re-1723777388.jpg

“Tình hình chuyển biến mau lẹ và thuận tiện. Hàng ngũ quân thù ngày một rối loạn thêm… đất Nhật đang bị quân đồng minh đánh giữ. Cuộc đổ bộ của quân đồng minh cho Đông Dương không xa. Tình hình chủ quan và khách quan rất thuận tiện. Giờ tổng khởi nghĩa sắp tới…. Các đồng chí! Cơ hội quyết định vận mệnh ngàn năm của Tổ quốc đang đến, không thể biệt phái chia rẽ! Không thể do dự hoài nghi!... Các đồng chí Trung kỳ đã đi đầu trong nhiều cuộc vận động quyết liệt thì nhất định cũng không thể vắng mặt trong cao trào kháng Nhật cứu nước…. Các đồng chí hãy dũng cảm tiến lên”(1).

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và thực tiễn phong trào cách mạng đang chuyển biến ở trong tỉnh, ngày 08/8/1945, Đại hội Đại biểu Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh đã khai mạc tại làng Châu Sơn, xã Phúc Mỹ (nay là xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) với sự có mặt của 40 đại biểu. Đại hội đã bàn kế hoạch lãnh đạo chuẩn bị tổng khởi nghĩa và quyết nghị những nội dung sau:

    - Gấp rút xây dựng và phát triển mạnh mẽ Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh. Các hội cứu quốc, các đội tự vệ và các tổ du kích để kịp thời đối phó với tình hình mới. Quân sự hóa dân chúng, xúc tiến thành lập chiến khu, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang.

    - Phát động quần chúng treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu, dán biểu ngữ, rải truyền đơn, tổ chức mít tinh diễn thuyết, tuyên truyền, xung phong biểu tình, tuần hành, thị uy để cổ động quần chúng, gây thanh thế cho phong trào. 

    - Chia Nghệ An và Hà Tĩnh ra làm 6 phân khu và phân công cán bộ phụ trách các phân khu đó. Riêng Nghệ An có 4 phân khu: 

 + Vinh, Bến Thủy, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Nghi Xuân (Hà Tĩnh) 

+ Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn 

+ Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn. 

+ Con Cuông, Vĩnh Hòa(2), Tương Dương. 

 - Chuẩn bị vũ khí và lương thực để ủng hộ quân Đồng minh khi đến trước khi giới quân Nhật và đề phòng quân Đồng minh tỏ thái độ xâm lược thì sẵn sàng đối phó. 

- Khi thời cơ đến sẽ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở nông thôn trước, thành thị sau. Việc trừng trị bọn Việt gian phản động phải giữ đúng nguyên tắc: án tử hình phải được tỉnh duyệt, bắt Việt gian phải được huyện đồng ý. 
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành chính thức gồm 7 ủy viên, đồng chí Nguyễn Xuân Linh làm bí thư. 

Kế hoạch khởi nghĩa của Việt minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh vừa ra thì ngày 15 tháng 8 năm 1945, Đài phát thanh Đồng minh chính thức đưa tin chính phủ Nhật đầu hàng vô điều kiện. Chớp thời cơ, ủy ban khởi nghĩa Nghệ - Tĩnh phát lệnh khởi nghĩa: 

1. Ủy ban khởi nghĩa các địa phương ở Nghệ Tĩnh phải bố trí ngay việc cướp chính quyền, lập ủy ban nhân dân cách mạng ở làng, lập chính phủ lâm thời ở phủ, huyện; tùy hoàn cảnh và năng lực địa phương mà làm, không câu nệ làng trước hay huyện trước. Các đồn khố xanh phải chiếm lấy.

2. Sau khi cướp chính quyền, lập tức tuyên bố:

- Hủy bỏ hết các pháp luật và quyền lợi kinh tế, chính trị, xã hội do Pháp, Nhật và chính quyền bù nhìn lập ra.

- Tuyên bố thi hành Chương trình của Việt Minh, kế hoạch về chính trị, khởi nghĩa do Ủy ban khởi nghĩa địa phương định đoạt(3).

 Lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa Nghệ Tĩnh phát ra đã làm dấy lên không khí khởi nghĩa rầm rộ từ thành thị đến nông thôn. Ủy ban khởi nghĩa, ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời ở các địa phương được cấp tốc lập ra. Truyền đơn, biểu ngữ, khẩu hiệu xuất hiện khắp nơi, nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết, biểu tình, thị uy nổ ra liên tiếp tạo khí thế tiến công cách mạng rầm rộ. 

