Với chị, chăm sóc các thương binh không chỉ là trách nhiệm của người thầy thuốc mà là tấm lòng tri ân đối với những người đã hi sinh máu xương, thanh xuân cho độc lập của dân tộc.
Gần 30 năm chăm sóc thương binh tâm thần
Năm 1993, cô gái 22 tuổi Nguyễn Thị Bích Thủy (SN 1971, quê Hưng Nguyên, Nghệ An) ngược núi lên nhận công tác tại Trung tâm điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An (đóng tại Tiên Kỳ, Tân Kỳ, Nghệ An).
Gần 30 năm trôi qua cũng là ngần ấy thời gian chị gắn bó với công việc chăm sóc bữa ăn, sức khỏe cho những người lính, cựu TNXP - những người đã hi sinh tuổi xuân cho nền độc lập dân tộc.
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy - Đội trưởng Đội trạm xá, Phòng Y tế, Trung tâm điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An chia sẻ về những buồn vui trong nghề.
"Hồi đó đơn vị đóng trên khu vực rừng núi hoang vu, thiếu thốn đủ bề. Mới rời ghế nhà trường với bao nhiêu hăm hở thì lên đến nơi tôi thật sự bị sốc, đã có lúc nghĩ tới chuyện bỏ về, không quay lại nữa. Những ngày khốn khó, cán bộ và bệnh nhân ở cùng một khu lán trại, đêm chứng kiến các chú, các bác lên cơn la hét, đập phá tôi thực sự rất sợ. Nhưng hết sợ rồi lại thấy thương. Các bác hi sinh xương máu, hi sinh tuổi xuân thì những khó khăn, vất vả mình nếm trải đã là gì", chị Thủy kể.
Trung tâm chuyển về đóng tại xã Nghi Phong (Nghi Lộc, Nghệ An), cơ sở vật chất khang trang hơn nhưng công việc của chị và đồng nghiệp không vì thế mà bớt vất vả. Hiện Trung tâm đang chăm sóc, phụng dưỡng 92 bệnh nhân là người có công hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trong đó có 72 người điều trị nội trú.
Chị Thủy lo lắng, chăm sóc sức khỏe cho các thương binh tâm thần kinh đang điều trị tại đây. Với những người mắc bệnh lý tâm thần, việc uống thuốc đầy đủ và đúng giờ đóng vai trò rất quan trọng trong công tác điều trị.
Gắn bó với trung tâm, chị tìm được niềm vui và ý nghĩa trong công việc của mình. Đặc thù bệnh nhân của Trung tâm là những thương binh bị ảnh hưởng về thần kinh. Họ đang là những người hiền lành, ngồi nói chuyện vui vẻ với nhau đấy nhưng có thể lên cơn bất kỳ lúc nào.
Họ la hét, đập phá, thậm chí gây thương tích cho mình và cả những người khác. Bởi vậy, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ vững, họ còn là những con người "thần kinh thép" nhưng cũng hết sức dịu dàng, nhẫn nại.
Không chỉ chăm sóc sức khỏe, mỗi cán bộ Đội trạm xá của Trung tâm còn phải phụ trách nhiều công việc khác như tắm rửa, giặt giũ, cơm nước cho các thương binh. Những trường hợp bệnh lý chuyển biến nặng, các cán bộ của Đội trạm xá lại thay nhau chăm sóc, túc trực bệnh nhân ở bệnh viện, thậm chí theo xe cấp cứu ra Hà Nội.
Không những thế, việc vệ sinh cá nhân cho các thương binh cũng do chị và các đồng nghiệp Phòng Y tế phụ trách.
"Nhiều khi các bác lên cơn, hất cả khay cơm vào mình, tủi thân cũng chỉ biết khóc chứ không dám trách mắng gì. Nhiều thương binh nữ không tự chủ được, ngay cả vấn đề vệ sinh những ngày "đến tháng" chị em đội trạm xá cũng phải phụ trách luôn.
Bởi vậy, không yêu nghề, không trách nhiệm với công việc và không có cái tâm, lòng biết ơn với những thế hệ đi trước sẽ khó mà trụ được. Vất vả, khó khăn chúng tôi đều vượt qua được hết, chỉ mong các bác thật khỏe mạnh", chị Nguyễn Thị Bích Thủy - Đội trưởng Đội trạm xá - Phòng Y tế, Trung tâm điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An tâm sự.
Hạnh phúc vì được ghi nhận
Tiếng là Đội trưởng Đội trạm xá nhưng chị Thủy tham gia vào hầu hết các công đoạn chăm sóc thương binh ở đây, từ phụ đội bếp chuẩn bị thức ăn, chia cơm, khám sức khỏe, phát thuốc đến vệ sinh cá nhân cho các bác.
"Tôi may mắn được lãnh đạo đơn vị, đồng nghiệp, đặc biệt là ông xã hiểu, giúp đỡ và tạo điều kiện trong công việc", chị Thủy chia sẻ.
Gần 30 năm gắn bó với thương binh, chị cũng như những cán bộ, nhân viên ở đây đã coi các thương binh là người thân trong nhà.
Chị tâm sự: "Là lớp hậu sinh, may mắn được sống, được học tập và công tác trong thời bình - thành quả được đổi bằng xương máu của các thế hệ cha anh đi trước, tôi luôn ý thức được trách nhiệm không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành công việc đã được Đảng và nhân dân giao phó".
Với chị, việc được vinh danh là "tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" là sự ghi nhận của ngành lao động thương binh xã hội và là niềm tự hào của bản thân đối với công việc của mình.
"Khi biết mình được tôn vinh "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng", thực sự tôi rất tự hào. Tự hào và xúc động bởi những việc mình làm đã được ghi nhận dù đó chỉ là những công việc làm hàng ngày, không có gì lớn. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục cống hiến hết mình cho ngành lao động, người có công và xã hội trong việc chăm sóc, phụng dưỡng người có công", chị Nguyễn Thị Bích Thủy tâm sự.
Chị Thủy và các đồng nghiệp với những công việc thầm lặng của mình.
Nhận xét về người cán bộ của mình, ông Phạm Thành Trụ - Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An cho biết: "Nguyễn Thị Bích Thủy là người có bề dày cống hiến, tận tâm, trách nhiệm, nhiệt tình với công việc. Không chỉ về chuyên môn mà Thủy còn là cấp ủy viên, ủy viên công đoàn, ở vai trò nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Việc chị Thủy được Bộ LĐ-TB&XH tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" không chỉ là thành tích riêng của cá nhân mà còn là sự ghi nhận cố gắng và trách nhiệm của đơn vị trong công tác chăm sóc, phụng dưỡng người có công"./.