Tôi vừa chứng kiến một thanh niên đi xe máy tay ga đời mới chửi te tát một phụ nữ đứng tuổi giữa ngã tư đường phố. Chỉ vì đèn xanh đã bật nhưng người phụ nữ chưa cho xe chạy, làm anh ta chậm mất mấy giây. Hoặc mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng về những vụ án một lúc giết 3 mạng người ở Lâm Đồng và Bình Dương. Nguyên nhân cũng đều xuất phát từ việc kém “nhường nhịn” nhau trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Thiết nghĩ, truyền thống văn hóa người Việt rất coi trọng việc “nhường nhịn”, chia sẻ lẫn nhau không chỉ trong hoạn nạn mà cả đời thường ngày càng bị xem nhẹ.

f-1720401444.jpg

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ câu chuyện lịch sử: Vào năm 1835, đời Minh Mạng có một vụ “tai nạn giao thông đường bộ” được ghi trong chính sử (thực lục). Đó là một vị hoàng tử (con vua) bị bạn bè rủ đi chơi cưỡi ngựa trong kinh thành Huế, người bạn nhỡ phóng (ẩu) ngựa va vào một bà, khiến người này chết. Được tin vụ “tai nạn” ấy có liên quan đến hoàng tử, đích thân vua Minh Mạng triệu tập những quần thần có trách nhiệm trong triều đình phán xử: Người trực tiếp gây nạn bị xử nghiêm rồi đày đi nơi xa (gọi là “hiệu lực qua Ai Lao”), hoàng tử tuy không trực tiếp gây án nhưng là a tòng với kẻ gây án phải chịu 3 năm “cấm cố” trong cung để đèn sách và bị tước bớt bổng lộc. Vua cũng yêu cầu phải chép vụ này vào sử để tỏ rõ luật lệ nghiêm khắc “bất vị thân”. Nói vậy để thấy với người xưa cho dù việc đi lại còn đơn giản nhưng đã có những lề luật hoặc dân gian hoặc quốc gia “điều chỉnh” thành những tập quán vừa tự nhiên lại vừa nghiêm khắc mà việc giáo dục trao truyền những lệ luật này đã được thực hiện nghiêm chỉnh, trong đó có ca ngợi sự gương mẫu của người đứng đầu quốc gia.

Trong một hội thảo về văn hóa, nhiều chuyên gia cho rằng, cách đây khoảng vài chục năm, lối sống, cách ứng xử của con người cũng thân ái hơn. Một đại biểu nhắc lại câu chuyện xảy ra ở một ngày tháng 9/1969, ông chứng kiến một vụ va chạm liên hoàn tại Hà Nội. Nhưng mọi người trong và ngoài cuộc đều xúm lại cùng nâng đỡ nhau dậy, với những lời xin lỗi hay thăm hỏi thân ái để mọi thứ trở lại bình thường. Chuyện mới mấy chục năm, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì như là truyện… dã sử (!).

Có người cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc văn hóa “nhường nhịn” xuống cấp, bắt nguồn từ nhịp sống công nghiệp, sôi động và tất bật. Hội nhập và phát triển đang tác động mạnh mẽ, khiến nhịp gấp gáp hơn theo hướng văn minh công ngiiệp. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa là nước công nghiệp. Cũng có người kiến giải do nhiều người nhập cư từ nông thôn, trình độ học vấn không đồng đều nên cư dân thành thị bây giờ không “thuần” về văn hóa ứng xử. Hằng ngày trên phố không thiếu những người từ nông thôn nhập cư về thành phố kiếm sống điều khiển xe kéo, xe đẩy cồng kềnh, tỉnh bơ di chuyển ngược chiều trong dòng xe nghẽn cứng mà họ góp một phần nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu quan sát rộng hơn, lí do này chỉ đúng một phần. Có lẽ ai trong chúng ta cũng không ít lần phiền lòng trước việc có những người-trong đó có cả dân nhập cư và dân thành phố-trong trang phục chỉ để mặc ở nhà, cố tình đi thẳng lên đầu hàng người đang xếp chờ thanh toán tiền trong siêu thị, hay chen lấn cố vượt lên trước hàng xe lúc đường chật như nêm.

Hà Nội đang vận động và xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Qua thời gian, có thể thấy phần nào ý thức của người dân đã được khơi dậy, nhưng mục tiêu xây dựng đẹp cả về cảnh quan lẫn giao tiếp, ứng xử chỉ đạt được kết quả hạn chế.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn cuộc vận động trên thành hiện thực thì mọi người phải luôn tuân thủ nguyên tắc, tôn trọng pháp luật, bình tĩnh, kiềm chế với ý thức, tinh thần tự giác rất cao, nhất là ý thức tôn trọng người khác. Để cụ thể hóa các nội dung trên, ngay từ bây giờ, cần triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật trong trường học, giúp các em học sinh hiểu biết, có ý thức tôn trọng, chấp hành nghiêm pháp luật. Cha mẹ cần làm gương giáo dục tính thiện của con người, để từ đó uốn nắn, định hướng hành vi, lối sống và những ứng xử cho thế hệ cháu con. Có như vậy, văn hóa “nhường nhịn” mới không bị xuống cấp.