Mục tiêu Kế hoạch số 1557/KH-BYT-BGDĐT hướng tới tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nhằm tăng cường hiệu quả phòng bệnh. Cụ thể, tối thiểu 80% trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trong các cơ sở giáo dục thuộc đối tượng chỉ định được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3; tối thiểu 80% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong các cơ sở giáo dục thuộc đối tượng chỉ định được tiêm đủ 02 liều vắc xin phòng COVID-19.
Việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngành Y tế và Ngành Giáo dục trong quá trình tiêm chủng cho trẻ em mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi Ngành. Tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả và khoa học theo các hướng dẫn đã ban hành của Bộ Y tế.
Theo Kế hoạch, thời gian triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 bắt đầu từ tháng 11 - 12/2022. Đối tượng tiêm là trẻ em, học sinh từ 5 đến dưới 18 tuổi có chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã đăng ký với Bộ Y tế.
Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đề nghị việc tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vắc xin phải thực hiện theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế; sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng để triển khai tiêm chủng. Ngành Y tế chủ trì, phối hợp với Ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan tại địa phương triển khai các hoạt động rà soát đối tượng, lập kế hoạch, huy động nguồn nhân lực và tổ chức buổi tiêm chủng.
Đồng thời, đảm bảo an toàn tiêm chủng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng tiêm chủng; tổ chức truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi; truyền thông vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ trẻ ủng hộ, tham gia công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”,…
Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, tham mưu UBND và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố triển khai việc tiêm chủng cho trẻ em, học sinh trên địa bàn theo đúng Kế hoạch và hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo các đơn vị liên quan và phối hợp với Sở GD&ĐT rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ để tổ chức tiêm chủng tại nhà trường hoặc địa điểm thích hợp.
Cùng với đó, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, kiên trì vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ hợp pháp của trẻ để tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh được tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Định kỳ chia sẻ thông tin với đầu mối của Sở GD&ĐT về các thông tin liên quan và tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh; thông tin các địa phương có tiến độ tiêm chậm để tăng cường công tác chỉ đạo liên ngành.
Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ để tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh. Chủ động phối hợp với cơ quan y tế và các tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn, kiên trì vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ hợp pháp của trẻ để tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh được tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của Ngành Y tế. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để phối hợp tổ chức các điểm tiêm chủng cho trẻ em mầm non, học sinh tại trường học hoặc các địa điểm phù hợp khác, đảm bảo tiêm chủng an toàn, khoa học./.
Theo H.B - nghean.gov.vn