Do đặc điểm tình hình và so sánh lực lượng không đồng đều nên cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An chia làm 3 vùng: 

- Vùng đồng bằng và trung du: Ngay sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa Nghệ Tĩnh, phong trào khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra sôi nổi khắp các phủ, huyện. Ngày 16/8/1945, nhân dân xã Thanh Thủy, huyện Nam Đàn đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, tiếp đó là các làng xã xung quanh thành phố Vinh như Yên Dũng, Lộc Đa giành chính quyền ngày 17/8. Quỳnh Lưu là huyện đầu tiên ở Nghệ An giành chính quyền thắng lợi vào ngày 18/8/1945. 

Trong khi khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện, xã phát triển mạnh mẽ thì bọn toàn quân Pháp kéo vào Napê (Lào), từ đó kéo sang vùng Nghệ - Tĩnh. Ngày 18/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Nghệ - Tĩnh ra thông tư khẩn cấp “Lập tức cướp chính quyền và tổ chức ngay cứu quốc quân để sẵn sàng đối phó với âm mưu khôi phục thuộc địa của Pháp. Tổ chức tòa án nhân dân cách mạng trừng trị bọn Việt gian và trộm cướp, tổng động viên sức người và sức của cho cách mạng”(4).

Thực hiện thông tư khẩn cấp của Ủy ban khởi nghĩa Nghệ - Tĩnh, ngày 19 tháng 8 Ủy ban khởi nghĩa Hưng Nguyên phát động quần chúng biểu tình kéo lên phủ lỵ giành chính quyền thắng lợi. Tiếp đó, các huyện tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền: Diễn Châu, Nghĩa Đàn ngày 21 và 22; Anh Sơn và Thanh Chương, Nam Đàn ngày 23/8; các huyện Yên Thành, Nghi Lộc ngày 25 và 26/8.

 Đến ngày 26/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở tất cả các phủ, huyện, làng xã thuộc vùng đồng bằng và trung du Nghệ An. 

 - Khởi nghĩa giành chính quyền ở Vinh - Bến Thủy

 Vinh - Bến Thủy là nơi đặt bộ máy chính quyền bù nhìn và nơi chỉ huy của toàn bộ binh lính Nhật đóng trên địa bàn Nghệ An. Do vậy, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Vinh - Bến Thủy chưa thể triển khai khi phong trào khởi nghĩa ở vùng nông thôn chưa triển khai giành thắng lợi.

Tuy nhiên trên cơ sở diễn biến của tình hình thực tế ở các phủ, huyện, ngày 19/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Nghệ - Tĩnh đã mở hội nghị - Bến Thủy. Sau Hội nghị, Ủy ban khởi nghĩa Nghệ Tĩnh đã tập trung chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, thành lập các đội tự vệ cảm tử, các đội du kích, thanh niên xung phong. Các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy đã thành lập đội công nhân cứu quốc tự trang bị vũ khí sẵn sàng tham gia giành chính quyền khi có hiệu lệnh. Rạng sáng ngày 21/8/1945, hàng vạn nhân dân Vinh - Bến Thủy và các vùng lân cận đủ mọi tầng lớp dương cao cờ đỏ sao vàng rầm rộ biểu tình, tuần hành dọc các đường phố. Ủy ban khởi nghĩa đã hướng dân đoàn biểu tình chia thành từng nhóm tiến về các nhà máy, công sở của chính quyền bù nhìn như: Dinh tỉnh trưởng, Sở mật thám, kho bạc, ngân hàng… Đúng 12h trưa ngày 21/8/1945, ông Lê Viết Lượng thay mặt Ủy ban cách mạng lâm thời Nghệ An tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền cũ, thiết lập chính quyền cách mạng và kêu gọi toàn thể nhân dân bảo vệ chính quyền cách mạng. Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An gồm các ông: Lê Viết Lượng - Chủ tịch Ủy ban, Nguyễn Tài - Phó chủ tịch và các ủy viên: Nguyễn Ngọc Tuyết, Nguyễn Tạo, Chu Văn Biên, Trần Văn Quang, Nguyễn Đức Tịnh ra mắt quần chúng.

Như vậy, cuộc khởi nghĩa ở Vinh - Bến Thủy diễn ra nhanh chóng và kết thúc thắng lợi trong ngày 21/8/1945 mà không có đổ máu.

