Công ty Hưng Phúc cần phải có biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và di dời những hộ dân sống cạnh mỏ đá, nếu không sẽ bị thu giấy phép.
 
Từ khi mỏ đá Hưng Phúc (xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) đi vào hoạt động, người dân thường xuyên phải chịu cảnh đá văng, tiếng ồn, bụi bẩn mỗi khi nổ mìn; chưa kể việc ô nhiễm môi trường từ nước thải xưởng cưa đá…
 
Vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ nổ mìn khiến ngôi nhà cấp 4 bị hư hỏng nặng, bà Phan Thị Xuân (trú xóm mới Nhân Tài, xã Cẩm Sơn, Anh Sơn) cho biết: “May hôm đó (ngày 24/2 - PV) gia đình tôi đi vắng cả, chứ ở nhà thì chắc bị đá rơi trúng rồi. Cứ mỗi lần nổ mìn cảm giác nhà cửa, vật dụng trong nhà rung chuyển như có động đất, đá rơi vỡ hết mái ngói, thủng dàn tôn, vật dụng trong nhà cũng hư hỏng hết. Vì nhà cách mỏ đá hơn 100m nên mỗi lần nổ mìn là bụi đá trắng xóa không tài nào thở được”.
 
Ngày 4/3, để “mục sở thị” mỏ đá Hưng Phúc, PV Báo Giao thông vượt 100km từ TP Vinh lên Anh Sơn rồi men theo đường liên xã 6km đất gồ ghề, đầy rẫy “ổ voi”, “ổ gà” để vào được khu mỏ. Theo quan sát, đồi phía trong mỏ khai thác đá xây dựng, còn khu vực phía gần đường liên xã chủ yếu tiến hành khai thác đá khối để đưa vào xưởng cưa xẻ.
 
Phía dưới chân núi, có một xưởng cưa đá lớn, nước sau khi xẻ đá được thải trực tiếp ra khe suối phía sau có màu trắng đục xen lẫn màu đen của đá và dầu mỡ. Phía xa, những bụi cây gần xưởng cưa cũng bị phủ lên một lớp bụi bạc phếch. “Cây cối, hoa màu, vườn chè không thể phát triển do nguồn nước quanh mỏ đá bị ô nhiễm”, bà Xuân than.
 
Theo tìm hiểu của PV, mỏ đá Hưng Phúc được UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ từ năm 2013 với diện tích mỏ gần 8,2ha, thời hạn khai thác mỏ 20 năm. Đây là một mỏ đá có trữ lượng lớn, bao gồm cả đá xây dựng và đá ốp lát. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, Công ty Hưng Phúc đã nhiều lần để xảy ra sai phạm. Cụ thể, trong các năm 2017 và 2018, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu công ty khắc phục một số sai phạm liên quan đến việc khai thác, vận hành mỏ đá nhưng đến nay đơn vị này vẫn tái diễn.
 
Ông Hoàng Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết, sau khi sự việc xảy ra, huyện đã giao cho Phòng TN&MT thành lập đoàn cùng với xã Cẩm Sơn, Công an huyện xuống hiện trường kiểm tra, kiểm đếm thiệt hại, đồng thời lập biên bản sự việc. “Về lâu dài, Công ty Hưng Phúc cần phải có biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và di dời những hộ dân sống cạnh mỏ đá để họ yên tâm sinh sống và sản xuất”, ông Cường nói.
 
Ông Võ Duy Việt, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi nhận được phản ánh, Sở đã thành lập đoàn do ông Võ Văn Ngọc, Phó giám đốc Sở trực tiếp đi kiểm tra, sai phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó.
 
Trả lời câu hỏi về các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, ông Việt khẳng định, nếu trong quá trình khai thác đá, Công ty Hưng Phúc không đảm bảo an toàn, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của người dân thì Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác.