợp nhiễm trùng không triệu chứng cho thấy nguy cơ lây truyền tiềm ẩn của các bệnh nhiễm trùng không triệu chứng trong cộng đồng", ông Min Liu và các đồng nghiệp tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết./.