Về khởi nghĩa giành chính quyền ở Vinh, báo Truyền thanh Nghệ An số đặc biệt viết “…Để sẵn sàng đạp tan mọi sự chống cự của Nhật và tay sai, quần chúng được vũ trang gậy gộc, giáo mác, lực lượng vũ trang gồm ba đội quân cảm tử công nhân, đội tự vệ chiến đấu khu phố, lực lượng bảo an giác ngộ cách mạng tham gia”(5).
Giành chính quyền ở miền núi

Trong quá trình giành chính quyền các huyện Con Cuông, Vĩnh Hòa, Tương Dương, Quỳ Châu, Việt minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh đã sử dụng phương pháp thuyết phục hàng ngũ quan lại và châu phìa, thổ ty, lang đạo. Trong khi thuyết phục Việt minh liên tỉnh dựa trên khí thế phong trào giành chính quyền ở thành thị và vùng nông thôn, trung du và đồng bằng. Đồng thời dùng biện pháp hành chính buộc chúng trao trả chính quyền cho cách mạng dưới hình thức cải tổ chính quyền. Xã Môn Sơn huyện Con Cuông, nơi có cơ sở cách mạng 1930 - 1931 đã liên lạc với huyện Anh Sơn tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 23 tháng 8 trước khi giành chính quyền ở huyện lỵ. Ngày 26 tháng 8, Ủy ban nhân dân cách mạng huyện Quỳ Châu được thành lập, ngày 28 tháng 8 nhân dân Quỳ Châu mít tinh mừng thắng lợi.

Như vậy, chỉ trong một thời gian chưa đầy một tuần, Việt minh liên tỉnh đã kết hợp nhiều phương pháp đấu tranh như tuyên truyền thuyết phục, tuần hành, thị uy của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã giành được chính quyền các huyện về tay nhân dân.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 là kết quả lãnh đạo của Việt minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh và sức mạnh quật cường của nhân dân các dân tộc ở Nghệ An đứng lên giành lấy chính quyền. Đó là thắng lợi của tinh thần chủ động, tiến công, nắm bắt tình hình trong nước và thế giới dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Việt minh liên tỉnh đã chớp thời cơ, kịp thời phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền. 

Bảy mươi tám năm kể từ ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Nghệ An đã có những bước phát triển toàn diện, đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, quy mô kinh tế từng bước được mở rộng đến năm 2022 đạt khoảng 176 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 10 toàn quốc. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Các giá trị lịch sử, văn hóa được bảo tồn, phát huy góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đang trở thành nguồn lực phát triển bền vững; Truyền thống hiếu học của nhân dân Nghệ An ngày càng phát huy, giáo dục đào tạo phát triển khá toàn diện, giáo dục mũi nhọn được khẳng định tốp đầu cả nước. Phát huy những thành quả đạt được trong 78 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An tiếp tục phấn đấu thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ trong bức thư cuối cùng Người gửi cho Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhà “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

Chú thích

(1). Văn kiện Đảng (1930 - 1945), Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương  - Hà Nội, 1977, tập 3, tr. 395.

(2). Huyện Vĩnh Hòa nằm giữa Con Cuông và Tương Dương. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, huyện Vĩnh Hòa bị xóa tên, các xã được nhập vào huyện Con Cuông và huyện Tương Dương.

(3). Tài liệu lưu trữ tại văn phòng Hội KHLS Nghệ An.

(4). Trích Thông tư khẩn cấp của Ủy ban khởi nghĩa Nghệ - Tĩnh, ngày 18/8/1945 (Hồ sơ lưu trữ tại văn phòng tỉnh ủy).

(5). Báo Truyền thanh Nghệ An, số đặc biệt kỷ niệm cách mạng tháng 8/1945 ra ngày 19/8/1946 (Lưu trữ tại Văn phòng Hội KHLS Nghệ An).

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1930 - 1954), tập 1 - NXB Nghệ An - 2019.

2. Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Nghệ An: Lịch sử Nghệ An tập 1 từ nguyên thủy đến cách mạng tháng Tám năm 1945. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật - HN 2012.

3. Tiến sĩ Trần Văn Thức: Cách mạng tháng Tám ở Nghệ An (1939 - 1945) - NXB Nghệ An - 2008.

4. Chu Trọng Huyến (biên soạn): Lịch sử thành phố Vinh - Tập 1 - NXB Nghệ An, 1998.

5. Nguyễn Quốc Hồng (chủ biên): Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn thành phố Vinh (1929 - 2002), NXB Nghệ An, 2004.