Điều này được cho là cần thiết nhằm bớt đi sự lãng phí nguồn tài nguyên đất đai và tài chính. Bên cạnh đó cũng phần nào tạo tính răn đe chung đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp khác đang chây ì, cố tình “ngâm đất”, không triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ như đã cam kết.
Hàng chục tỷ đồng “trôi sông”…
Cách đây hơn 1 thập kỷ, khi phê duyệt chi tiết dự án chợ đầu mối khu vực biên giới và khu kinh doanh tổng hợp tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, những người đứng đầu tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ đã đặt rất nhiều kỳ vọng dự án sẽ mở ra hoạt động giao thương lớn với nước bạn Lào; trong đó, khu vực phi thuế quan, trao đổi hàng hóa giữa 2 bên hứa hẹn sẽ rất phát triển…
Bởi lẽ, khi đó chủ đầu tư là Công ty CP Tân Long cam kết sẽ biến mảnh đất hoang hóa, cằn cỗi nơi đây trở thành một địa điểm kinh doanh tổng hợp sôi động, với loạt hệ thống cơ sở hạ tầng, tiện ích được trang bị, xây dựng đồng bộ, hiện đại. Có thể nói, lúc bấy giờ, ai ai cũng mong ngóng, hi vọng sớm được chứng kiến cảnh tấp nập mua bán, giao thương hàng hóa giữa 2 nước Việt Nam và Lào.
Vậy nhưng, thực tế thì cho đến thời điểm hiện tại, những gì xảy ra liên quan đến dự án này đều hoàn toàn trái ngược. Một dự án có tổng diện tích hơn 13,5ha bám mặt đường Hồ Chí Minh, với giá trị dự kiến lên đến hơn 860 tỷ đồng; nay chỉ còn lại là những hạng mục đã từng được đầu tư dở dang, xuống cấp trầm trọng, còn phần đất đai trống thì bị bỏ hoang hóa và chỉ là nơi để người dân đổ rác thải, chăn thả trâu, bò…
Lý giải về nguyên nhân “treo” dai dẳng suốt nhiều năm, đơn vị chủ đầu tư từng chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp rằng: Chúng tôi đã bỏ hơn 50 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng nhiều hạng mục. Tuy nhiên, chúng tôi không dám đầu tư tiếp vì hoạt động thương mại ở khu vực Cửa khẩu Thanh Thủy vẫn rất hạn chế, nếu rút dự án thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất lớn. Còn nếu đầu tư tiếp thì với điều kiện của khẩu Thanh Thủy như hiện tại, không thể có hiệu quả vì hoạt động kinh doanh ở đây hầu như chưa có.
Tương tự, cùng chung nhận định về mức độ hiệu quả của dự án nếu như được hoàn thành, nhiều ý kiến cho rằng dự án sẽ là không khả thi, mang lại lợi ích thiết thực khi đường giao thông phía nước bạn Lào chưa được xây dựng và kết nối với cửa khẩu hoặc đường cao tốc nối từ thủ đô Viên Chăn đi Hà Nội, chạy qua Cửa Khẩu Thanh Thủy vẫn đang còn bỏ ngỏ?
Chính vì vậy, hơn 1 thập kỷ đã trôi qua, thế nhưng dự án chợ đầu mối khu vực biên giới và khu kinh doanh tổng hợp tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương vẫn đang rơi vào “ngõ cụt”, loay hoay chưa tìm được phương án thích hợp để tiếp tục triển khai thi công thực hiện; trong khi đó, các cấp ngành, chính quyền địa phương thì dường như rất nóng lòng, muốn xử lý dứt điểm bởi không thể cứ mãi chờ đợi trong vô vọng…
Quyết tâm xử lý dứt điểm
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động 3 dự án trên địa bàn tỉnh với lý do dự án chậm tiến độ so với quy định. Trong số đó, có dự án chợ đầu mối khu vực biên giới và khu sinh thái cửa khẩu Thanh Thủy với giá trị đầu tư lên đến hơn 860 tỷ đồng nêu trên.
Theo đó, tại quyết định số 3966, UBND tỉnh Nghệ An đưa ra lý do rằng, dự án chợ đầu mối khu vực biên giới và khu sinh thái cửa khẩu Thanh Thủy tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương do Công ty CP Tân Long thực hiện dự án chậm tiến độ, chưa thực hiện đăng ký đầu tư, đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005.
Bên cạnh đó, dự án chưa có cơ sở để xem xét các điều kiện chuyển tiếp, tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; nhà đầu tư đã tổ chức thi công xây dựng các công trình hạng mục khi chưa được giao đất, cho thuê đất, chưa hoàn thành thủ tục pháp lý cũng bị chấm dứt hoạt động.
Để thực hiện các bước tiếp theo, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật. Liên hệ, thông báo cho các chủ đầu tư biết về việc chấm dứt hoạt động, huỷ bỏ các văn bản pháp lý liên quan đến dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện và các bên liên quan tham mưu, xử lý đối với các dự án đã nộp tiền ký quỹ đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và các địa phương liên quan theo chức năng nhiệm vụ tham mưu xử lý cho UBND tỉnh các vấn đề khác có liên quan đúng quy định hiện hành.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao UBND huyện Thanh Chương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tháo dỡ các công trình của chủ đầu tư; thực hiện việc bàn giao, quản lý khu đất bị thu hồi tại dự án chợ đầu mối Thanh Thuỷ.
Trong khi đó, đối với các dự án ở khu vực đông dân cư, chính quyền tỉnh Nghệ An cũng thể hiện động thái hết sức quyết liệt khi chấm dứt hoạt động của dự án “treo”, gây lãng phí nguồn lực đất đai nghiêm trọng.
Cụ thể, cũng trong quyết định nêu trên, địa phương này đã từ chối để Công ty TNHH Thương mại Nam Bình Nghệ An tiếp tục thực hiện dự án trung tâm thương mại dịch vụ tại xã Hưng Hòa, TP Vinh. Lý do đưa ra, đó là dự án chậm tiến độ so với quy định, việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án gặp một số vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư.
Cùng chung lý do chậm tiến độ, nhà đầu tư chưa thực hiện ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư, một dự án khác là dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống cấp nước vùng Nam Quỳnh Lưu - Bắc Diễn Châu tại xã Quỳnh Diễn và xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu do Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Thăng Long 89 làm chủ đầu tư cũng bị UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định chấm dứt hoạt động và hủy bỏ các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án…a